Tiêu diệt mục tiêu từ khoảng cách 200 km
Theo nguồn tin của Bộ Quốc phòng Nga, mới đây một máy bay chiến đấu đa năng Su-35S của Nga đã bắn hạ thành công hai chiến đấu cơ Su-25 và MiG-29 của Ukraine trong một cuộc xuất kích.
Phi công lái máy bay chiến đấu Su-35S của Không quân Nga, Đại úy Klim nói rằng, một cặp Su-25 và một chiếc MiG-29 đã được phát hiện ở cự ly khoảng 200 km. Rõ ràng, những chiếc Su-25 đang chuẩn bị thực hiện cuộc tấn công mặt đất và những chiếc MiG-29 làm nhiệm vụ bay hộ tống.
Theo phi công Klim, sau khi tên lửa được phóng từ chiếc Su-35S của anh ta, mục tiêu trên màn hình radar đã biến mất. Hơn nữa, thông tin tình báo xác nhận, có hai máy bay chiến đấu Ukraine đã bị bắn hạ.
Theo một nghiên cứu gần đây về Tác chiến trên không của Nga ở chiến trường Ukraine, được thực hiện bởi Viện nghiên cứu Royal United Services (RUSI) có trụ sở tại London cho biết, máy bay chiến đấu của Nga vẫn tỏ ra rất hiệu quả và liên tiếp hạ gục chiến đấu cơ Ukraine trong suốt cuộc chiến; đặc biệt là Su-35S được trang bị tên lửa không đối không (AAM) tầm trung R-77-1.
|
Ảnh: Cặp tên lửa không đối không tầm trung R-77-1 dưới 2 lắp dưới cánh tiêm kích Su-35S. Nguồn: Bộ Quốc phòng Nga. |
Được sản xuất bởi nhà sản xuất tên lửa hàng đầu của Nga Vympel, R-77-1 là tên lửa không đối không dẫn đường bằng radar chủ động ngoài tầm nhìn (BVR), có thể tấn công các mục tiêu trên không như máy bay chiến đấu, trực thăng, tên lửa hành trình… ở cự ly lên tới 110 km.
Các phi công chiến đấu Ukraine được các chuyên gia tại RUSI trích dẫn thừa nhận rằng, Su-30SM và Su-35S của Nga hoàn toàn vượt trội so với các máy bay chiến đấu của Không quân Ukraine.
Sự khác biệt về sức mạnh công nghệ giữa máy bay chiến đấu của hai lực lượng không quân chủ yếu bao gồm tên lửa R-77-1 AAM cùng với khả năng quan sát, khóa mục tiêu và dẫn đường xuất sắc của các radar N011M Bars và N035 Irbis-E trên máy bay chiến đấu của Nga.
|
Ảnh: Radar thụ động N035 Irbis-E PESA được sử dụng trên tiêm kích đa năng Su-35S. Nguồn Twitter.
|
Kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, các máy bay chiến đấu của Nga đã khóa radar và phóng tên lửa R-77-1 vào máy bay chiến đấu Ukraine từ khoảng cách hơn 100 km.
Đầu dò radar chủ động của tên lửa R-77-1, kết hợp với các radar hiện đại N011M và N035 (sử dụng theo nguyên tắc thụ động) trên chiến đấu cơ Nga, cho phép các máy bay chiến đấu của Nga phóng tên lửa ở chế độ theo dõi trong khi quét (TWS).
Khả năng TWS cho phép radar Su-35 phân bổ một phần công suất của nó để theo dõi một hoặc nhiều mục tiêu. Đồng thời, một phần công suất radar cũng được sử dụng để làm nhiệm vụ dẫn đường cho tên lửa;
Nghĩa là tên lửa R-77-1 có thể được dẫn đường từ radar máy bay phóng, để bay đến gần mục tiêu; sau đó radar của tên lửa mới thực hiện dẫn đường trong pha cuối.
Khi tên lửa R-77-1, kết hợp với các radar N011M và N035 khóa được mục tiêu máy bay của Ukraine, các phi công Ukraine không biết rằng mình đã bị khóa vào radar của máy bay chiến đấu Nga.
|
Ảnh: UA. |
Lý do là máy thu cảnh báo radar (RWR) của chiến đấu cơ Ukraine không thể phát hiện bức xạ vô tuyến từ tên lửa R-77-1 phóng từ máy bay Nga đang lao tới, cho đến khi radar của tên lửa được kích hoạt. Đến lúc đó, do khoảng cách quá gần, phi công Ukraine không còn thời gian để phản ứng với tên lửa.
Trong khi đó, tên lửa R-27R/ER được Không quân Ukraine sử dụng, yêu cầu phải duy trì khóa và theo dõi mục tiêu (STT) bằng radar duy nhất của máy bay phóng, trong suốt thời gian tên lửa bay tới mục tiêu.
Như vậy, khi một máy bay chiến đấu của Ukraine phóng một tên lửa dẫn đường bằng radar R-27R/ER, vụ phóng sẽ được các máy thu cánh báo radar (RWR) trên máy bay chiến đấu của Nga bắt được.
Ngoài ra, nếu máy bay chiến đấu của Ukraine mất khóa radar đối với mục tiêu, dù chỉ một khoảnh khắc ngắn trong khi tên lửa bay, nếu máy bay Nga triển khai các biện pháp đối phó hoặc tác chiến điện tử, hoặc radar của máy bay Ukraine trục trặc, thì tên lửa R-27R/ER sẽ bắn trượt.
Ngoài ra, tầm bắn của tên lửa R-27 đạt tối đa khoảng 80-95 km, trong khi tên lửa R-77-1, có thể đạt tới hơn 100 km.
|
Ảnh: MiG-29 Ukraine với tên lửa R-73, R-27. Ảnh: UA.
|
Hơn nữa, trong những tuần gần đây, các máy bay Su-35 của Nga cũng đã sử dụng tên lửa R-37M AAM tầm siêu xa, có thể tấn công các mục tiêu trên không tốc độ cao ở cách xa hơn 300 km.
Tên lửa R-37M AAM cho phép các máy bay chiến đấu của Nga bắn hạ các máy bay chiến đấu của Ukraine bay trong không phận được bảo vệ nghiêm ngặt dưới sự giám sát AWACS của NATO và được bảo vệ bởi tên lửa S-300.
Hơn nữa, Không quân Ukraine có quân số ít hơn Không quân Nga, theo tờ EurAsian Times của Ấn Độ cho biết, Không quân Nga đã triển khai khoảng 10-12 máy bay chiến đấu để chống lại một máy bay chiến đấu Ukraine.
Tuy nhiên, gần 9 tháng sau cuộc chiến, Ukraine vẫn cố gắng duy trì không phận tranh chấp, và điều này là do khả năng thích ứng với các thách thức của phi công Ukraine.
|
Ảnh: Su-35S của Nga phóng tên lửa R-37M. Nguồn Twitter. |
Phi công Ukraine sử dụng chiến thuật mạo hiểm
Các phi công máy bay chiến đấu Ukraine bắt đầu bay thấp ngang ngọn cây để tận dụng nhiễu địa vật, tránh bị radar mặt đất và trên không của Nga phát hiện; từ đó thực hiện các cuộc tập kích bất ngờ vào máy bay chiến đấu của Nga.
Tuy nhiên, bay thấp làm giảm tầm bắn hiệu quả của tên lửa không đối không; trong khi độ cao lớn và tốc độ cao hơn của máy bay chiến đấu Nga giúp tên lửa của họ có nhiều năng lượng hơn khi phóng.
Quan trọng hơn, đó là một chiến thuật rất nguy hiểm và một số máy bay chiến đấu của Ukraine đã bị bắn hạ hoặc hư hại.
|
Ảnh" Máy bay cường kích Su-25 của Ukraine tấn công mục tiêu mặt đất. Ảnh: UA. |
Nhìn chung, tổn thất của Không quân Ukraine là khá cao. Kho vũ khí phòng không trước xung đột của Ukraine bao gồm khoảng 30 chiếc Su-27 và khoảng 50 chiếc MiG-29, cũng có thể được sử dụng cho mục đích không đối đất.
Tính đến thời điểm hiện tại, Ukraine đã mất tới 15 chiếc MiG-29 và 5 chiếc Su-27, theo số liệu mới nhất do blog theo dõi quân sự Oryx tổng hợp dựa trên các xác nhận trực quan. Trong số này, một chiếc MiG-29 và một chiếc Su-27 đã bị phá hủy trên mặt đất.
Trong khi đó, theo tài liệu của Oryx, tổn thất của Nga chỉ gồm 1 chiếc Su-35S và 11 chiếc Su-30SM, trong đó 5 chiếc Su-30 đã bị phá hủy trên mặt đất; tất cả máy bay chiến đấu của Không quân Nga bị phá hủy là do tham gia tấn công mặt đất và bị bắn hạ bởi tên lửa phòng không vác vai (MANPAD) của Ukraine.
Tiến Minh (tổng hợp)