Học giả Nga: Đường mòn Hồ Chí Minh-Con đường sống Việt Nam

Google News

Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày con đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh, báo “Bình luận quân sự” Nga đã đăng loạt bài của chuyên gia Nga Aleksandr Timokhin.

LTS: Dĩ nhiên, đối với chúng ta, có nhiều thông tin trong bài không phải là mới, nhưng theo chúng tôi, điều quan trọng ở đây là chúng ta biết thêm một cách đánh giá và nhận định của một học giả nước ngoài, của một “người ngoài cuộc”về tuyến đường này của chúng ta.Vì thế, xin giới thiệu nguyên văn cùng bạn đọc. Tất cả các ảnh và chú thích trong bài đều là của tác giả.
Thất bại của Quân đội thực dân Pháp tại Việt Nam trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã mở đường cho một kế hoạch hòa bình có thể dẫn đến chấm dứt chiến tranh trên đất nước Việt Nam.
Theo kế hoạch này, các bên đối địch (Quân đội Nhân dân Việt Nam và các lực lượng của Pháp) sẽ phải được cách ly, đất nước cần phải được phi quân sự hóa, và trong năm 1956, các cuộc bầu cử sẽ được tổ chức ở Miền Bắc và Miền Nam để xác định tương lai của Việt Nam.
Tất cả những điều khoản này đã được ghi rõ trong các quyết định của Hội nghị Geneve năm 1954 về lập lại hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên và Đông Dương.
Nhưng vào năm 1955, ở miền Nam (Việt Nam), bất chấp những quyết định trên (của Hội nghị Geneve-ND), quốc gia Việt Nam Cộng hòa được thành lập với thủ đô là Sài Gòn và người đứng đầu chính phủ là Ngô Đình Diệm.
Thời kỳ đầu, Ngô Đình Diệm có được sự tín nhiệm tương đối cao của dân chúng, nhưng ông đã nhanh chóng thâu tóm hết quyền lực chính trị trong nước. Đương nhiên, đã không có bất cứ một cuộc bầu cử nào trong năm 1956.
Còn về phía Mỹ, do từ trước đó rất lâu đã có kế hoạch đứng chân lâu dài ở Đông Dương và đang tìm mọi cách thức để bóp chết các phong trào giải phóng cánh tả tại khu vực này nên đã không ký Hiệp định Geneve (mặc dù Mỹ là một bên tham gia hội nghị) và ủng hộ nhà độc tài Ngô Đình Diệm.
Và vì như vậy nên chế độ Nam Việt Nam đã không có tính chính thống ngay từ đầu. Sau này các nhà cầm quyền Nam Việt Nam giữ được quyền lực chủ yếu là nhờ lưỡi lê của người Mỹ.
Ngay từ khi làm tổng thống, ông Ngô Đình Diệm đã phải chiến đấu quyết liệt với các đối thủ chính trị cũng đang nhăm nhe giành quyền lực, và đặc biệt là với những người Cộng sản đang phát động một cuộc đấu tranh vũ trang để thống nhất Việt Nam sau khi Ngô Đình Diệm tiếm quyền tại miền Nam.
Để đáp trả, chính quyền Nam Việt Nam khi đó đã tiến hành những chiến dịch đàn áp khốc liệt- chỉ trong vài năm, con số những đối thủ chính trị của tổng thống (Ngô Đình Diệm) bị sát hại đã lên tới gần 20.000 người, trong số đó có hơn một nửa là những người cộng sản.
Đã có hai lần đảo chính chống lại nhà độc tài nhưng đều bất thành, nhưng đến lần (đảo chính) thứ ba, vào năm 1963, Ngô Đình Diệm đã bị giết. Phải nói rằng chính người Mỹ đã nhúng tay vào việc sát hại Ngô Đình Diệm bởi vì họ biết rất rõ về kế hoạch đảo chính nhưng đã không tìm cách ngăn chặn nó.
Lý do khiến người Mỹ làm như vậy- rất nhiều khả năng là do những biện pháp đàn áp của Ngô Đình Diệm quá tàn nhẫn nên ngay cả đến những người Mỹ vốn không quá nổi tiếng vì chủ nghĩa nhân văn cũng phải “trở cờ” với ông ta.
Từ trước đó tương đối lâu, tháng 1/1959, dưới áp lực của các nhà lãnh đạo Việt Cộng trong tương lai,- tức những người chịu các tổn thất to lớn vì bị cảnh sát mật Nam Việt Nam đàn áp, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam tại Hà Nội đã phải quyết định tăng cường viện trợ cho những người cộng sản tại Miền Nam và chuyển sang thực hiện đường lối thống nhất đất nước bằng vũ lực Tất nhiên, trước đó Hà Nội vẫn ủng hộ quân khởi nghĩa Miền Nam, nhưng từ giờ trở đi, sự hỗ trợ đó sẽ ở một quy mô hoàn toàn khác.
Việt Nam là một dải đất hẹp chạy dài dọc theo bờ biển, và chỉ phía bắc Hà Nội, phần lãnh thổ của nó mới mở rộng theo chiều ngang với phần lớn diện tích ở đó là núi non và tiếp giáp với Trung Quốc.
Trong những năm bị chia cắt, khu vực phi quân sự (vĩ tuyến 17-ND) cắt đôi đất nước được bảo vệ nghiêm ngặt và không thể bàn đến chuyện vận chuyển súng ống đạn được cho quân du kích (Miền Nam) qua khu phi quân sự này được.
Tuy vậy, có hai con đường tránh (khu phi quân sự). Trước hết, đó là tuyến đường bí mật trên biển. Nhưng ngay lập tức có thể nhận thấy ngay rằng nếu xảy ra một cuộc chiến tranh quy mô lớn, nó (con đường trên biển-ND) sẽ bị cắt đứt- và quả đúng như vây, khi người Mỹ tham chiến, chuyện này đã xảy ra.
Con đường thứ hai là tuyến đi qua lãnh thổ của Lào,- tại Lào khi đó đang có nội chiến giữa một bên là chính phủ quân chủ thân Mỹ và bên kia là phong trào cánh tả thống nhất trong một mặt trận là lực lượng Pathet Lào. Quân Pathet Lào luôn sát cánh chiến đấu với Quân đội Nhân dân Việt Nam và chính phủ Việt Nam có ảnh hưởng rất lớn đối với họ.
Còn vùng đất phía Đông Lào là một khu vực lãnh thổ dân cư thưa thớt và địa hình rất phức tạp nên được coi là tuyến đường lý tưởng vận chuyển hàng từ miền Bắc vào miền Nam Việt Nam để tiến hành chiến tranh.
Từ trước đó, đã có nhiều đoàn vận tải mang vũ khí, súng đạn và thậm chí cả người dân đã đi qua khu vực lãnh thổ này trong nhiều năm liền, cả dưới thời Pháp cai trị, nhưng khối lượng hàng hóa mang theo khi đó rất hạn chế- hàng được mang vác trên vai, vận chuyển bằng thuyền và gia súc, gần như không có phương tiện xe cơ giới (trên từng cung đường ngắn).
Người Mỹ khi đó cũng chỉ tiến hành các hoạt động khá uể oải trên tuyến đường này, chủ yếu chi huy động lính đánh thuê người dân tộc được Quân đội Hoàng gia Lào hỗ trợ (để phục kích các đoàn vận tải trên các tuyến giao thông của Việt Nam) và các phi công người Mỹ - cũng là lính đánh thuê từ “Air America” hỗ trợ.
Tất cả lúc đó chỉ có thế. Nhưng bắt đầu từ tháng 1/1959, tình hình bắt đầu thay đổi. Thời kỳ đầu, phần lớn hàng (từ Bắc vào Nam) được vận chuyển bằng đường biển – chính các tuyến trên biển đảm bảo vận chuyển súng đạn và các loại phương tiện đặc biệt khác nhau cho quân khởi nghĩa Miền Nam.
Đây là một tuyến vận chuyển rất hiệu quả. Chỉ có điều là trên tất cả các loại tàu và thuyền không thể giấu được nhiều người, và sau Nghị quyết tháng 1/1959, cần phải đưa được thêm nhiều bộ đội vào Miền Nam. Và chính vì vậy nên người Việt Nam đã quyết định “kích hoạt lại” và mở rộng tuyến đường qua Lào.
Ngay sau khi có Nghị quyết của Trung ương Đảng Lao động (Việt Nam) về việc tăng cường cuộc chiến tranh du kích tại miền Nam, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã cho thành lập một đơn vị vận tải mới – đoàn vận tải 559 dưới sự chỉ huy của Đại tá (Thượng tá) Võ Bẩm.
Lúc đầu, đoàn này chỉ có quân số tương đương 2 tiểu đoàn, chỉ có một số xe ô tô tải nhỏ, phương tiện vận tải chủ yếu của đoàn là xe đạp. Nhưng ngay năm 1959, đoàn đã được bổ sung 2 trung đoàn vận tải– trung đoàn 70 và trung đoàn 71, và số lượng xe ô tô của đoàn bắt đầu tăng lên.
Không lâu sau đó, Võ Bẩm được phong hàm tướng, và bộ chỉ huy của đoàn lúc này không chỉ điều phối các hoạt động vận chuyển hàng, mà còn cả xây dựng công trình và hoàn thiện mạng lưới đường bộ trên tuyến đường chạy qua Lào. Đến cuối năm đó, trong biên chế của 2 trung đoàn của đoàn (559) đã có tới 6000 chiến sỹ, chưa kể các công nhân xây dựng dân sự và lực lượng làm công tác bảo vệ.
Hoc gia Nga: Duong mon Ho Chi Minh-Con duong song Viet Nam
 

Hoc gia Nga: Duong mon Ho Chi Minh-Con duong song Viet Nam-Hinh-2
 

Hoc gia Nga: Duong mon Ho Chi Minh-Con duong song Viet Nam-Hinh-3
 
Đến thời điểm người Mỹ công khai tham chiến, đoàn 559 khi đó do tướng Phan Trọng Tuệ chỉ huy đã có quân số tới gần 24.000 người với biên chế 6 tiểu đoàn xe ô tô vận tải, 2 tiểu đoàn xe đạp vận tải, 1 tiểu đoàn thuyền vận tải, 8 tiểu đoàn công binh và 45 phân đội đảm bảo hậu cần phục vụ các căn cứ (trạm) trung chuyển (trạm) dọc theo các tuyến đường.
Cũng đến thời điểm đó, cùng với những con đường mòn Trường Sơn chạy dọc theo sườn núi và các tuyến đường sông, đoàn vận tải đã làm mới hàng trăm km đường ô tô cấp phối hoặc lát gỗ, xây các cầu, các căn cứ trung chuyển và các kho, trạm nghỉ cho bộ đội của các đơn vị vận tải, các trạm sửa chữa, các quân y viện, bến bãi, hầm ngầm và không chỉ vận chuyển hàng quân sự và người chi viện cho Miền Nam, mà còn vận chuyển cả vật liệu xây dựng để tiếp tục mở rộng các tuyến đường vào Nam.
Đến giữa năm 1965, (đường mòn Hồ Chí Minh) đây không chỉ còn là một tuyến đường nữa – nó đã là một hệ thống hậu cần khổng lồ gồm rất nhiều tuyến đường, vận chuyển hàng trăm tấn hàng hóa mỗi ngày cho các đội quân Việt Cộng đang chiến đấu ở Miền Nam.
Và hàng ngàn chiến sỹ cho Miền Nam mỗi năm. Nhưng đây mới chỉ là bước khởi đầu.
Hoc gia Nga: Duong mon Ho Chi Minh-Con duong song Viet Nam-Hinh-4
 

Hoc gia Nga: Duong mon Ho Chi Minh-Con duong song Viet Nam-Hinh-5
 
Người Việt hành động một cách vô cùng độc đáo và sáng tạo. Cụ thể, một số lớn đạn được vận chuyển bằng cách cho chúng vào các thùng thật kín và đơn giản là thả các thùng đó xuống sông.
Ở hạ lưu, tại các trạm trung chuyển, họ lấy lưới chắn sông lại và dùng cần cẩu tự tạo với các tay cẩu dài và dây thừng để vớt các thùng đó. Năm 1969, tình báo Mỹ phát hiện được là người Việt Nam đã xây dựng một đường ống dẫn nhiên liệu chạy qua Lào, và dùng đường ống này để lần lượt bơm xăng, dầu diesel và cả dầu hỏa qua cùng một đường ống vào các thời điểm khác nhau.
Một thời gian ngắn sau, người Mỹ phát hiện trên “đường mòn” có sự hiện diện của trung đoàn đường ống dẫn dầu số 592 của Quân đội Nhân dân Việt Nam, nhưng đến năm 1970, đã có sáu trung đoàn như vậy.
Theo thời gian, cùng với việc liên tục mở rộng “đường mòn”, người Việt đã có thể rải nhựa đường cho nhiều cung đường khiến hoạt động vận tải của họ không còn phụ thuộc vào các mùa và các đợt mưa nữa.
Các chiến sỹ công binh Quân đội Việt Nam còn lắp những cây cầu ngầm dưới mặt nước để tránh bị máy bay trinh sát Mỹ phát hiện các tuyến vượt sông. Ngay trong năm 1965, số lượng xe tải liên tục hoạt động trên đường đã là khoảng 90 xe và con số này liên tục tăng.
Vào thời điểm đó, người Việt Nam theo truyền thống đã đặt tên cho hành lang giao thông này cái tên là Tuyến cung cấp chiến lược Trường Sơn- theo tên dãy núi mà nó chạy qua- dãy núi Trường Sơn.

Hoc gia Nga: Duong mon Ho Chi Minh-Con duong song Viet Nam-Hinh-6
 

Hoc gia Nga: Duong mon Ho Chi Minh-Con duong song Viet Nam-Hinh-7
 
Theo Lê Hùng- Nguyễn Hoàng/Baodatviet