Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký thông qua gói hỗ trợ trị giá 40 tỷ USD cho Ukraine vào tháng 5. Kể từ đó tới nay, Washington đã bổ sung thêm gói viện trợ quân sự 450 triệu USD được công bố vào tuần trước, bao gồm các hệ thống phóng rocket đa nòng và đạn pháo. Tháng trước, Mỹ cũng công bố gói hỗ trợ 1 tỷ USD cho Ukraine bao gồm pháo và hệ thống phòng thủ bờ biển.
Binh sỹ Ukraine sử dụng lựu pháo do phương Tây cung cấp trên chiến trường Donbass giữa tháng 6/2022. Ảnh: AFP
Chính quyền Mỹ dự kiến sẽ sớm công bố việc mua hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không tầm trung đến tầm xa tiên tiến cho Ukraine, cũng như các hạng mục khác thuộc “nhu cầu cấp thiết, trong đó có đạn dược cho pháo binh và hệ thống radar chống pháo”, Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, cho biết hôm 27/6.
Giới chức Ukraine cũng nhấn mạnh, nếu không có lượng vũ khí lớn từ phương Tây, các lực lượng nước này sẽ nhanh chóng bị áp đảo trước quân đội Nga.
Tuy nhiên, việc Mỹ viện trợ quy mô lớn chưa từng có cho Ukraine khiến các nhà lập pháp tại Washington đặt câu hỏi liệu hàng tỷ USD viện trợ quân sự của Mỹ có còn “sống sót” sau các cuộc không kích của Nga hay không?
Kể từ khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, lực lượng Nga liên tiếp tấn công vào các cơ sở tập kết trang thiết bị quân sự nhằm khiến Kiev mất đi nhiều vũ khí quan trọng để có thể chiếm ưu thế trong cuộc xung đột hiện nay.
Phản hồi về những lo ngại của các nhà lập pháp, một số quan chức Mỹ, cho biết, quân đội Ukraine cũng đang tìm mọi cách để bảo vệ các lô vũ khí từ phương Tây nhằm giảm thiểu thiệt hại trong bất kỳ cuộc tấn công tiềm tàng nào của Nga.
Chiến lược phân tán các lô vũ khí từ phương Tây
Theo các quan chức Mỹ nắm rõ về chiến lược của Ukraine, một trong những giải pháp của Kiev hiện nay là phân tán và rải rác các lô vũ khí của phương Tây trên một loạt các nhà kho. Điều này buộc Nga phải tiến hành nhiều cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình hơn trong những tuần gần đây, nhưng không phải cuộc tấn công nào cũng loại bỏ được lô vũ khí và đạn dược lớn.
Ông George Barros, một nhà phân tích không gian địa lý tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh, cho biết: “Điều này hoàn toàn hợp lý khi Ukraine muốn tăng khả năng sống sót của số vũ khí và đạn dược mà họ cần mang ra mặt trận. Các cuộc chiến giành được thắng lợi nhờ vào hậu cần. Những hệ thống vũ khí đó sẽ mang tính quyết định, đặc biệt là khi Ukraine đang tìm cách phản công vào cuối mùa hè này”.
Theo các quan chức Mỹ giấu tên, Ukraine cũng đang thực hiện các biện pháp đề phòng đặc biệt trong quá trình vận chuyển vũ khí. Khi vận chuyển bằng đường sắt, Ukraine đã để trống một số toa tàu. Khi vận chuyển bằng đường bộ, trong đoàn xe bao gồm cả xe tải không chở hàng. Điều này giúp hạn chế tổn thất có thể xảy ra khi bị Nga tấn công.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc Todd Breasseale từ chối bình luận về chiến lược phân tán vũ khí của Ukraine.
Ông Sergey Nikiforov, phát ngôn viên của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cho biết ông không bình luận về “chiến lược quân sự”.
Bộ Quốc phòng Nga đều đặn thông báo về các cuộc tấn công mới vào các kho vũ khí của Ukraine. Tuy nhiên, việc xác minh thông tin gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh xung đột vẫn đang tiếp diễn.
Ngày 27/6, Ukraine cho biết Nga đã đánh bom một trung tâm mua sắm ở thành phố Kremenchuk, khiến ít nhất 18 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Giới chức Nga bác bỏ cáo buộc này và nói rằng họ đã tấn công vào một kho vũ khí gần đó.
“Tại Kremenchuk, các lực lượng Nga đã dùng các loại vũ khí chính xác cao phóng từ trên không để tấn công một cơ sở lưu trữ vũ khí Ukraine nhận được từ Mỹ và châu Âu”, Bộ Quốc phòng Nga thông báo.
Bảo mật thông tin
Hồi đầu tháng 5, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Malyar cũng từng tiết lộ cách nước này bảo vệ vũ khí từ phương Tây trước sự theo dõi của Nga.
Theo bà Malyar, số lượng, tốc độ vận chuyển và chủng loại vũ khí phương Tây cung cấp cho Ukraine đều là thông tin mật.
“Tôi chỉ có thể nói rằng đằng sau hoạt động này là một khối lượng công việc khổng lồ mà Bộ Quốc phòng phối hợp với bộ trưởng các nước phương Tây thực hiện”, bà Malyar phát biểu với báo giới hồi đầu tháng 5.
Bà Malyar cho biết, phía Ukraine “cố gắng nói càng ít càng tốt về các thỏa thuận và hoạt động vận chuyển”, vì ngay từ những ngày đầu của cuộc xung đột, quân Nga đã chặn được nhiều chuyến vận chuyển vũ khí.
“Họ có những điệp viên dày dạn kinh nghiệm. Họ có đặc vụ khắp nơi và làm việc khá tinh vi, trong đội ngũ quan chức cấp trung của phương Tây, trong các chính đảng trung thành với họ ở quốc hội của nhiều quốc gia”, bà Malyar nói đánh giá về các lực lượng Nga.
Phản công và tấn công kho vũ khí của Nga
Giới chức Mỹ nhận định, kho vũ khí của Ukraine sẽ gặp nguy hiểm hơn nhiều nếu lực lượng không quân Nga kiểm soát bầu trời, điều này sẽ cho phép Moscow làm gián đoạn việc vận chuyển vũ khí và tiếp viện.
“Nga vẫn chưa thể chiếm ưu thế trên không, vì vậy cách chính để tiêu hủy các thiết bị mà phương Tây cung cấp cho Ukraine là tấn công vào các cơ sở lưu trữ, khi các thiết bị này đã ở yên một chỗ”, ông Rob Lee, một nhà phân tích về quân đội Nga tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại Mỹ cho biết.
Bên cạnh việc bảo vệ các kho vũ khí, đạn dược, quân đội Ukraine cũng đang tìm cách phản công và tấn công các kho vũ khí, đạn dược của Nga ở sâu trong các vũng lãnh thổ mà Moscow hiện đang kiểm soát.
Nhà phân tích Barros cho biết, Ukraine đã sử dụng hệ thống Tên lửa pháo binh Cơ động Cao (HIMARS) để tấn công các kho vũ khí của Nga ở khu vực Lugansk trong những ngày gần đây. Thông tin này đã được ông Andrey Marochko, người phát ngôn lực lượng dân quân của Cộng hòa Nhân dân tự xưng Lugansk (LPR), xác nhận hôm 28/6.
“Nếu có thể làm suy giảm khả năng nã pháo hàng loạt của lực lượng Nga, điều đó cũng sẽ làm suy giảm khả năng chống chịu của Nga khi Ukraine phản công”, ông Barross nhận định./.
Theo Hoàng Phạm/VOV