Tổng quân số hiện nay của
quân đội Nga trên chiến trường Ukraine chỉ khoảng 200.000 quân; khi 200.000 quân Nga chiến đấu với 1 triệu quân Ukraine, lợi thế chắc chắn nghiêng về Quân đội Ukraine.
Theo Bộ Quốc phòng Ukraine, 1 triệu quân trong tương lai của lực lượng này sẽ bao gồm 700.000 người thuộc quân đội, 300.000 người khác là Vệ binh Quốc gia, cảnh sát và lực lượng biên phòng.
Nhưng giới phân tích đặt ra câu hỏi đối với tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng, Ukraine lấy đâu ra nhiều tiền và nhiều vũ khí để trang bị cho một đội quân hàng triệu người?
Viện trợ của Mỹ không phải là vô hạn, nhưng muốn nhận viện trợ, Ukraine phải tăng quân. Trước đó, Ukraine đã tuyên bố sẽ tăng quy mô quân đội lên 1 triệu quân để có thể chống lại sức tấn công của Quân đội Nga.
Tờ Independent nhận định, việc phóng đại sức mạnh của quân đội là điều thường thấy trong quân đội. Tung tin trước chiến tranh, là một phần quan trọng của cuộc chiến dư luận và khiến đối thủ phải “đau tim”. Hoặc thậm chí, tung ra nhiều thông tin theo kiểu "thật giả lẫn lộn", sẽ khiến đối phương đau đầu đối phó.
Tờ BBC cho biết, Quân đội Ukraine hiện nay chỉ có khoảng 200.000 quân chủ lực; việc tuyên bố tăng quy mô quân số, đó cũng có thể là phương pháp để Kiev xin tăng thêm viện trợ quân sự của phương Tây.
Tuy nhiên không cần tăng quân lên tới 1 triệu quân, Quân đội Ukraine cũng đã chống đỡ được các đợt tấn công chớp nhoáng của Quân đội Nga, nhất là ngăn chặn thành công của Tập đoàn quân số 35 của Nga ở ngoại vi Kiev vào giai đoạn đầu của cuộc xung đột.
Trong chiến dịch Mariupol, Quân đội Ukraine cũng đã thể hiện rất tốt, khiến các quốc gia lớn trong khối NATO cũng phải thán phục. Đặc biệt với vũ khí chống hạm hạn chế, nhưng Quân đội Ukraine cũng khiến các tàu chiến Nga trên biển Đen phải dè chừng.
Tuy nhiên, kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bước sang giai đoạn hai, quân đội Nga đã thay đổi chiến thuật và chọn sử dụng học thuyết pháo binh để làm mềm chiến trường, khiến Quân đội Ukraine gần như hoàn toàn rơi vào tình thế bị động.
Quân đội Nga chiến đấu kiên định, đánh chắc tiến chắc, pháo binh bắn phá trước, xe tăng đi sau, bộ binh khi đó mới lên làm chủ chiến trường.
Đồng thời quân Nga cũng dựa vào ưu thế về pháo binh và xe tăng, đã liên tiếp giành được những chiến thắng ở Donbass và Luhansk; đồng thời liên tiếp chiếm các thành phố chiến lược quan trọng như Sieverodonetsk và Lisichansk. Thừa thắng xông lên, quân Nga tiếp tục tiến đến Slavyansk và Seversk.
Quân đội Nga thế như chẻ tre, lần lượt chiếm đóng các thành phố ở Ukraine. Nếu cứ tiếp tục chiến đấu như thế này, Ukraine sẽ rất khó có thể lật ngược thế cờ.
Cái mà phương Tây muốn là một quân đội Ukraine, có thể đọ sức với quân đội Nga trong thời gian càng lâu càng tốt. Việc Kiev có thể lật ngược được thế cờ hay không, là điều khó có thể nhận định ít nhất là trong tương lai gần, tuy nhiên Ukraine với nguồn viện trợ của phương Tây, hoàn toàn có thể chiến đấu lâu dài.
Với cuộc chiến đang diễn ra đến lúc này, quân đội Ukraine cấp bách cần một chiến thắng cốt yếu, để củng cố niềm tin với cả toàn dân Ukraine và các nhà tài trợ phương Tây.
Tại sao Kiev ra lệnh cho Bộ Quốc phòng Ukraine xây dựng kế hoạch tác chiến đánh chiếm bờ biển phía nam? Bởi hiện tại, Quân đội Nga đang tập trung lực lượng để chiến đấu ở phía tây và bắc Donbass, mà mặt trận là mũi nhọn Kharkov.
Ở phía nam, Nga đã mất phần lớn quyền kiểm soát đối với Biển Đen, do sự yếu kém của hải quân Nga. Sau khi quân đội Nga rút khỏi Đảo Rắn, mối đe dọa trên biển đối với khu vực Odessa tạm thời được giải tỏa.
Phía nam là khu vực yếu của Quân đội Nga, trong khi Quân đội Ukraine có thể dựa vào Odessa và Nikolayev để mở cuộc phản công vào khu vực Kherson với sự hỗ trợ của tình báo của NATO.
Nhưng về mặt chiến lược, khu vực Kherson cực kỳ quan trọng đối với quân đội Nga. Do Kherson và Crimea có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, nên các nguồn cung cấp hậu cần của quân đội Nga đều đi qua Crimea, qua Kherson, rồi đến chiến trường Donbas.
Cuộc phản công của quân đội Ukraine nhằm vào Kherson, thực chất là nhằm quấy rối tuyến đường hậu cần của Quân đội Nga, để suy yếu cuộc tấn công của Quân đội Nga tại Donbass và Kharkov.
Nếu quân đội Nga điều một số đơn vị trở lại bảo vệ Kherson, thì sức ép đối với Quân đội Ukraine trên các mặt trận Donbas và Kharkov sẽ giảm đi đáng kể.
Nhưng nếu xét về cường độ phản công, thì chắc chắn sẽ không thể mạnh như tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine. Đồng thời, lực lượng phòng thủ bờ biển Ukraine sẽ tiếp tục chọn thời cơ để tấn công các tàu vận tải của Hải quân Nga.
Vậy câu hỏi đặt ra là liệu Quân đội Ukraine đã có đủ sức mạnh để tái chiếm các khu vực ven biển phía nam; đồng thời phản công Quân đội Nga từ cả ở phía bắc và phía tây? Với tiềm lực của quân đội Ukraine hiện tại, mục tiêu này là quá tham vọng và sẽ rất khó để thành công.
Tiến Minh