Theo tạp chí The Drive, Romania vừa cho toàn bộ dàn chiến đấu cơ MiG-21 về hưu từ tháng 4/2022. Về cơ bản, dàn MiG-21 của Romania là phiên bản mạnh nhất của dòng chiến đấu cơ này, có mã MiG-21 Lancer.
Khác với những chiến đấu cơ MiG-21 nguyên bản được sản xuất từ thời Liên Xô cũ, MiG-21 Lancer đã được nâng cấp rất nhiều cả về phần cứng lẫn phần mềm, cho phép chiếc chiến đấu cơ này tương thích với cả các loại vũ khí thông minh của châu Âu - điều mà phiên bản MiG-21 nguyên bản hoàn toàn không có.
|
Chiến đấu cơ MiG-21 Lancer-C của Romania trong quá khứ. Ảnh: Mihai Zamfirescu.
|
Dù được mệnh danh là "quan tài bay", các chiến đấu cơ MiG-21 vẫn đóng vai trò rất quan trọng trong lực lượng không quân Romania nhiều năm trước khi chúng bị cho về hưu. Tổng cộng, Romania đã nâng cấp 111 chiến đấu cơ MiG-21 lên tiêu chuẩn mới, trong đó có cả các phiên bản hai chỗ ngồi dành cho huấn luyện.
Một loạt các nâng cấp cực kỳ đáng giá của MiG-21 Lancer bao gồm việc có khả năng mang theo pod giám sát mục tiêu, tương thích với bom không đối đất có điều khiển hoặc bom điều khiển bằng laser bao gồm cả AGM-65.
Về khả năng đối không, loại máy bay này có thể tương thích tốt với hầu như toàn bộ các loại tên lửa phổ biến được NATO sử dụng, trong đó bao gồm tên lửa R-60, tên lửa R-73, tên lửa Python 3 của Israel hay tên lửa Magic II do Pháp sản xuất.
|
Tiêm kích MiG-21 của Romania với pod bắt bám mục tiêu. Ảnh: National Guard.
|
Khả năng trở thành máy bay không người lái
Việc "độ" lại máy bay chiến đấu đời cũ thành máy bay không người lái đã từng được nhiều quốc gia thực hiện và thành công. Bản thân không quân Mỹ cũng sử dụng phương thức này để "không người lái hóa" một vài chiến đấu cơ F-16 phục vụ cho mục đích thử nghiệm.
Việc biến MiG-21 trở thành máy bay không người lái không phải là điều bất khả thi, nhiều chuyên gia đã chỉ ra tính thiết thực của phương án này và thậm chí, còn coi đây là phương án tối ưu cho không quân Ấn Độ - lực lượng sở hữu quá nhiều MiG-21 nhưng lại có tỷ lệ tai nạn liên quan tới loại chiến đấu cơ này ở mức cao chóng mặt.
Với trình độ kỹ thuật của Ukraine, quốc gia này hoàn toàn có thể biến tiêm kích chiến đấu MiG-21 trở thành máy bay không người lái, thậm chí trở thành máy bay không người lái cảm tử, cho phép thực hiện các vụ tấn công cảm tử với độ chính xác cao và mức độ công phá lớn hơn nhiều so với các loại máy bay UAV cảm tử cỡ nhỏ hiện tại.
Phòng không Nga là điều đáng lo ngại
Nếu Ukraine được viện trợ MiG-21 từ các quốc gia NATO, phòng không Nga sẽ là yếu tố cần được cân nhắc tới. Với thiết kế quá cũ và lỗi thời, chiến đấu cơ MiG-21 chắc chắn sẽ không thể "qua mặt" được những tổ hợp phòng không hiện đại được Nga triển khai tới Ukraine, trong đó có tổ hợp S-400.
S-400 là tổ hợp tên lửa phòng không được Nga phát triển để đánh chặn các loại chiến đấu cơ thế hệ 5 của phương Tây. Nói một cách ngắn gọn, chiến đấu cơ MiG-21 sẽ không có bất cứ một cơ hội nào khi bị S-400 bắt bám.
Tờ Business Insider cho biết, ngay cả chiến đấu cơ thế hệ 4 hiện đại của Mỹ là F-16, cũng khó có thể "qua mặt" được các tổ hợp phòng không S-400 của Nga do thiếu khả năng tàng hình, dù rằng chúng cơ động hơn nhiều so với chiến đấu cơ thế hệ 5.
|
Máy bay chiến đấu F-16AM của Romania. Ảnh: VictorCozmei.
|
Ngoài ra, nếu nhận các chiến đấu cơ đời cũ từ NATO, lực lượng hậu cần Ukraine sẽ đối mặt với khối lượng công việc rất lớn, khi có thể đảm bảo khả năng chiến đấu của dàn máy bay "đồ cổ" này trong thời gian dài, chưa tính tới việc cường độ tác chiến quá cao ở Ukraine, có thể khiến mọi loại vũ khí bị bào mòn một cách nhanh chóng.
Trần Trân (theo TheDrive)