SBU là cơ quan tình báo nổi tiếng nhất của Ukraine, chịu trách nhiệm cho nhiều hoạt động, từ phản gián, chống khủng bố đến an ninh thông tin và các hoạt động chiến đấu trực tiếp.
Các đơn vị của SBU đã phá hủy nhiều xe bọc thép của Nga trị giá hàng tỷ USD, trong đó có hơn 1.700 xe tăng. Tuy nhiên, “lá bài chủ chốt” của SBU là các hoạt động bí mật tác động đến toàn bộ quá trình chiến đấu. Dưới đây là 5 hoạt động bí mật mà SBU tiến hành trong suốt cuộc chiến kéo dài 3 năm giữa Nga và Ukraine.
Lực lượng Ukraine cắm cờ trên Đảo Rắn. Ảnh: Facebook
Ngăn Nga giành quyền kiểm soát Kiev
Vào thời điểm Nga bắt đầu phát động chiến dịch quân sự đặc biệt, Kiev là mục tiêu chính của lực lượng nước này. Moscow đã đặt sở chỉ huy tại khu định cư Poliske. Khu vực này cũng được coi là hậu cứ của quân đội Nga và họ đã tích trữ số lượng lớn thiết bị, đạn dược và nhiên liệu ở đó.
"Có rất nhiều trực thăng bảo vệ các đoàn xe chiến đấu và đoàn xe hộ tống. Đây là dấu hiệu cho thấy các sĩ quan quân đội cấp cao của Nga đang di chuyển trên những chiếc xe này", một chuẩn tướng SBU có biệt danh "Thợ săn" kể lại.
"Chúng tôi đã xác định được những chiếc xe này hướng đến đâu, dừng lại ở vị trí nào và nghỉ qua đêm ở đâu. Phân tích hình ảnh vệ tinh cho thấy các đài phát thanh và hệ thống liên lạc vệ tinh được triển khai tại địa điểm này. Là một binh sỹ có nhiều năm kinh nghiệm, tôi cần tìm ra nơi trú ẩn của các phương tiện đó”.
Sau khi xác định được nơi trú ẩn của các phương tiện đối phương, SBU đã lên kế hoạch thực hiện một chiến dịch táo bạo, kết hợp các yếu tố có vẻ không tương thích.
Các lực lượng đặc nhiệm đã bí mật đưa pháo vào vùng xám đến sát vị trí của Nga. Họ sử dụng pháo kéo hạng nặng 152 mm trong các cuộc đột kích phá hoại. Đây là điều chưa từng có trong lịch sử quân sự vì pháo kéo không được thiết kế để thực hiện nhiệm vụ này. Về mặt lý thuyết, pháo binh không được sử dụng gần tiền tuyến khoảng 5 km từ tiền tuyến, nhưng ở đây, pháo binh cần phải được đưa ra ngoài ranh giới giao tranh. Ukraine cho biết, chiến dịch của họ đã thành công với việc phá hủy sở chỉ huy và nhiều phương tiện của đối phương, đồng thời buộc Nga phải rút khỏi Kiev.
Tái chiếm Đảo Rắn
Đảo Rắn, hay còn gọi là Zmiinyi, có diện tích khoảng 17 héc ta, nằm cách cảng Odessa của Ukraine 35km. Đây là khu vực có vị trí chiến lược, án ngữ gần các tuyến đường biển dẫn đến Eo biển Bosphorus và Địa Trung Hải. Hòn đảo này đã bị Nga chiếm giữ trong ngày đầu tiên của cuộc xung đột. Bất chấp lợi thế áp đảo của Nga, quân đội Ukraine đã nhanh chóng lên kế hoạch tái chiếm hòn đảo.
Hòn đảo có vị trí chiến lược quan trọng ở Biển Đen đã bị Nga chiếm đóng vào ngày đầu tiên của cuộc xung đột. Nhưng bất chấp sự thống trị của Nga trên biển, người Ukraine đã ngay lập tức bắt đầu lên kế hoạch giải phóng hòn đảo.
Vào ngày 13/4/2022, Ukraine đã sử dụng hệ thống tên lửa Neptune tấn công soái hạm của hạm đội Nga, tàu tuần dương tên lửa Moskva. Điều này làm suy yếu đáng kể khả năng phòng thủ của Nga trên hòn đảo. Sau đó Kiev bắt đầu điều không quân và pháo binh tấn công ồ ạt. Tuy nhiên, Nga vẫn liên tục tăng cường nhân sự và đưa trang thiết bị đến Đảo Rắn.
Vào tháng 6/2022, lực lượng đặc nhiệm từ Trung tâm tác chiến đặc biệt "Alpha" của SBU, cùng với các nhân viên tình báo quân sự Ukraine (HUR) và lực lượng Hải quân, đã thực hiện một chiến dịch đặc biệt. Họ triển khai một số nhóm tấn công đến hòn đảo bằng trực thăng bay ở độ cao cực thấp. Nga ngay lập tức khai hỏa dữ dội buộc nhóm này phải băng qua một bãi mìn.
Nga đã cố gắng kích nổ bãi mìn. Nếu họ thành công, lực lượng đổ bộ Ukraine có thể bị xóa sổ ngay lập tức. Nhưng các đơn vị của Ukraine đã triển khai các đội phá dỡ và tiếp tục tiến lên. Cuối cùng, họ đã giành lại hòn đảo. Vào ngày 30/6, các binh sỹ Nga đã rút khỏi Đảo Rắn.
Đẩy lùi Hạm đội Biển Đen
Hạm đội Biển Đen của Nga đồn trú tại Bán đảo Crimea có quân số đông hơn gấp 12 lần so với lực lượng hải quân Ukraine. Hạm đội này bao gồm nhiều tàu lớn, trong đó có tàu tuần dương tên lửa, tàu ngầm, tàu hỗ trợ, không quân và lính thủy đánh bộ.
Trong bối cảnh bị rơi vào thế bế tắc và chịu thiệt hại nặng nề trên bộ, Ukraine đã đầu tư mạnh cho cuộc chiến bất đối xứng trên biển, gây nhiều thách thức lớn cho Hạm đội Biển Đen. Ở giai đoạn đầu xung đột, do thiếu lực lượng hải quân truyền thống, Ukraine đã phải chịu thiệt hại nặng nề trong cuộc chiến trên biển. Nước này thậm chí phải đánh đắm tàu chiến duy nhất– tàu khu trục từ thời Liên Xô ở cảng Mykolaiv để ngăn nó rơi vào tay Nga. Nhưng sau đó, thông qua một loạt công nghệ hải quân tiên tiến và các chiến thuật phi truyền thống, Ukraine đã thực hiện những cuộc tấn công không ngừng nghỉ vào tàu chiến của Nga.
Có 3 loại vũ khí quan trọng góp phần tạo nên sức mạnh của Ukraine trong cuộc chiến trên biển, đó là: xuồng không người lái trên biển Magura V5, tên lửa chống hạm Neptune và xuồng tự sát Sea Baby, Mamai. Ukraine đã trang bị cho các phương tiện không người lái súng máy hạng nặng với phần mềm nhắm mục tiêu đạn đạo, hệ thống tên lửa phóng nhiều lần hay thủy lôi, khiến chúng trở thành vũ khí rất nguy hiểm trên biển. Những phương tiện này đã giúp Kiev thay đổi cán cân quyền lực ở Biển Đen, phá hủy hoặc làm hư hại nhiều tài chiến của Nga.
Chiến thuật của Ukraine đã buộc Nga di dời hầu hết tàu chiến chủ lực từ căn cứ chính của Hạm đội Biển Đen ở Sevastopol đến vùng Novorossiysk vàBiển Azov. Ngoài việc buộc hạm đội của Nga phải rút lui, các cuộc tấn công của Ukraine vào Crimea cũng làm suy yếu đáng kể mạng lưới hậu cần vốn đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp tế cho quân đội Nga ở miền Nam Ukraine.
Tấn công cầu Crimea
Nga tuyên bố Cầu Crimea là cơ sở hạ tầng được bảo vệ chặt chẽ nhất trên thế giới. Moscow đã chi hơn một tỷ USD để bảo vệ cây cầu này. Tuy nhiên, vào sáng ngày 8/10/2022, một chiếc xe tải đã nổ tung trên cây cầu, khiến hai nhịp cầu đường bộ bị sập một phần xuống biển, đồng thời 7 toa nhiên liệu của một đoàn tàu chở hàng đang đi trên đoạn đường ray liền kề bốc cháy.
Sau đó, SBU tiết lộ rằng, chiếc xe tải này chở thuốc nổ tự chế và hỗn hợp RDX, tương đương với 21 tấn TNT. Thuốc nổ được giấu trong các cuộn phim để tránh bị máy quét hải quan phát hiện. SBU cũng tìm cách để đánh lừa các trạm tác chiến điện tử của Nga gần cây cầu để họ không thể gây nhiễu tín hiệu GPS dùng cho thiết bị kích nổ. Nga đã mất hơn 8 tháng để sửa chữa cây cầu. Tuy nhiên, các cuộc tấn công của SBU vẫn không dừng lại.
Vào ngày 16/7/2023, lực lượng SBU đã phóng loạt xuồng không người lái (USV) Sea Baby vào cầu Crimea, mỗi chiếc chở gần một tấn thuốc nổ. Họ cũng cử một nhóm riêng theo dõi thời tiết, sóng, dòng chảy, chuyển động của tàu dân sự và quân sự và hoạt động của Nga – những yếu tố có thể ảnh hưởng nhiệm vụ.
Trong hơn 20 giờ, các USV đã di chuyển về phía cây cầu. Trên đường đi, Nga đã phát hiện ra chúng và điều máy bay tấn công, nhưng các USV Sea Baby đã ẩn núp giữa các con sóng và trốn thoát.
Cuối cùng, ba máy bay không người lái đã hết nhiên liệu và tự hủy. Hai máy bay không người lái còn lại đã đâm vào các trụ cầu Crimea. Một lần nữa, hoạt động này đã làm gián đoạn tuyến đường hậu cần quan trọng tiếp tế cho lực lượng Nga ở miền Nam Ukraine.
Trà Khánh