Công nghệ tàng hình ngày nay không còn xa lạ với chúng ta nhưng ít ai biết rằng để có những chiến đấu cơ tối tân như F-22 hay F-35 tung cánh trên bầu trời, công nghệ tàng hình đã trải qua nhiều thập kỷ phát triển. Đức quốc xã được xem là “cha đẻ” của công nghệ tàng hình nhưng Mỹ là quốc gia đầu tiên biến công nghệ này thành những sát thủ trên bầu trời.
Thập niên 80-90, Mỹ bắt đầu nghiên cứu công nghệ tàng hình một cách nghiêm túc, rất nhiều mẫu thử nghiệm công nghệ đã được phát triển một cách bí mật, trong đó có dự án phi cơ tàng hình Bird of Prey. Chúng được thử nghiệm tại khu vực quân sự bí mật mang mật danh Vùng 51.
Chim săn mồi bí ẩn
Theo Global Security, năm 1992, tập đoàn Boeing nhận một hợp đồng bí mật từ Lầu Năm Góc nhằm phát triển mẫu máy bay thử nghiệm công nghệ tàng hình mới. Dự án mang mật danh Bird of Prey (Chim săn mồi).
Tên gọi Bird of Prey lấy ý tưởng từ phi cơ cùng tên trong series phim truyền hình Star Trek. Mẫu thử nghiệm tiến hành chuyến bay đầu tiên vào năm 1996. Tổng cộng có 39 chuyến bay thử nghiệm từ năm 1996-1999. Toàn bộ quá trình thử nghiệm diễn ra tại Vùng 51 - khu quân sự tối mật của Lầu Năm Góc.
|
Mẫu phi cơ tàng hình Bird of Prey trong một lần bay thử nghiệm. Ảnh: USAF. |
Máy bay có thiết kế khí động học "siêu dị". Cánh chính bố trí gần đuôi với phần mút cánh cụp xuống mô phỏng theo hình dạng con chim đang xòe cánh để bay. Cửa hút không khí của động cơ bố trí ngay phía sau buồng lái. Phần mũi nhọn với 2 rìa cánh chạy dọc theo chiều dài thân máy bay.
Phần đuôi máy bay có thiết kế khác thường với phần ống xả động cơ hình mũi nhọn. Giải pháp này được cho là để giảm tối đa mức độ bộc lộ hồng ngoại khi hoạt động. Với thiết kế khí động học “siêu dị” người ta tin rằng Bird of Prey sẽ có khả năng tàng hình rất cao.
Nhìn từ phía trước, Bird of Prey giống như một con “quái thú” trên bầu trời. Nếu vô tình bắt gặp phi cơ này bay trên bầu trời, bạn có thể lầm tưởng nhìn thấy phi cơ của người ngoài hành tinh. Người ta cho rằng, tin đồn về UFO có thể bắt nguồn từ những mẫu thử nghiệm máy bay bí ẩn của Mỹ tại Vùng 51.
Dự án chết yểu
Một chi tiết khá thú vị là mặc dù Bird of Prey có thiết kế quái dị nhưng khả năng ổn định khí động học lại rất cao mà không cần sự hỗ trợ của phần mềm điều khiển bay. Vì là mẫu thử nghiệm nên máy bay sử dụng nhiều thành phần có sẵn như động cơ phản lực Pratt & Whitney Canada JT15D-5C, công suất 14,2 kN.
|
Bird of Prey treo phía trên tiêm kích tàng hình F-22 Raptor tại Bảo tàng Không quân Quốc gia. Ảnh: USAF. |
Động cơ này cung cấp tốc độ tối đa khoảng 482 km/h, trần bay khoảng hơn 6.000 m. Bird of Prey có chiều dài khoảng 14,2 m, sải cánh 6,9 m, cao 2,8 m, trọng lượng cất cánh 3,3 tấn. Máy bay được điều khiển bởi một phi công.
Năm 1999, Lầu Năm Góc đột ngột dừng chương trình máy bay tàng hình Bird of Prey, kết quả thử nghiệm không được công bố. Đến năm 2002, 3 năm sau khi hủy bỏ chương trình, sự tồn tại của Bird of Prey mới được tiết lộ khi Không quân Mỹ đưa nó đến trưng bày tại Bảo tàng Không quân Quốc gia.
Một số nguồn tin cho rằng, các công nghệ phát triển trên Bird of Prey được áp dụng cho mẫu máy bay không người lái X-45 và X-47. Chương trình Bird of Prey tuy không được phát triển thành một mẫu phi cơ để đưa vào sử dụng trong Không quân Mỹ, tuy nhiên, các công nghệ từ chương trình bị khai tử này lại giúp phát triển những chương trình vũ khí khác hữu ích hơn.
Quốc Minh