Chiến đấu cơ Su-35 và F-22: “Kẻ tám lạng, người nửa cân“

Google News

(Kiến Thức) - Nga từng quảng cáo rằng máy bay chiến đấu Su-35 có khả năng đối địch với cả F-22 của Mỹ. Thực hư ra sao?

Các chuyên gia Nga cùng truyền thông nước này từng nhiều lần tuyên bố rằng, một số đặc điểm kỹ thuật của tiêm kích Su-35 hơn hẳn các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 đầu tiên được đưa vào hoạt động trên thế giới F-22 Raptor (Mỹ).
Ví dụ, Su-35S được trang bị hệ thống radar mạng pha bị động Irbis có thể phát hiện mục tiêu trên không ở khoảng cách kỷ lục lên tới 400 km và theo dõi tới 30 mục tiêu và giao chiến với 8 mục tiêu cùng một lúc. Trong khi hệ thống radar trên F-22 lại yếu hơn với phạm vi phát hiện tối đa chỉ là 300 km.
Tất nhiên đó chỉ là những nhận định một chiều, hãy cùng Kiến Thức mổ xẻ so sánh tính năng kỹ chiến thuật của hai loại tiêm kích hàng đầu thế giới này để xem Su-35 có đánh bại được F-22 hay không?
Ngôn ngữ thiết kế
Các chuyên gia quân sự Mỹ cho rằng, thiết kế của F-22 dựa trên tư tưởng tính năng kỹ chiến thuật của máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 do đó nó đạt đến tiêu chuẩn kỹ thuật 4S gồm: Siêu tàng hình, siêu cơ động, siêu thanh và siêu thông tin. Do đó, F-22 đều thể hiện khả năng vượt trội so với các loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 về mặt tính năng kỹ thuật. 
Chien dau co Su-35 va F-22:
 F-22 chuẩn bị vượt tường âm thanh. Ảnh: Wikipedia.org
Trong khi đó, mục đích của Nga khi thiết kế máy bay chiến đấu Su-35 là để đối trọng với các máy bay thế hệ thứ 4 hoặc 4+ của các quốc gia khác trước khi nước này đưa phi cơ thế hệ thứ 5 chính thức của mình là Su T-50 vào biên chế. Đồng thời, việc Nga cho ra đời Su-35 còn giúp nước này thu hẹp khoảng cách về trình độ kỹ thuật đối với các máy bay thế hệ thứ 5 của các nước khác. Do đó, ngôn ngữ thiết kế của Su-35 lấy ý tưởng dựa trên nguyên mẫu máy bay chiến đấu Su-27. Như vậy, Su-35 chỉ là mẫu máy bay thế hệ 4++ của Nga, với công nghệ, trang thiết bị tiệm cận với máy bay chiến đấu thế hệ 5. Tuy nhiên, nếu xét về tổng thể, do Su-35 được nghiên cứu chế tạo sau F-22 gần 10 năm nên tính năng kỹ thuật Su-35 mang tính thực tiễn cao hơn. 
Hệ thống rada
F-22 được trang bị ra đa mạng pha quét điện tử chủ động AN/APG-77 nên có khả năng phát hiện được mục tiêu với tham số RCS là 5m2 từ cự ly 257km. Đối với mục tiêu có tham gia RCS là 1m2 thì AN/APG-77 có thể phát hiện được mục tiêu từ cự ly 193km.
Chien dau co Su-35 va F-22:
 F-22 thả pháo sáng để gây nhiễu điện tử. Ảnh: Wikipedia.org
Trong khi đó, máy bay chiến đấu Su-35 được trang bị ra đa thụ động đối không N035E băng tần X (Irbis-E), có khả năng phát hiện được mục tiêu có tham số RCS là 3m2 từ cự ly 350 - 400km. Tuy nhiên, do F-22 có tham số RCS nhỏ nên Su-35 chỉ có thể phát hiện được máy bay F-22  từ cự ly 90km.
Ngoài ra, trên hai cánh của Su-35 còn được trang bị ra đa AFAR-L băng tần L cho phép phạm vi quét lên tới +/- 180 độ, qua đó nâng cao khả năng phát hiện các loại máy bay tàng hình. Như vậy, khi đối kháng trực tiếp, AN/APG-77 trang bị trên F-22 có nhiều lợi thế hơn so với N035E trên Su-35. Bên cạnh đó, AN/APG-77 còn được hỗ trợ thêm bởi một ra đa thu thập thông tin cảnh báo sớm AN/ALR-94. AN/ALR-94 cho phép góc quét phương vị lên tới 360 độ, đồng thời định vị chính xác vị trí mục tiêu từ cự ly tới 460km. Ngoài ra, AN/ALR-94 còn kết hợp với AN/APG-77 cung cấp dữ liệu liên quan đến mục tiêu cho các tên lửa không đối không, để nâng cao hiệu suất đánh trúng mục tiêu. 
Khả năng tàng hình
Tham số phản xạ tiết diện rada - RCS của F-22 đối với ra đa băng tần X vào khoảng 0,01 – 0,1m2. Trong khi đó, Su-35 mặc dù chỉ là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4++ nhưng do được ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại cùng vật liệu chế tạo tiên tiến nên tham số RCS của Su-35 giảm đáng kể. Giới chuyên gia phân tích nhận định, tham số RCS của Su-35 đối với ra đa băng tần X vào khoảng 0,3 - 0,5m2.
Tuy nhiên, do Su-35 vẫn sử dụng phương thức treo vũ khí bên ngoài nên khi mang đầy đủ vũ khí được biên chế thì tham số RCS đối với ra đa băng tần X trên thực tế có thể lên tới 1m2. Rõ ràng tham số này cao hơn rất nhiều so với F-22 do F-22 được thiết kế để mang vũ khí bên trong.
Khả năng cơ động
F-22 là máy bay chiến đấu đầu tiên trên thế giới áp dụng kỹ thuật kết hợp giữa động cơ phản lực cánh quạt và động cơ lực đẩy vecto. Việc trang bị động cơ lực đẩy vecto giúp cho F-22 trở thành máy bay chiến đấu siêu cơ động, có thể hành trình liên tục trong thời gian 30 phút với vận tốc lớn nhất là 1,5 Mach mà vẫn bảo đảm chuyển hướng một cách dễ dàng.
Với động cơ này, khi tác chiến ở góc tấn công 60 độ, F-22 có thể chuyển hướng với tỷ lệ tốc độ là 30 độ/phút, đồng thời tỷ lệ tốc độ chuyển hướng của đầu máy bay là 90 độ/phút. Khi hành trình ở tốc độ âm thanh thì tỷ lệ tốc độ cực đại là 18 độ/phút; khi sử dụng động cơ lực đẩy vecto, với góc tấn công 20 độ, tỷ lệ tốc độ chuyển hướng sẽ được nâng lên gấp đôi, tức là khoảng 40 độ, đồng thời lúc này tỷ lệ tốc độ là 30 độ/phút. 
Chien dau co Su-35 va F-22:
Máy bay chiến đấu Su-35. Ảnh: Wikipedia.org
Trong khi đó, Su-35 cũng sử dụng công nghệ kết hợp giữa động cơ phản lực cánh quạt và động cơ lực đẩy vecto. Tuy nhiên, do được trang bị động cơ 117S thế hệ mới, Su-35 hoàn toàn có khả năng cơ động rất linh hoạt.
Động cơ 117S sử dụng công nghệ tua bin áp suất thấp và tua bin cao áp tiên tiến, đồng thời đã sử dụng hệ thống kiểm soát số hóa chính xác SDU-D. Những công nghệ mới này làm cho lực đẩy tổng thể của động cơ này tăng 16%. Tuổi thọ sử dụng động cơ 117S là 4.000 giờ, hơn gấp đôi động cơ cùng loại.
Ngoài ra, Su-35 còn được trang bị động cơ phụ ТА14-130-35 để cấp nguồn cho các hệ thống trên khoang. Nhờ các động cơ này, mức trang bị sức kéo của Su-35 đã tăng đến 1,1, tốc độ cực đại có thể đạt tới 2,25 Mach. Trong khi đó, chỉ số này ở tiêm kích thế hệ 5 tối tân F-35 của Mỹ là không quá 0,81, còn ở F-22 là bằng 1,09. 
Trang bị vũ khí
F-22 được trang bị một pháo 6 nòng M61A2 phía bên cánh phải, ngay phía trên cửa lấy khí. Tuy nhiên, với cơ số chỉ là 480 viên đạn thì chỉ đủ cho F-22 bắn liên tục trong vòng 5 giây.
Chiến đấu cơ F-22 có ba khoang vũ khí có thể đóng mở được nằm trong thân: một khoang lớn phía dưới thân và hai khoang nhỏ phía bên cạnh cửa hút gió. Vũ khí mang theo của F-22 có thể thay đổi tùy theo nhiệm vụ. Khi thực hiện nhiệm vụ không chiến, F-22 sẽ mang theo 6 tên lửa AIM-120C AMRAAM tầm xa có tầm bắn 90 km ở khoang giữa và hai tên lửa AIM-9 Sidewinder ở hai khoang cánh.
Để tấn công mặt đất, 6 tên lửa AIM-120C ở khoảng giữa thân sẽ được thay bằng hai bom thông minh GBU-32 JDAM loại 204kg (hoặc thay bằng hai bom GBU-30 JDAM loại 454kg). Trong nhiệm vụ tuần tiễu, F-22 chỉ mang theo bốn thùng dầu phụ và 8 tên lửa tầm ngắn AIM-9.
Chien dau co Su-35 va F-22:
 Hệ thống vũ khí đầy đủ của Su-35. Ảnh: Dailypakistan.com
Trong khi đó, Su-35 được thiết kế giá treo vũ khí bên ngoài máy bay. Theo đó, Su-35 có 12 giá treo, trong đó 10 giá treo dùng để treo 10 quả tên lửa không đối không tầm trung và xa R-77 với cự lý tác chiến lên tới 110km hoặc 10 quả tên lửa không đối không tầm xa RVV-BD cự ly tác chiến 200km. 2 giá treo còn lại dùng để treo 2 quả tên lửa không đối không R-73E/M có tầm bắn 30km hoặc 2 quả tên lửa không đối không R-74 có tầm bắn 40km. Như vậy, hỏa lực trang bị trên Su-35 chiếm ưu thế hơn rất nhiều so với hỏa lực trên F-22.
Nhìn chung, radar và khả năng tàng hình của F-22 là vượt trội so với Su-35, trong khi chiến đấu cơ Nga nổi bật với tính cơ động và hỏa lực. Tuy nhiên, trong không chiến thì hiện nay radar - tàng hình đóng vai trò rất quan trọng, F-22 với tên lửa AIM-120 có thể hạ Su-35 trước khi nó bị phát hiện. Rõ ràng, F-22 chiếm ưu thế một chút trước Su-35. Vấn đề còn lại là phụ thuộc vào phi công - dẫu sao con người vẫn là quyết định.
Lam Ngọc