Những năm gần đây, cùng với tình hình tranh chấp Biển Đông ngày càng có xu hướng căng thẳng, để tăng cường khả năng hổ trợ cho các nước có liên quan và đồng minh, Mỹ ngày càng đẩy mạnh hoạt động tuần tra hàng hải trên khu vực Biển Đông và các vùng biển lân cận liên quan.
Hoạt động tuần tra này vừa mang tính chiến lược vừa mang tính chiến thuật - chiến dịch; vừa mang tính độc lập triển khai nhưng lại vừa mang tính lôi kéo các nước tham gia tuần tra chung; vừa mang tính phô trương lực lượng nhưng lại là hoạt động huấn luyện tác chiến. Các chuyên gia cho rằng, Mỹ tuần tra trên Biển Đông là nhằm một số mục đích chủ yếu sau:
|
Tàu USS Lassen tuần tra trên Biển Đông. Ảnh: Navaltoday |
Kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc
Sau chiến tranh Lạnh, sức mạnh tổng hợp của Trung Quốc phát triển mạnh mẽ và gia tăng, ảnh hưởng của Trung Quốc trên trường quốc tế cũng ngày càng lớn. Hiện nay, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, trực tiếp đe dọa đến vị trí siêu cường của Mỹ đồng thời qua đó đã tiến sát “ranh giới đỏ” giữa hai nước về khoảng cách nền kinh tế. Bên cạnh đó, trên lĩnh vực quân sự, quốc phòng, sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ về trang bị vũ khí, kỹ thuật quân sự của Trung Quốc cũng đang là thách thức lớn đối với Mỹ. Chính vì vậy, hoạt động tuần tra khu vực Biển Đông, trong đó đặc biệt là khu vực quần đảo Trường Sa là nhằm tăng cường bố trí, hiện diện quân sự tại châu Á - Thái Bình Dương; kiềm chế Trung Quốc phát triển; đề phòng và bao vây Trung Quốc; hạn chế sự phát triển lực lượng Không quân, Hải quân Trung Quốc.
Xây dựng mô hình NATO phiên bản châu Á, bảo đảm năng lực, hiện diện quân sự tại châu Á - Thái Bình Dương
Giới lãnh đạo Mỹ cho rằng, việc Trung Quốc trỗi dậy mãnh mẽ đã làm mất thế cân bằng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tháng 8/2010, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố báo cáo “Các vấn đề liên quan đến sự phát triển và an ninh Trung Quốc”, trong đó chỉ ra rằng, “sự phát triển mạnh mẽ tiềm lực quân sự của Trung Quốc hiện nay là nhân tố chủ yếu làm cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương mất cân bẳng về lực lượng. Đây là nhân tố quan trọng nhất và sẽ trở thành thách thức đối với Mỹ trọng việc tìm lại vị thế của mình tại khu vực này”. Vì vậy, Mỹ luôn tìm mọi cách, thực thi nhiều chiến lược khác nhau nhằm hạn chế sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc. Chính vì vậy, Mỹ phải xây dựng cơ chế an ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhằm tăng cường quan hệ đồng mình Mỹ - Nhật, Mỹ - Hàn, Mỹ - Ôxtrâylia và thúc đẩy quan hệ hợp tác an ninh với ASEAN. Việc Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự tại khu vực, nâng cao năng lực can thiệp quân sự đối với các vấn đề tại khu vực thậm chí còn có tham vọng xây dựng mô hình đồng minh theo kiểu NATO tại khu vực này nhằm lợi dụng các nước đồng minh, đối tác để kiềm chế, bao vây Trung Quốc.
|
Mỹ và Hàn Quốc tăng cường hợp tác quân sự. Ảnh: Outsidethebeltway |
Trực tiếp thực hiện nhiệm vụ huấn luyện tác chiến; đảm bảo ưu thế quân sự trước Trung Quốc
Trong các cuộc diễn tập tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ luôn lấy Trung Quốc làm đối tượng tác chiến giả định, đồng thời cho rằng, có thể trong tương lại Mỹ sẽ đụng độ với Trung Quốc trong một số vấn đề tranh chấp tại khu vực. Bên cạnh đó, để bảo đảm sự chuẩn bị tốt nhất cho các hoạt động tác chiến trong tương lai, Mỹ hy vọng có thể thông qua các biện pháp trinh sát bằng máy bay chiến đấu không người lái, tàu chiến để lấp sự thiếu hụt khả năng trinh sát bằng vệ tinh. Những hoạt động trinh sát này nhằm thu thập càng nhiều thông tin tình báo liên quan đến Trung Quốc càng tốt để phân tích, nắm các điểm yếu của Trung Quốc. Bên cạnh đó, các hoạt động trinh sát, thu thập thông tin tình báo còn giúp Mỹ tạo cơ sở để chiếm ưu thế về chính trị, kinh tế, quân sự trước Trung Quốc; thực hiện ý đồ kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc thậm chí làm phương hại đến lợi ích an ninh quốc gia và lợi ích phát triển của Trung Quốc trong khu vực và thế giới.
|
Hải quân Mỹ diễn tập đổ bộ với Hải quân Thái Lan. Ảnh: Thenation |
Duy trì ưu thế sức mạnh tuyệt đối trên biển
Có thể nói, các tổng thống Mỹ đều bị ảnh hưởng sâu sắc bởi tư tưởng “Chủ nghĩa bá quyền trên biển”. Theo đó, Mỹ luôn muốn duy trì ưu thế sức mạnh tuyệt đối trên biển trước các đối thủ của mình. Bước vào thế kỷ 21, cùng với thực lực kinh tế không ngừng phát triển, lợi ích trên biển của Trung Quốc không ngừng mở rộng. Mục đích các hoạt động quân sự của Mỹ tại Biển Đông là kiềm chế không gian phát triển của Trung Quốc, tiếp tục duy trì tư tưởng chủ nghĩa bá quyền trên biển và mong muốn tự thiết lập một “trật tự trên biển” theo tư tưởng và luật chơi của Mỹ.
Lam Ngọc