Đài RT ngày 17-9 đưa tin, Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ phải đối mặt hậu quả nếu Moscow sử dụng vũ khí hạt nhân hay vũ khí hoá học trong cuộc xung đột ở Ukraine.
|
Tổng thống Joe Biden (trái) và Tổng thống Vladimir Putin trong một cuộc gặp trước đây. Ảnh: REUTERS |
Trong chương trình "60 Minutes" do đài CBS News sản xuất, trả lời câu hỏi Mỹ sẽ phản ứng ra sao nếu biết Nga đang cân nhắc việc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt để đáp trả chiến lược phản công của Ukraine ở miền đông, Tổng thống Biden nhấn mạnh rằng: "Đừng! Đừng! Đừng! Điều đó sẽ thay đổi cục diện của cuộc chiến không giống bất cứ điều gì kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai".
Tuy nhiên, ông Biden từ chối giải thích hậu quả và cách mà Mỹ sẽ phản ứng ra sao nếu Moscow quyết định dùng vũ khí hạt nhân.
"Dĩ nhiên, tôi sẽ không nói với bạn nếu tôi biết chính xác những gì sẽ diễn ra nhưng đó sẽ là một hậu quả. Họ [Nga] sẽ trở thành những người bị xa lánh trên thế giới hơn bao giờ hết. Và tùy thuộc vào mức độ những gì họ thực hiện sẽ quyết định phản ứng nào [của Mỹ] được đưa ra” - ông Biden cho hay.
Bình luận về phát biểu của Tổng thống Mỹ, người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov nói rằng: “Hãy đọc học thuyết [hạt nhân], mọi thứ đều được đề cập trong đó”.
Học thuyết hạt nhân của Nga nói rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân khi một hành động gây hấn “chống lại Nga hoặc đồng minh bằng việc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt" hoặc khi "sự tồn tại của nhà nước Nga bị đe dọa”.
Cụ thể hơn, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko vào tháng 5 từng lưu ý rằng nước này chỉ được phép sử dụng vũ khí hạt nhân trong bốn trường hợp sau: (1) kẻ thù của Nga đang sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác trên lãnh thổ Nga hoặc các đồng minh của Moscow; (2) có bằng chứng đáng tin cậy về một vụ phóng tên lửa đạn đạo tấn công lãnh thổ của mình hoặc của các đồng minh Nga; (3) chính phủ hoặc các căn cứ quân sự quan trọng của Nga bị đối phương tấn công nhằm mục đích làm suy yếu khả năng đáp trả của lực lượng hạt nhân Moscow; (4) Nga phải đối mặt một mối đe dọa hiện hữu thông qua việc sử dụng vũ khí thông thường.
Vào tháng 8 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu khẳng định Moscow “không cần” sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, mô tả suy đoán của truyền thông về việc Moscow có thể triển khai vũ khí hạt nhân hay vũ khí hóa học trong cuộc xung đột là “những lời nói dối tuyệt đối”.
“Mục đích chính của vũ khí hạt nhân Nga là ngăn ngừa một cuộc tấn công hạt nhân. Việc sử dụng nó được giới hạn trong những trường hợp bất thường” - ông Shoigu cho biết.
Theo Vĩnh Khang/Pháp luật TP.HCM