|
Xe tăng Merkava 4 của Israel bị Hamas phá hủy ngày 7/10. Ảnh Al Jazeera |
Cuộc chiến bất ngờ cho Israel
Theo thông tin được phía Hamas công bố, có thời điểm hơn 5.000 quả rocket (phía Israel cho biết là 2.000) đã rơi vào lãnh thổ Israel. Còi báo động phòng không đã vang lên ở miền nam và miền trung Israel, trong đó có thành phố Jerusalem và Tel Aviv. Người ta nghe thấy tiếng nổ ở một số thị trấn của Israel gần Dải Gaza.
Tại thành phố Sderot phía nam Israel, giao tranh ác liệt đã nổ ra giữa quân đội Israel và các tay súng Palestine.
Tổ chức vũ trang Al Qassam liên kết với Hamas đã đưa quân bộ binh vượt qua bức tường ngăn cách giữa Israel và Dải Gaza, đồng thời phát động một cuộc tấn công quy mô lớn vào các khu vực do Israel kiểm soát.
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) vội vàng đáp trả và dường như hoàn toàn ở trong thế bị động.
|
Tên lửa của lực lượng vũ trang Hamas bắn sang lãnh thổ Israel. Ảnh CNN |
Khi trời sáng, chỉ huy lực lượng vũ trang Hamas là Deif thông báo phát động chiến dịch "Hồng thủy Al-Aqsa" trên đài phát thanh; kêu gọi người Palestine khắp nơi vùng dậy và chiến đấu chống Israel.
Israel sau đó đáp trả bằng một đòn nặng nề nhằm vào Hamas bằng các đòn không kích trả đũa vào Dải Gaza, khiến nhiều dân thường Palestine bị thương vong.
Theo tờ CNN, mặc dù Palestine và Israel luôn là “thùng thuốc súng ở Trung Đông, nhưng Israel và thế giới Ả Rập chưa xảy ra chiến tranh quy mô lớn trong ít nhất vài thập kỷ và trong những năm gần đây, hai bên có xu hướng nới lỏng quan hệ và thiết lập quan hệ ngoại giao.
|
Lực lượng Hamas sử dụng dù lượn có động cơ tiến công vào lãnh thổ Israel sáng 7/10. Nguồn Al Jazeera |
Lần cuối cùng Israel bị tấn công trên quy mô lớn như vậy là Chiến tranh Yom Kippur, diễn ra cách đây đúng 50 năm (ngày 6/10/1973).
Đúng nửa thế kỷ sau, cuộc chiến lại nổ ra vào ngày 7/10; điều này đặc biệt gây chú ý đó là dường như lịch sử lặp lại?
Vào khoảng 6 giờ sáng, ngay sau khi kết thúc “Ngày Lễ chuộc tội” của người Do Thái, hàng nghìn quả rocket đã gầm rú trút xuống miền đông và miền nam Israel.
Cùng lúc đó, hàng trăm chiến binh Hamas, lái các phương tiện cơ giới, thuyền và thậm chí cả dù lượn có động cơ, đã vượt qua biên giới Gaza-Israel và tiến vào nhiều khu vực dân cư.
Các chiến binh Hamas đã bắt một nhóm con tin và ước tính có hàng trăm người Israel đã bị bắt, bao gồm cả binh lính. Hamas cũng phá hủy một số xe tăng của Israel bằng UAV mang vũ khí. Đồng thời thu giữ một loạt xe quân sự Humvee của Mỹ viện trợ và nhiều vũ khí khác.
|
Các tay súng Hamas tham gia cuộc đột kích vào lãnh thổ Israel ngày 7/10. Ảnh: AFP. |
Khi đó, dân Israel đang đắm chìm trong ngày lễ Sabát nên mất cảnh giác và chịu tổn thất nặng nề. Theo Kênh 12 của truyền hình Israel, ít nhất 200 người đã thiệt mạng và hơn 1.600 người bị thương.
Phó tổng tư lệnh Hamas Saleh Al-Arouri nói với hãng tin Al Jazeera rằng, nhóm này đã bắt giữ "một số lượng lớn" người Israel, bao gồm cả "các quan chức cấp cao". Ông cho biết Hamas có đủ số tù nhân Israel để Israel thả tất cả tù nhân Palestine trong các nhà tù của mình.
Một “Trân Châu Cảng” của Israel?
Cuộc tấn công “ba mũi nhọn” bằng đường biển, đường bộ và đường không của Hamas, đã khiến Israel “mất cảnh giác”.
Cựu phát ngôn viên quân đội Israel Jonathan Conricus thẳng thừng tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Mỹ CNN rằng, cuộc tấn công bất ngờ quy mô lớn của Hamas vào Israel là một "khoảnh khắc giống như Trân Châu Cảng" đối với Israel.
Israel có cơ quan tình báo Mossad hùng mạnh nhất Trung Đông, nhưng lần này lại bị "mù", khiến nhiều phương tiện truyền thông phương Tây bị sốc và hoang mang.
|
Xe tăng chiến đấu chủ lực Merkava Mark 4M. Ảnh: Wikipedia Commons |
Xét cho cùng, cơ quan tình báo Mossad của Israel nổi tiếng và được biết đến là một trong bốn cơ quan tình báo lớn trên thế giới, nổi tiếng về tốc độ, độ chính xác và hiệu quả.
Tuy nhiên, trong cuộc đột kích này của Hamas, các cơ quan tình báo Israel dường như đã mất cảnh giác. Chính xác thì chuyện gì đã xảy ra?
Ông Raphael Morav, đại sứ Israel tại Pháp, thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Pháp AFP rằng, các cơ quan tình báo Israel chắc chắn có vấn đề gì đó.
|
Đại sứ Israel tại Pháp, ông Raphael Morav. Ảnh AFP |
Ông Morav nói: “Nếu có được dù chỉ một chút thông tin tình báo, chúng tôi sẽ thực hiện một loạt biện pháp để chuẩn bị phản công. Chúng tôi luôn sẵn sàng hành động; chắc chắn hệ thống tình báo có vấn đề gì đó".
Xung đột Israel-Palestine đã kéo dài nhiều năm và Israel chưa bao giờ lơ là cảnh giác, tại sao lần này lại bị đánh một cách thụ động như vậy? Đại sứ nói: “Rõ ràng là chúng tôi chuẩn bị thậm chí chưa đầy đủ”.
Về vấn đề đã xảy ra với các cơ quan tình báo Israel, họ đã ở đâu và tại sao? Nhà ngoại giao không có câu trả lời.
Đến lượt hệ thống phòng không "Vòm sắt" thất bại?
Hệ thống phòng không của Israel nổi tiếng là hiệu quả, nhưng điều gì đã xảy ra khi nhiều tên lửa do Hamas phóng trúng mục tiêu?
Kể từ khi thành lập, Israel luôn ở trong môi trường địa chính trị thù địch, với nhiều cuộc chiến tranh. Để củng cố đất nước, Israel không chỉ tăng cường thu thập thông tin tình báo trong nhiều thập kỷ, mà còn thiết lập một hệ thống phòng không mạnh mẽ và hiệu quả.
Ngày 9/7 năm nay, Bộ Quốc phòng Israel thông báo, nước này đã hoàn thành thành công cuộc thử nghiệm bắn đạn thật hệ thống phòng không "David Sling" để chống lại tên lửa tầm trung.
|
Đạn rocket của Hamas bắn sang và hệ thống phòng không Vòm sắt của Israel đánh chặn sáng rực bầu trời đêm 7/10. Ảnh Al Jazeera |
Được biết, hệ thống "David's Slingshot" đã đánh chặn thành công nhiều mục tiêu bao gồm tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình, máy bay và UAV trong các cuộc thử nghiệm mô phỏng các kịch bản phức tạp.
Hệ thống David's Slingshot do Israel và Mỹ cùng phát triển, được kết hợp với hệ thống phòng không Arrow 1/2/3, chủ yếu chống lại các mối đe dọa tên lửa tầm xa. Còn hệ thống phòng thủ "Iron Dome (Vòm sắt)" chủ yếu dùng để đánh chặn UAV và tên lửa tầm ngắn.
Ngoài ra, phiên bản hải quân của Vòm sắt là C-Dome, cùng nhau tạo thành hệ thống phòng thủ tên lửa nhiều lớp bảo vệ lãnh thổ Israel.
|
Hệ thống Vòm Sắt khai hỏa tại thành phố Sderot, miền tây Israel. Ảnh: Reuters. |
Theo phân tích của chuyên gia, tỷ lệ thành công của hệ thống phòng không Iron Dome của Israel lên tới 90%. Tuy nhiên lần này, Hamas đã bắn 5.000 quả rocket trong thời gian rất ngắn, theo tính toán tương ứng, ít nhất hàng trăm quả rocket đã bắn trúng các mục tiêu của Israel.
Khi ngăn chặn các cuộc không kích quy mô lớn hiếm gặp, việc chuẩn bị trước là rất cần thiết và có liên quan chặt chẽ đến hoạt động hiệu quả của các cơ quan tình báo. Nếu các cơ quan tình báo mất cảnh giác, thì khó có thể đổ lỗi cho lực lượng phòng không hoạt động kém hiệu quả.
“Tiến bộ” của lực lượng vũ trang Hamas
Trong nhiều năm, Hamas đã dựa vào "tên lửa nhỏ tự chế" không thể bay xa và đặc điểm hỏa lực phân tán trong một đòn tấn công, tạo cho người ta ấn tượng về một kẻ “lang thang lạc lối”. Đồng thời khiến quân đội Israel sống trong ảo tưởng về sự “bất khả chiến bại”.
Từ năm 2021, Hamas bắt đầu nâng cao hiệu quả chiến đấu về mọi mặt. Đầu tiên, một cuộc thanh trừng phản gián nội bộ tàn bạo đã được thực hiện, để loại bỏ những "kẻ phản bội" đã cung cấp nhiều thông tin tình báo khác nhau cho người Israel.
|
Những tên lửa tự chế của Hamas trước kia có tầm bắn gần. Ảnh Al Jazeera |
Đồng thời, các loại vũ khí và trang bị khác nhau của Hamas cũng bắt đầu được nâng cấp. Trước đây, tên lửa của Hamas được “làm thủ công” trong các công xưởng ngầm ở Gaza, sử dụng phân bón hóa học và chất nổ dân dụng làm nguyên liệu. Về cơ bản, chúng chỉ có thể dùng làm “pháo hoa” khi bắn ra.
Tuy nhiên, trong cuộc xung đột này, các bệ phóng tên lửa RPG-7 cải tiến, tên lửa chống tăng 9M14 và tên lửa chống tăng Konkurs-M tiên tiến hơn của Iran đã xuất hiện trong lực lượng vũ trang của Hamas.
Thậm chí, một số vũ khí của NATO trên chiến trường Nga-Ukraine cũng đã lọt vào tay Hamas thông qua kênh chợ đen; trong đó có nhiều loại vũ khí hạng nhẹ và súng bắn tỉa cỡ nòng lớn. Trong cuộc xung đột này, không có gì đáng ngạc nhiên khi 5.000 quả rocket được bắn ra trong khoảng 20 phút.
|
Những địa điểm trên lãnh thổ Israel bị đạn rocket của Hamas tấn công. Đồ họa CNN
|
Ngoài ra, Hamas còn nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ lực lượng vũ trang Hezbollah của Lebanon và tiến hành huấn luyện chiến đấu trên đường phố và chiến tranh đô thị.
Lần này, đơn vị tác chiến đặc biệt mới được thành lập của Hamas đã cơ động trên dù lượn và thực hiện thành công các hoạt động tấn công đường không, nhằm vào các mục tiêu của Israel ở sâu trong lãnh thổ; điều này thực sự gây ấn tượng.
Trong những năm gần đây, Hamas cũng đã nâng cấp hệ thống liên lạc của các thành viên và thay thế chúng bằng thiết bị liên lạc có độ bảo mật cao hơn; điều này gây trở ngại lớn cho việc theo dõi, giám sát của các cơ quan tình báo Israel và trở thành đảm bảo cho sự bất ngờ của cuộc đột kích này.
Tiến Minh (theo CNN, Sina)