|
Tổ hợp HIMARS hoạt động trong biên chế Quân đội Mỹ
|
HIMARS - Vũ khí nguy hiểm trong tay Ukraine
Trong những tuần gần đây, đã có nhiều thông tin về việc Quân đội Ukraine sử dụng hệ thống tên lửa phóng loạt (MLRS) HIMARS của Mỹ.
Các cuộc tấn công đang được thực hiện trên khắp các chiến trường ở Ukraine. Theo nhiều nguồn tin được tờ RT trích dẫn, HIMARS được sử dụng để tấn công Đảo Rắn, cũng như ở Melitopol, Svatov, Izyum, Perevalsk, Stakhanov, Novaya Kakhovka, Donetsk và Snezhny vào tháng 6.
Lầu Năm Góc cho biết: "Chúng tôi đang theo dõi Quân đội Ukraine sử dụng HIMARS và chúng tôi thấy rằng họ đã thành công đáng kể trong việc sử dụng chúng."
MLRS HIMARS thuộc loại vũ khí chính xác cao và có khả năng thực hiện các cuộc tấn công như vậy. HIMARS bắn tên lửa dẫn đường bằng GPS, đạt sai số mục tiêu dưới 7 mét. Khi kích thước mục tiêu tăng gấp đôi, cơ hội bắn trúng là 93%.
Có thông tin cho rằng, loại tên lửa M30A1, M31 và M31A1 đã được Mỹ và phương Tây chuyển giao cho Ukraine. Loại đầu tiên trong số này, tên lửa M30A1 có đầu đạn chứa hơn 160.000 mảnh hợp kim vonfram.
Tên lửa M30A1 phát nổ trên mục tiêu và mảnh đạn vonfram văng ra với tốc độ 3.600 km/h, gây tổn thất nặng nề về nhân lực và các phương tiện bọc thép hạng nhẹ.
Tên lửa M31 và M31A1 mang theo khối lượng nổ phân mảnh cao, nặng 90 kg. Chúng được sử dụng để phá hủy các tòa nhà và thiết bị.
|
Tổ hợp pháo phản lực phóng loạt HIMARS khai hoả.
|
Không kém phần quan trọng, đó là Nga phải đánh giá xem các thông tin về việc ai và bằng cách nào ở Ukraine, cung cấp khả năng trinh sát và chỉ định mục tiêu cho HIMARS của Ukraine khai hỏa?
Theo nhóm hacker RaHDlt, thì chính tình báo Mỹ đã cung cấp cho Quân đội Ukraine hình ảnh vệ tinh về các mục tiêu của Nga, bao gồm cả các thành phố của Nga.
Ngoài ra, các "đối tác" của Mỹ, cũng cung cấp cho Quân đội Ukraine thông tin về việc di chuyển quân, các tần số thông tin, thậm chí là vị trí các chỉ huy cao cấp của Quân đội Nga.
Cũng có khả năng cao là các nhóm trinh sát luồn sâu (SSO) của Lực lượng vũ trang Ukraine, đã thực hiện trinh sát các mục tiêu ở hậu phương Nga và chỉ điểm mục tiêu cho tên lửa tấn công.
Tên lửa HIMARS sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính lúc đầu và dẫn đường GPS giai đoạn cuối; do vậy chúng có thể tiếp cận bất kỳ mục tiêu nào ở tọa độ mà vệ tinh của Mỹ có thể dẫn đường. Trên thực tế, điều này đang xảy ra.
HIMARS được trang bị một thiết bị thông tin đặc biệt, để truyền dữ liệu này. Nhiều khả năng, các chuyên gia Mỹ cũng có mặt trên lãnh thổ Ukraine, để giúp binh lính Ukraine sử dụng loại vũ khí hiện đại này.
|
Hệ thống máy tính bên trong xe phóng của tổ hợp HIMARS.
|
Sự thành công tương đối tên lửa HIMARS của Ukraine vào lúc này có nhiều lý do, một trong số đó, là việc áp dụng chiến thuật mới, khi kết hợp HIMARS với các hệ thống MLRS do Liên Xô thiết kế như BM-27 Uragan hoặc BM-30 Smerch, làm nhiễu loạn hệ thống đánh chặn của Nga.
Đặc biệt, nguồn tin của RIA Novosti cho biết điều này: “Một số loại vũ khí tham gia vào các cuộc tấn công như vậy, được phối hợp để làm nhiễu loạn hệ thống phòng không của Nga".
Ví dụ, các hệ thống Uragan, Smerch, Alder, cũng như tên lửa dẫn đường HIMARS tiến hành phóng đồng thời. Các tên lửa chiến thuật Tochka-U và thậm chí cả UAV Tu-141 hoặc Tu-143 có thể được sử dụng tăng cường để làm mồi nhử bổ sung”.
Nhưng đừng cho rằng các hệ thống phòng không của Nga bất lực trước HIMARS MLRS. RIA Novosti cũng cho biết: "Đạn HIMARS đã bị hệ thống tên lửa phòng không Nga bắn hạ với số lượng lớn, vì chúng có quỹ đạo dễ dự đoán, tốc độ bay thấp trong đoạn cuối và không được trang bị phương tiện để vượt qua hệ thống phòng không".
|
Sức công phá của mỗi quả đạn được phóng đi từ hệ thống HIMARS là không hề tầm thường.
|
Phá hủy HIMARS, nhiệm vụ quan trọng của đặc nhiệm Nga
Tuy nhiên, Ukraine có khả năng đang gia tăng số lượng bệ phóng HIMARS. Điều này có nghĩa là cuộc chiến chống lại loại vũ khí có tính cơ động cao này, đòi hỏi một giải pháp toàn diện với một loạt các biện pháp bổ sung.
Trong các biện pháp được Nga sử dụng, họ đặc biệt chú ý các biện pháp ngụy trang hiệu quả. Tuy nhiên Quân đội Nga không phải lúc nào cũng làm tốt biện pháp này.
Bên cạnh đó là tăng cường chống lại tình báo điện tử của đối phương, đặc biệt là việc chống đối phương nắm bắt các mục tiêu quan trọng ở hậu phương Nga, bằng cách theo dõi điện thoại di động và các cuộc nói chuyện khả nghi.
Ngoài ra, cần tăng cường các biện pháp an ninh các sở chỉ huy, kho đạn, khu tập trung sinh lực. Di dời khỏi kho vật tư kỹ thuật tập trung, hình thành các kho với số lượng hạn chế.
Nhưng vấn đề chính là trong nhiều thập kỷ, đã có những lực lượng và phương tiện đặc biệt trong Quân đội Nga, được thành lập để để đối phó với những mối đe dọa như vậy.
|
Lực lượng đặc nhiệm khét tiếng bậc nhất trong Quân đội Nga.
|
Ví dụ, để phát hiện và phá hủy các hệ thống tên lửa chiến dịch - chiến thuật MGM-31 Pershing II của Mỹ, được trang bị đầu đạn hạt nhân trong thời kỳ chiến tranh Lạnh; lực lượng trinh sát duy nhất của Quân đội Liên Xô, có thể phát hiện các trận địa và báo cáo tọa độ chính xác, đó là lực lượng đặc biệt GRU của Bộ Tổng tham mưu Quân đội Liên Xô, tức là các cơ quan tình báo đặc biệt.
Trong điều kiện hiện nay, các đơn vị đặc nhiệm, nếu được trang bị thiết bị liên lạc vô tuyến đặc biệt, có thể nhanh chóng xác định vị trí của bệ phóng MLRS, OTR và các mục tiêu quan trọng khác của cấp chiến dịch-chiến thuật.
Hiện các lữ đoàn đặc biệt của Quân đội Nga, nằm trong Sở chỉ huy tiền phương, thuộc cơ quan tình báo chiến trường (trong thời bình thuộc quyền quản lý của quân khu).
|
Đặc nhiệm Nga trong thời gian đào tạo, huấn luyện.
|
Hiện nay Quân đội Nga hiện có hai lữ đoàn đặc nhiệm; đây cũng chính là lực lượng đặc biệt Spetsnaz của Nga, đã trở nên nổi tiếng ở Afghanistan, Kavkaz và ở các điểm nóng khác.
Tuy nhiên, vì một số lý do tổ chức, trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, các lữ đoàn này được sử dụng theo một cách khác.
Lý do là trong quá trình cải cách của Quân đội Nga, các lữ đoàn đặc biệt đã hoàn toàn được chuyển giao cho Bộ Tổng tham mưu quản lý, thay vì trực thuộc các quân khu như trước.
Hiện tại, không có thông tin mở nào cho thấy, các đơn vị đặc biệt của Quân đội Nga được sử dụng trong chiến dịch quân sự đặc biệt Z, để tiêu diệt các mục tiêu quan trọng của Ukraine, nằm sâu trong hậu phương của đối phương.
|
Đặc nhiệm Nga được huấn luyện tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết.
|
Và hiện nay, với việc xuất hiện các mục tiêu HIMARS, thì việc phát hiện và phá hủy các hệ thống này, có thể được gọi là một trong những ưu tiên cao nhất của lực lượng Spetsnaz.
Một mục tiêu quan trọng không kém đối với các nhóm Spetsnaz là các hệ thống phòng không của Ukraine; như các cuộc họp giao ban hàng ngày của Bộ Quốc phòng Nga cho thấy, lực lượng này của Quân đội Ukraine vẫn đang hoạt động.
Trên bờ Biển Đen, những mục tiêu quan trọng là trận địa của các hệ thống tên lửa chống hạm. Sân bay và đài radar cũng là mục tiêu quan trọng cho lực lượng đặc biệt.
Có thể đơn giản là chúng ta chưa biết các đơn vị đặc biệt của Quân đội Nga được sử dụng ở Ukraine theo cách nào. Tuy nhiên trên thực tế, tên lửa HIMARS vẫn rơi xuống các khu vực do Nga kiểm soát hầu như hàng ngày.
Để loại bỏ vũ khí nguy hiểm này, lực lượng đặc biệt của Nga có thể đóng góp một phần không nhỏ.
Video tên lửa HIMARS của Ukraine tấn công vào thành phố Stakhanov thuộc tỉnh Luhansk do Nga kiểm soát vào ngày 16/7.
Tiến Minh