Điều chưa biết khẩu tiểu liên MP-40 lừng danh của Đức trong CTTG 2

Google News

(Kiến Thức) - Tiểu liên MP-40 về cơ bản được tái thiết kế lại trên cơ sở MP-38 với phương pháp chế tạo và vật liệu rẻ hơn, phù hợp với khả năng sản xuất nhanh chóng đáp ứng yêu cầu chiến tranh trong khi giá thành lại rẻ.

Ban đầu, nhiều người cho rằng khẩu MP-40 hoàn toàn không khá hơn so với những khẩu tiểu liên khác trong chiến tranh thế giới thứ hai. Tuy nhiên, những lời phán xét đó đã không nhìn đúng vào trọng tâm vấn đề. Lý do là bởi tiểu liên MP-40 đại diện cho sự hòa hợp giữa hỏa lực đánh gần với nhu cầu sản xuất hàng loạt trong chiến tranh - một điều mà rốt cuộc mọi quốc gia tham chiến đều nỗ lực để đạt được.
Tăng cường hỏa lực
Các bài học từ cuộc nội chiến Tây Ban Nha đã thuyết phục quân đội Đức rằng họ cần có một loại súng tiểu liên mới để gia tăng hoả lực cấp tiểu đội cho bộ binh. Súng trường lên đạn kéo khoá nòng là lựa chọn tốt khi cần bắn xa và chính xác, còn súng máy được sử dụng tấn công tiêu hao mạnh quân địch, nhưng khi đánh gần thì súng tiểu liên là vũ khí lý tưởng nhất. Thiết kế mới do Ermawerke chế tạo dựa trên một thiết kế của Heinrich Vollmer chính là khẩu Maschinenpistole (tiểu liên) 38 (MP-38).
 Lính Đức với tiểu liên MP-38 trong giai đoạn đầu của cuộc chiến. Ảnh: Pinterest.
Khẩu tiểu liên MP-38 rất khác biệt với mọi loại súng tiểu liên khác lúc bấy giờ. Nổi bật nhất là kết cấu hoàn toàn bằng kim loại của nó – phần báng súng kim loại gấp được chỉ bao gồm hai thanh chống và phần đỡ vai. Đây là loại vũ khí nạp đạn bằng áp lực khí thuốc đẩy lùi khoá nòng đơn giản, cỡ nòng 9mm, bắn tự động với tốc độ 500 viên/ phút và được tiếp đạn từ một hộp đạn 32 viên xếp dọc từng viên một. Nó có những bộ phận thông minh như là một thanh và móc kim loại đặt ở dưới nòng, để khẩu súng có thể bắn được qua các lỗ trên xe thiết giáp mà không gây hư hại cho bản thân nòng súng.
Khẩu MP-38 đã được quân đội Đức sử dụng từ năm 1939, và trong một tiểu đội lính bộ binh mười người sẽ có ít nhất một người được trang bị loại vũ khí này, giúp tăng đáng kể hoả lực của đội. (Từ cuối năm 1943, quân số của một tiểu đội giảm xuống còn chín người, nhưng trong hai số đó sẽ mang súng tiểu liên). Súng hoạt động tốt nhưng thiết kế băng đạn kém. Tuy nhiên, một vấn đề lớn hơn là loại súng này có phí sản xuất cao và thời  gian sản xuất lâu. Nếu muốn đáp ứng những điều kiện về giá cả và phân phối trong thời chiến, thì loại súng này sẽ cần phải được cải thiện.
Vũ khí rẻ
MP-38 đã được tái thiết kế lại, để rồi 2 năm sau khi chiến tranh bắt đầu, MP-40 ra đời, Nhìn chung vẫn là một , nhưng MP-40 sử dụng các phương pháp chế tạo và vật liệu rẻ hơn, để phù hợp với các khả năng sản xuất khác nhau của các nhà thầu phụ. Kết quả là sản lượng súng tiểu liên đã tăng vọt, với khoảng một triệu khẩu súng tiểu liên MP-40 được sản xuất trong chiến tranh.
 Binh lính Đức sử dụng khẩu MP-40. Ảnh: Formular.
Không chỉ các tiểu đội trưởng và trung đội trưởng, mà các lính dù lẫn tổ lái thiết giáp cũng bắt đầu ưa thích khẩu MP-40 vì tính phổ biến và hoả lực của nó – tốc độ bắn của loại súng này đã bù đắp lại cho sự thiếu chính xác ở tầm xa vượt quá 91 m.
Tiểu liên PPSH-41

Súng tiểu liên kinh điển của Liên Xô trong chiến tranh là khẩu PPSh-41, do Georgi Shpagin thiết kế gấp rút, sau khi Liên Xô đối mặt với súng tiểu liên của Phần Lan trong Chiến tranh Mùa đông 1939-1940, với những tổn thất vũ khí lớn lao trong chiến dịch đó. Khẩu súng của Shpagin là một kiệt tác về độ tin cậy, sự đơn giản và hỏa lực.

Việc bắn đạn 7,62x25mm với tốc độ bắn tối đa lên tới 900 viên mỗi phút, từ một hộp tiếp đạn 35 viên hay băng đạn tròn 71 viên, khiến nó trở thành một loại vũ khí chết chóc, mà việc bảo trì và vệ sinh dã chiến cho khẩu súng này cũng vô cùng đơn giản.
PPSh-41 về cơ bản là rất hiếm khi hỏng hóc, ngay cả trong những môi trường dơ dáy nhất. Người Liên Xô yêu thích ý tưởng về súng tiểu liên hơn hẳn các quốc gia khác. Thường thì một tiểu đội lính bộ binh Hồng Quân sẽ có ba hoặc bốn tay súng tiểu liên, có những đơn vị lính cấp tiểu đoàn được trang bị hoàn toàn loại súng này. Hông Quân có thể làm được việc này là bởi tính đến năm 1945, đã có hàng trăm triệu khẩu PPSh-41 được chế tạo.
Những khẩu súng như MP-40 minh hoạ cho hai nguyên lý chiến thuật cơ bản. Thứ nhất, số lượng đạn bắn ra là vô cùng quan trọng để chiếm ưu thế chiến trận. Thứ hai, có nhiều vũ khí rẻ tiền tốt hơn có ít vũ khí đắt tiền. Ta nên chú ý là tất cả các phe tham chiến đều rút ra kết luận này.
 Lính Liên Xô với khẩu PPSh-41 trên tay luôn là những người có nhiệm vụ "dọn dẹp" những căn phòng trống hay những lô cốt chật hẹp. Ảnh: Five.
Ví dụ, người Anh đã sản xuất ra bốn triệu khẩu súng Sten từ năm 1941 đến năm 1945. Khó mà tìm ra một loại súng nào thô sơ hơn thế, thế nhưng hàng triệu binh lính Đồng minh đã có được hoả lực bổ sung trong tay. Tương tự như vậy, Mỹ đã hợp lý hoá thiết kế súng tiểu liên Thompson, nhưng họ cũng đã chế tạo ra 700.000 khẩu M3 “Grease gun”, chủ yếu là bằng phương pháp đúc dập kim loại. Yêu cầu duy nhất đối với  loại súng này  là chỉ cần chúng hoạt động được, và giết sạch quân địch.
Mời độc giả xem Video: Cận cảnh bắn thử tiểu liên MP-38 của Đức từ thời Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Tuấn Anh