Đấu Nga, thoát Mỹ
Ngày 6/11/2018, trên kênh truyền hình Europe 1, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố: "Chúng ta sẽ không thể bảo vệ người châu Âu nếu chúng ta không quyết định có một quân đội châu Âu thực sự. Để đối phó với nước Nga – có đường biên giới tiếp giáp với chúng ta và đã tỏ rõ là mối đe dọa của chúng ta, chúng ta cần có một châu Âu biết tự bảo vệ mình hơn nữa, một cách tự chủ, không phụ thuộc vào Mỹ”.
Một tuần sau, Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi "xây dựng một tầm nhìn để một ngày nào đó chúng ta có thể có một lực lượng quân đội châu Âu thực sự". Bà Merkel đề xuất lại ý tưởng thành lập một "Hội đồng Bảo an châu Âu", mà chức chủ tịch sẽ được luân phiên giữa các thành viên, để "những quyết định quan trọng có thể được đưa ra nhanh chóng hơn".
|
Pháp và Đức đang dẫn đầu dự án xây dựng quân đội riêng cho châu Âu. |
Ngày 18/4/2019, Nghị viện châu Âu đã phê chuẩn thành lập Quỹ quốc phòng châu Âu có trị giá 13 tỷ euro. Tuy nhiên, giới phân tích châu Âu thừa nhận châu lục này vẫn còn cả một con đường dài để đến đích. Hệ thống quốc phòng của châu Âu hiện tại chỉ giới hạn ở việc phối hợp những nỗ lực quốc gia, chứ không tổ chức việc bảo vệ lãnh thổ châu Âu – hiện vẫn là một tham số bất định bởi dường như quá trình mở rộng EU dường như không có điểm dừng. Bên cạnh đó, EU không có lực lượng can thiệp ở mọi nơi, cũng như không có bộ chỉ huy quân sự tác chiến.
Theo giới phân tích, bị giằng xé giữa những mối lo ngại của các nước Baltic, Bắc Âu và Đông Âu trước nước Nga láng giềng và những mối quan tâm của Tây Âu và Nam Âu trước sự bất ổn của châu Phi và Trung Đông, EU gần như không thể xác định được một chiến lược nhất quán.
Cựu Ngoại trưởng Pháp Hubert Vedrine đã khẳng định rằng ở châu Âu, nơi mà từ nhiều thập kỷ qua, "niềm hạnh phúc là sống trong hòa bình", các nhà lãnh đạo đang trong tình trạng "ngủ đông chiến lược".
|
Tổng thống Pháp Macron dùng mối đe dọa Nga để nói về tầm nhìn quốc phòng của châu Âu. |
Christian Malis, Giám đốc chiến lược tại Thales (tập đoàn chế tạo vũ khí lớn nhất nước Pháp), cho rằng một dự án quân sự khiêm tốn mang tên "Châu Âu quốc phòng" chỉ giới hạn ở những "sứ mệnh bên ngoài" – hay còn gọi là những "sứ mệnh Petersberg".
Tuyên bố Petersberg, được thông qua vào tháng 6/1992, đã xác định một số mục tiêu của châu Âu, như thực hiện các sứ mệnh nhân đạo, ngăn ngừa xung đột và gìn giữ hòa bình, quản lý khủng hoảng, giải trừ quân bị, đồng thời góp phần chia sẻ các nhiệm vụ với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Sợ Mỹ hơn sợ Nga!
Một trong những nguyên nhân thúc đẩy châu Âu hành động là sự rạn nứt của cấu trúc an ninh châu Âu. Mỹ đã rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM) và Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Trong khi đó, Nga đã lên án Hiệp ước Các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE) và có kế hoạch sẽ không gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (START mới) vào năm 2021.
Brexit cũng mở ra thách thức và cơ hội cho EU. Trên thực tế, từ nhiều thập kỷ qua, London đã ngăn chặn một cách có hệ thống tất cả các dự án đi ngược lại mục tiêu của NATO hoặc của Washington, như việc thành lập một Cơ quan tham mưu thường trực EU hay việc mở rộng Cơ quan quốc phòng châu Âu (EDA).
|
Chỗ đứng của quân đội các nước châu Âu là trong NATO. |
Tờ Le Monde của Pháp cay đắng thừa nhận phần lớn các dự án của châu Âu chỉ nằm trên giấy. Hiện tại, chức năng của cơ quan tham mưu của EU chỉ dừng ở việc thực hiện các nhiệm vụ huấn luyện, mà không có quân đội thường trực sẵn sàng chiến đấu. Trong 13 năm tồn tại, các nhóm chiến đấu – mỗi nhóm gồm 1.500 binh sĩ và cứ nửa năm được quay vòng 1 lần – chưa từng một lần ra chiến trường.
Do những bất đồng chính trị, EU đã không đạt được sự phát triển thể chế quan trọng nào. Cho tới nay, Sáng kiến can thiệp châu Âu (IEI) do 9 nước khởi xướng vào ngày 25/6/2018 được coi là “thành tựu” đáng chú ý nhất. Với IEI, lý do chính thúc đẩy sáng kiến này ra đời là vì châu Âu muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào NATO, nơi Mỹ đang thống trị nhưng ngày càng ít hỗ trợ các đối tác châu Âu trong trường hợp “lục địa già” rơi vào khủng hoảng.
IEI hiện có 10 nước thành viên, gồm Pháp, Đức, Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Bỉ, Đan Mạch, Phần Lan và Estonia. Trong cuộc họp đầu tiên với các nước tham gia IEI, Tổng thống Emmanuel Macron đã nhấn mạnh, EU đã trải qua 70 năm hòa bình và thịnh vượng nhưng “thời kỳ vàng” này có thể sẽ không kéo dài.
|
Đoàn xe tăng, xe bọc thép và pháo tự hành của Nga trong cuộc tập trận quy mô lên tới 300.000 binh sĩ, 1.000 máy bay, 36.000 thiết giáp hồi năm 2018. |
Đối với Quỹ quốc phòng châu Âu giai đoạn 2021-2027 vừa được phê duyệt, châu Âu thậm chí còn lúng túng hơn bởi việc sử dụng quỹ này như thế nào vẫn cần được đàm phán giữa các nước thành viên.
Ví dụ, việc tiếp cận Quỹ quốc phòng châu Âu chỉ được dành cho các doanh nghiệp châu Âu hay được mở cửa "cho mọi làn gió" như lời kêu gọi của các nhà theo đường lối tự do Hà Lan, các nhà Dân chủ-Xã hội Đức, các nhà lãnh đạo Ba Lan và của cả các quan chức Mỹ, vốn đe dọa sẽ áp dụng các biện pháp trả đũa đối với châu Âu nếu các doanh nghiệp Mỹ bị loại khỏi các thị trường châu Âu?
Phó Chủ tịch Thượng viện Pháp Helene Conway-Mouret tuyên bố, Mỹ đã cố gắng "phá hoại những nỗ lực của châu Âu trong tiến trình xây dựng một nền quốc phòng độc lập hơn".
|
Mỹ ép các đồng minh châu Âu mua vũ khí do các công ty Mỹ sản xuất, trong đó có F-35? |
Châu Âu có 178 hệ thống vũ khí, khoảng 20 mẫu xe bọc thép, 3 loại máy bay chiến đấu… Trong năm 2017, quân đội các nước châu Âu đã chi tổng cộng 227 tỷ euro. Điều đáng chú ý là Bỉ đã chọn máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ, thay vì mua các thiết bị do các nước châu Âu chế tạo (như máy bay chiến đấu Rafale của Pháp, Eurofighter của Đức hay Gripen của Thụy Điển).
Tờ Le Monde của Pháp lên án F-35 là cỗ máy hút ngân sách quốc phòng châu Âu bởi những điều kiện áp đặt cho người mua: xây dựng hệ thống khép kín, thực hiện nghĩa vụ bảo mật, sử dụng các phần mềm điều khiển của tập đoàn Lockheed Martin chế tạo ra F-35, và một mức giá "cắt cổ".
Trong chuyến thăm Washington ngày 18/3/2019, bà Florence Parly, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, đã phát biểu trước Hội đồng Đại Tây Dương rằng "Điều khoản đoàn kết của NATO là Điều 5, không phải Điều khoản F-35".
Theo Thành Minh/Báo Đất Việt