Bắn tên lửa ồ ạt, Triều Tiên "nghiện nặng" vũ khí tầm xa

Google News

(Kiến Thức) - Với việc tần suất các đợt phóng tên lửa của Triều Tiên ngày một dày hơn, dường như Bình Nhưỡng đã trở nên nghiện thứ vũ khí tầm xa này.

Nguy cơ xung đột vũ trang trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục gia tăng khi Bình Nhưỡng liên tiếp phóng tên lửa. Ngày 21/5, Bình Nhưỡng phóng thử tên lửa đạn đạo tầm trung Pukguksong-2. Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA xác nhận vụ phóng thử diễn ra thành công.

Phía Bình Nhưỡng nói rằng loại tên lửa mới có khả năng mang đầu đạn hạt nhân loại lớn. Thông báo của KCNA dường như là sự “chế giễu” đối với Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc, chỉ mới hôm thứ 2 tuần trước cảnh báo Triều Tiên không nên tiếp tục các vụ phóng thử tên lửa.

Các nhà ngoại giao cho rằng cách tốt nhất để giảm nhiệt tình hình trên bán đảo Triều Tiên là kéo Bình Nhưỡng đến bàn đàm phán. Sau đó thuyết phục Triều Tiên giảm bớt các hoạt động gây căng thẳng để đổi lấy việc loại bỏ các biện pháp trừng phạt.

Phương pháp này đã thành công đối với Iran. Thỏa thuận lịch sử vào ngày 14/7/2015 đã giảm nhiệt chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran, các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran cũng dần được dỡ bỏ.

Cộng đồng quốc tế đang nỗ lực để theo đuổi con đường tương tự đối với Triều Tiên. Theo đuổi con đường đàm phán, sau đó giảm dần các biện pháp trừng phạt theo chính sách “cây gậy và củ cà rốt”.

Triều Tiên không phải là Iran thứ 2

Ban ten lua o at, Trieu Tien "nghien nang" vu khi tam xa
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un quan sát một cuộc tập trận. Ảnh: CTV News. 

Tuy nhiên, không giống như Tổng thống Iran Hassan Rouhani, nhà lãnh đạo Kim Jong-un dường như không quan tâm đến việc làm giảm tình hình. Ngược lại, nhà lãnh đạo trẻ dường như lấy làm vinh dự trong việc tăng tần suất các vụ phóng tên lửa.

Các nước láng giềng Triều Tiên đều khuyến khích đối thoại. Tuy nhiên, ngay cả khi nhận được viện trợ kinh tế nhiều hơn từ Trung Quốc và sự đảm bảo không cố gắng thay đổi chế độ từ Mỹ, ông Kim vẫn không mặn mà với việc tiến tới đàm phán khi có sự kêu gọi đối thoại từ Hàn Quốc và Nga.

Nhật Bản là ngoại lệ duy nhất khi không kêu gọi đối thoại với Triều Tiên. Tất nhiên, Tokyo chắc chắn không muốn áp dụng biện pháp vũ lực nhưng muốn các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn. Đặc biệt, sự ủng hộ của Trung Quốc đối với các lệnh trừng phạt sẽ có ích trong việc thay đổi quỹ đạo của ông Kim.

Tuy nhiên, chính sách “cây gậy và củ cà rốt” nhường như không có tác dụng đối với Triều Tiên. Bình Nhưỡng không mặn mà với củ cà rốt và các nước đưa cho họ, cũng không sợ hãi với cây gậy mà các nước này dơ lên.

Phar Kim Beng, học giả thỉnh giảng tại Đại học Waseda ở Tokyo cho rằng cần nghiên cứu kỹ tâm lý của ông Kim Jong-un để xem xét vai trò của những lần phóng tên lửa. Việc phóng tên lửa lên tầng bình lưu sau đó cho lạo xuống biển ở Hàn Quốc hoặc biển Nhật Bản, theo thời gian đã trở thành “cơn nghiện” của Bình Nhưỡng.

Mỗi lần phóng thành công đều kèm theo những hình ảnh được quản lý cẩn thận, cho thấy sự bùng nổ niềm vui, không chỉ bằng nụ cười của nhà lãnh đạo Kim mà còn của những tướng lĩnh cấp cao.

Mặt khác ở Triều Tiên có nhiều nhóm các nhà khoa học làm việc trên từng chương trình tên lửa cụ thể, họ đều muốn chứng minh năng lực của mình đối với lãnh đạo tối cao. Họ cạnh tranh với nhau để đáp ứng thói quen khoe vũ khí tầm xa của ông Kim.

Giải pháp nào đối với Bình Nhưỡng?

Ban ten lua o at, Trieu Tien "nghien nang" vu khi tam xa-Hinh-2
Một vụ phóng thử tên lửa được cho là Hwasong-12 của Triều Tiên. Ảnh: Business Insider. 

Giới chính trị thế giới đã đề xuất 4 giải pháp, tất nhiên là không giải pháp nào thực sự hoàn hảo. Đầu tiên là đối thoại, kèm theo việc giảm các lệnh trừng phạt đã có hiệu quả đối với Iran. Đây là phương pháp ưa thích của Trung Quốc và Hàn Quốc. Tuy nhiên, giải pháp này đã cho thấy không có tác dụng đối với Bình Nhưỡng.

Thứ 2 là Mỹ thúc ép Trung Quốc tìm ra giải pháp đối với Bình Nhưỡng, kèm theo đó là nguy cơ tiềm ẩn về mối quan hệ của họ nếu Bắc Kinh không hành động. Tổng thống Mỹ Donald Trump từng đưa cảnh báo về điều này. Tuy nhiên, không có gì chắc chắn là Bắc Kinh sẽ hành động và đó vẫn chưa được xem là một “giải pháp”.

Thứ 3 liên quan đến Nhật Bản và Mỹ có thể tiến hành không kích vào các cơ sở hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Giải pháp quân sự này cần nhắm mục tiêu lên đến 1.500 địa điểm trên lãnh thổ Triều Tiên. Đây là một chiến dịch quân sự rất lớn mà có thể dẫn đến sự trả đũa dai dẵng từ Triều Tiên khi họ bị dồn vào thế “không còn gì để mất”.

Giải pháp thứ 4 đòi hỏi Nga và Trung Quốc hợp tác với nhau để thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa, cùng với sự đảm bảo không xâm lược từ phía Mỹ.

Học giả Phar Kim Beng cho rằng, Triều Tiên sẽ không tìm cách “cai nghiện” việc phóng tên lửa. Các giải pháp về những lợi ích kinh tế hay đe dọa trừng phạt mà các nước đưa ra sẽ trở nên vô nghĩa. Ông kết luận, một cuộc chiến thứ 2 là điều khó tránh khỏi trên bán đảo Triều Tiên.

Quốc Minh