Sau khi giải phóng miền nam thống nhất đất nước, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã thu được khá nhiều vũ khí chiến lợi phẩm của Mỹ trang bị cho VNCH, trong đó có máy bay chiến đấu F-5.
Theo tạp chí National Interest, Việt Nam thu được khoảng 87 chiến đấu cơ phiên bản F-5A Freedom Fighters và 27 chiếc phiên bản F-5E Tiger II do Northrop (nay là Northrop Grumman) chế tạo.
Một số máy bay được cho là đã gửi sang Liên Xô để đánh giá, các phi công Xô Viết rất ấn tượng với hiệu suất của F-5E Tiger II. Những chiến đấu cơ F-5 đã được sử dụng trong chiến tranh biên giới Tây Nam. Một nguồn tin nói rằng, các phi công Việt Nam đánh giá cao buồng lái thoải mái và dễ vận hành của F-5.
Tuy nhiên, việc thiếu phụ tùng thay thế khiến phi đội F-5 phải dần rút khỏi dịch vụ. Gần đây, trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, chuyên gia hàng không Makar Aksenenko cho biết, Việt Nam đang cân nhắc nâng cấp và tái sử dụng những chiến đấu cơ F-5.
Những chiếc F-5E Tiger II mà Việt Nam thu được thuộc thế hệ thứ 2 của F-5 và chỉ mới được sử dụng khoảng 10 năm. Chuyên gia hàng không Aksenenko nói rằng có nhiều bằng chứng cho thấy F-5 đang được bảo quản trong kho. Tại một số quốc gia khác, F-5 vẫn đang bay.
|
Chiến đấu cơ F-5E vẫn được sử dụng trong không quân nhiều quốc gia trên thế giới. Ảnh: Military Today. |
Vị chuyên gia cho biết thêm, hiện tại Mỹ đã dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, do đó những chiếc F-5 có thể được hồi sinh bằng cách hợp tác với bên thứ 3 như Israel, quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong việc hiện đại hóa các chiến đấu cơ thế hệ cũ.
Ông Aksenenko nói: “Theo tôi, nếu Không quân Việt Nam có kinh nghiệm trong việc vận hành và sử dụng và F-5 vẫn đang được bảo quản thì sẽ rất thực tế nếu tái sử dụng chúng sau khi được hiện đại hóa với phụ tùng hiện đại”.
Chuyên gia hàng không Nga nhận xét đây là giải pháp khá rẻ trong thời gian ngắn để bổ sung thêm máy bay chiến đấu, đặc biệt là sau khi Việt Nam đã ngưng sử dụng tiêm kích MiG-21. Tuy vậy, ông Aksenenko cho rằng đây chỉ là giải pháp tạm thời.
Tuy nhiên, một số chuyên gia phương Tây hoài nghi khả năng hồi sinh những chiếc F-5 tại Việt Nam. Zachary Abuza, giáo sư tại Cao đẳng Chiến tranh Quốc gia Mỹ nói: “Theo sự hiểu biết của tôi, những chiếc F-5 tại Việt Nam thực sự không thể sửa chữa. Tháng trước tôi đã đến Việt Nam và không ai đề cập đến điều đó như một khả năng”.
Việt Nam đã bày tỏ sự quan tâm đến vũ khí phương Tây trong những năm gần đây. Tuy nhiên, chi phí, sự thiếu tương thích với nền tảng sẵn có đang trở thành rào cản đối với kế hoạch này.
F-5E Tiger II thuộc thế hệ 2 của dòng máy bay chiến đấu F-5. Phiên bản này được chế tạo vào đầu những năm 1970. Ở thời điểm đó, F-5E là chiến đấu cơ rất nhanh nhẹn, có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau.
Tại Đông Nam Á, F-5E vẫn được sử dụng trong Không quân Thái Lan, Singapore. Những chiếc F-5E này đã được nâng cấp với radar, hệ thống điện tử hàng không mới của Israel. Những chiếc F-5E sau nâng cấp đạt hiệu suất chiến đấu ngang ngửa tiêm kích F-16 đời đầu.
Quốc Minh