Những năm Thế chiến II, công nghiệp quốc phòng Đức quốc xã đã tạo ra bước đột phá mạnh, vượt trội so với các quốc gia khác. Các nhà khoa học Đức quốc xã đã phát minh nhiều công nghệ làm nền tảng cho sự phát triển của các loại vũ khí hiện đại về sau.
Đức quốc xã đi tiên phong trong việc phát triển máy bay chiến đấu, động cơ phản lực, tên lửa đạn đạo, vũ khí dẫn đường. Trong số nhiều dự án vũ khí tiên phong đó, máy bay ném bom phản lực Arado Ar 234 được xem là một điển hình. Đây là chiếc máy bay ném bom đầu tiên của thế giới được trang bị động cơ phản lực.
Công nghệ tiên phong
|
Máy bay ném bom phản lực Ar 234 nguyên vẹn được trưng bày tại bảo tàng ở Mỹ. Ảnh: Wikipedia |
Theo War History Online, người Đức đã làm chủ công nghệ động cơ phản lực vào năm 1939 với dự án máy bay phản lực Heinkel He 178. Từ thành công này, Đức quốc xã muốn phát triển một máy bay phản lực lớn hơn, có khả năng ném bom các thành phố của phe đồng minh. Máy bay này sẽ bay ở tốc độ mà phe Đồng minh không thể ngăn chặn.
Cuối năm 1940, Bộ Hàng không Đức tổ chức cuộc đấu thầu phát triển máy bay trinh sát tốc độ cao với phạm vi hoạt động trên 2.000 km. Arado là công ty duy nhất tham gia chương trình. Công ty này giới thiệu dự án E.370 do giáo sư Walter Blume dẫn đầu.
Máy bay có thiết kế cánh chính bố trí phía trên thân máy bay, dưới mỗi cánh lắp một động cơ phản lực Junkers Jumo 004. Nguyên mẫu máy bay được chỉ định Arado Ar 234, máy bay thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 2/8/1944 do phi công Erich Sommer điều khiển.
Ar 234 có tốc độ tối đa khoảng 780 km/h, nhanh hơn nhiều so với các máy bay chiến đấu cùng thời điểm. Nó có trần bay tối đa 11 km, phạm vi hoạt động xấp xỉ 2.000 km. Máy bay không đạt tầm bay so với yêu cầu của Bộ Hàng không Đức nhưng các quan chức rất thích thiết kế của nó và được thông qua.
Phiên bản sản xuất đầu tiên được chỉ định Ar 234A dùng cho nhiệm vụ trinh sát. Máy bay này thực hiện nhiệm vụ trên khắp Tây Âu, Anh mà không bị phát hiện. Các máy bay đánh chặn, hệ thống phòng không của phe đồng minh gần như bất lực trong việc ngăn chặn Ar 234A.
Quá trình sử dụng thực tế ghi nhận, Ar 234A đạt tốc độ 742 km/h, độ cao tối ưu 6.000 m, phạm vi hoạt động 1.556 km, thông số cực kỳ ấn tượng đối với máy bay chế tạo những năm Thế chiến II. Từ thành công của phiên bản trinh sát, Bộ Hàng không Đức yêu cầu nhà sản xuất phát triển phiên bản ném bom. Phiên bản ném bom được chỉ định Ar 234B.
Hạn chế
|
Máy bay Ar 234 bị quân đội Mỹ thu giữ cuối Thế chiến II. Ảnh: Warhistoryonline |
Trong quá trình sử dụng, các phi công phàn nàn hệ thống bánh đáp của máy bay dễ bị trượt khi hạ cánh trên đường băng ẩm ướt. Buồng lái bố trí phía thân trước khiến phi công không thể quan sát phía sau. Để khắc phục hạn chế này, người ta bổ sung một kính tiềm vọng dùng cho xe tăng gắn vào phía trên nóc buồng lái.
Phi công sẽ quan sát thông qua kính tiềm vọng để tấn công các mục tiêu bám đuôi bằng súng máy gắn phía sau. Tuy nhiên, khẩu súng gắn cố định vào thân máy bay nên việc bắn chính xác gần như là điều không thể.
Phiên bản chuyển đổi cho nhiệm vụ ném bom phát sinh vấn đề khác, thân máy bay không đủ không gian để thiết kế khoang chứa bom. Do đó các quả bom phải treo ngoài cánh và dễ bị trục trặc do thiếu các giá treo chuyên dụng.
Dù còn những hạn chế, song Ar 234 đã chứng minh là “cỗ máy gần như không thể ngăn chặn”. Ar 234 đã khẳng định điều này trong phi vụ oanh tạc cầu Ludendorff tại Remagen, Đức tháng 3/1945. Quân đội Mỹ nỗ lực chiếm cầu, vì nó là điểm quan trọng để vận chuyển trang thiết bị quân sự qua sông Rhine.
Một chiếc Ar 234 đóng quân gần đó đều đặn ném 1 tấn bom xuống khu vực mà quân đội Mỹ không thể ngăn chặn. Tháng 4/1945, Ar 234 thực hiện phi vụ ném bom cuối cùng vào nước Anh trước khi quân đội Đức quốc xã bị đánh bại.
Khoảng 210 chiếc Ar 234 đã được chế tạo từ năm 1944 đến hết Thế chiến II. Xét về hiệu suất, Ar 234 là máy bay ném không có đối thủ ở thời điểm đó, tuy vậy vũ khí tiên phong này không giúp cho Đức quốc xã thoát khỏi việc bị đánh bại.
Một chiếc Ar 234 nguyên vẹn được quân đội Mỹ thu giữ hiện trưng bày tại Trung tâm F. Udvar-Hazy Steven, gần sân bay quốc tế Washington Dulles.
Theo Quốc Việt/Zing