Các chuyên gia quân sự cho rằng, mặc dù trong khoảng thời gian 10 năm trước đây, Trung Quốc đã có nhiều thành công trong việc xây dựng lực lượng hải quân hiện đại với nòng cốt là các hạm đội tác chiến trên biển. Lực lượng này có thể đảm nhận nhiều loại nhiệm vụ xa bờ dài ngày. Tuy nhiên, Hải quân Trung Quốc vẫn chưa thể thực hiện nhiệm vụ của một biên đội tàu sân bay hoàn chỉnh như Quân đội Mỹ, nguyên nhân là bởi những lý do chủ yếu sau:
|
Tàu sân bay Type 001A mang tên Sơn Đông (CV-17). Nguồn ảnh: Sina |
Năng lực phòng không hạm đội hạn chế
Có thể nói, phòng không hạm đội là tiền đề để duy trì khả năng sinh tồn trên biển của các hạm đội tàu sân bay hải quân, đồng thời đây cũng là điều kiện tiên quyết trong quá trình thực hành tác chiến khi phối hợp với biên đội tàu sân bay trên biển. Mặc dù các tàu khu trục mới lớp 052C/D và tàu hộ vệ lớp 054A có năng lực tác chiến phòng không vượt trội so với các thế hệ tàu tác chiến mặt nước khác có trong biên chế, tuy nhiên số lượng các tàu này hiện nay còn tương đối hạn chế.
Do đó, về tổng thể năng lực tác chiến phòng không của Hải quân Trung Quốc vẫn còn nhiều hạn chế nhất định. So với tiêu chuẩn của các nước phương Tây, tàu tác chiến mặt nước phải hội tụ đủ năng lực phòng không khu vực, có thể tấn công, đánh chặn mọi loại tên lửa chống hạm của đối phương. Một tàu tác chiến mặt nước phải mang được ít nhất 100 quả tên lửa phòng không. Tuy nhiên, cả ba loại tàu tác chiến mặt nước hiện đại trên của Hải quân Trung Quốc vẫn chưa mang đủ số lượng theo tiêu chuẩn trên.
|
Trung Quốc đã đóng được nhiều chiến hạm phòng không tiên tiến như Type 052C/D. Thế nhưng, các tàu này nhìn chung vẫn thua kém các chiến hạm Aegis có thể mang 90-100 tên lửa đối không của Mỹ. Nguồn ảnh: Sina |
Cho dù, tàu khu trục hiện đại nhất và lớn nhất hiện nay là 052D cũng chỉ mang được nhiều nhất 64 quả tên lửa phòng không. Tàu khu trục 052C và tàu hộ vệ 054A chỉ mang được từ 30 - 50 quả tên lửa phòng không các loại. Như vậy, có thể thấy, nếu so với tiêu chuẩn hiện hành của các nước phương Tây thì năng lực phòng không của các tàu chiến phòng không hạm đội tàu sân bay của Trung Quốc vẫn còn khoảng cách rất xa.
Theo đánh giá, động cơ và thông số kỹ thuật của các tàu chiến mặt nước của
Hải quân Trung Quốc cũng tương đối nhỏ. Các tàu này còn một số hạn chế khác như động cơ khá cồng kềnh, chiếm nhiều diện tích; các rada tiêu tốn nhiều năng lượng nên ảnh hưởng tới năng lực tác chiến của các hệ thống khác; Các hệ thống rada, thông tin liên lạc… đặt ở vị trí cao trên thân tàu nên ảnh hưởng tới năng lực hành trình và độ cân bằng của tàu. Do đó, năng lực tác chiến phòng không xa bờ của Hải quân Trung Quốc chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi các yếu tố này.
Năng lực bảo đảm hậu cần và tác chiến xa bờ hạn chế
Thực tế cho thấy, các hạm đội Hải quân Trung Quốc vẫn còn nhiều hạn chế trong hoạt động bảo đảm hậu cần khi tác chiến xa bờ, do đó ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động duy trì hoạt động trên biển dài ngày đối với tàu sân bay. Một biên đội tàu sân bay đầy đủ được biên chế từ 600 - 1.000 nhân viên các loại, 3 - 7 phi đội máy bay chiến đấu, 1 - 2 phi đội tác chiến chống ngầm, từ 1 - 3 tàu ngầm. Với lực lượng hùng hậu như vậy, công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật; nhu cầu lương thực thực phẩm; nhiên liệu là rất lớn.
|
Tàu tiếp tế tổng hợp Type 903 cỡ 20.000 tấn của Trung Quốc. Nguồn ảnh: Scmp |
Trong khi đó, Hải quân Trung Quốc không có căn cứ tại nước ngoài, biên đội tàu sân bay mới sơ bộ hình thành năng lực tác chiến vẫn chưa đủ khả năng bảo đảm tác chiến cho các hoạt động giữ gìn an ninh trên biển tại các vùng biển trọng yếu.
Hiện nay, Hải quân Trung Quốc chỉ có 5 tàu bảo đảm hậu cần, trong đó 3 tàu tương đối mới. Tuy nhiên, về tổng thể, năng lực bảo đảm hậu cần thì vẫn không đáp ứng đủ cho Hải quân Trung Quốc, đặc biệt là trong điều kiện tác chiến xa bờ hoặc khi có tranh chấp trên biển với Nhật Bản hoặc khi có các tình huống xung đột với Mỹ.
Tác chiến chống ngầm tồn tại nhiều hạn chế nghiêm trọng
Cũng giống như năng lực tác chiến phòng không hạm đội và năng lực bảo đảm hậu cần, năng lực tác chiến chống ngầm đặc biệt là hoạt động chống ngầm xa bờ của Hải quân Trung Quốc cũng tồn tại nhiều hạn chế. Trong mấy chục năm trở lại đây, mặc dù số lượng trang bị tàu ngầm thông thường của Trung Quốc có tăng nhưng chất lượng không được nâng cao. Đặc biệt là thiếu nghiêm trọng số lượng lớn máy bay tác chiến chống ngầm và máy bay trinh sát tuần tra biển.
|
Năng lực chống ngầm hạn chế cũng khiến biên đội tàu sân bay Trung Quốc dễ bị tổn hại. Nguồn ảnh: Sina |
Chỉ đến một vài năm trở lại đây, Hải quân Trung Quốc mới bắt đầu coi trọng nâng cao năng lực tác chiến chống ngầm. Nguyên nhân chủ yếu có lẽ là do Hải quân Trung Quốc chỉ coi trọng năng lực chống xâm nhập khu vực còn không chú trọng nâng cao năng lực tác chiến viễn chinh hoặc cũng có thể do năng lực tác chiến của hạm đội chưa hoàn chỉnh nên không có khả năng bảo đảm hoạt động tác chiến chống ngầm. Bởi vì Hải quân Trung Quốc đã có nhiều tàu tác chiến mặt nước hiện đại hóa nên có tư tưởng có khả năng giải quyết nâng cao năng lực chống ngầm đơn giản.
Kinh nghiệm chiến đấu chưa nhiều, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao
Hiện nay, năng lực tác chiến thực tế của Hải quân Trung Quốc cũng là một vấn đề hết sức nan giải. Trong đó, thủy thủ không được trang bị kinh nghiệm thực tiễn huấn luyện, trang bị kỹ thuật thiếu đồng bộ, quá trình duy tu bảo dưỡng chưa thực sự được coi trọng.
Chính các chuyên gia phân tích quân sự Trung Quốc cũng thừa nhận, thủy thủ trên tàu chiến của Hải quân Trung Quốc không có đủ tri thức, kỹ năng cần thiết để vận hành các trang thiết bị vũ khí hiện đại; thao tác không đáp ứng được yêu cầu, về tổng thể thì lực lượng nguồn nhân lực này thiết hoạt động thực tiễn.
Lam Ngọc