T-54/55 là mẫu xe tăng “xương sống” trong lực lượng tăng thiết giáp Quân đội Nhân dân Việt Nam suốt hàng chục năm qua. Đây cũng là dòng xe tăng huyền thoại trên thế giới, xuất hiện trong thành phần biên chế hàng chục quốc gia.
Tuy nhiên, lẽ thường dù được đánh giá rất cao về nhiều mặt nhưng qua thời gian, T-54/55 hôm nay được xem là mẫu tăng lạc hậu, thua xa về nhiều mặt so với các dòng tăng hiện đại. Chính vì vậy, nhiều quốc gia đã thực hiện các chương trình nâng cấp xe tăng T-54/55 để kéo dài tuổi thọ. Nước ta cũng vậy, trước đây Việt Nam đã nâng cấp xe tăng T-54/55 theo chương trình của Israel, được định danh là T-55M3.
|
Xe tăng nâng cấp T-55M3. |
Có thể điểm qua một số điểm cải tiến chính của T-55M3 gồm: thay pháo chính D-10T2S 100mm bằng pháo 105mm M-68 cùng hệ thống điều khiển hỏa lực, bổ sung thêm khẩu cối 60mm; trang bị giáp phản ứng nổ Blazer; cải tiến động cơ (nâng công suất từ 520 lên 580 mã lực). Đáng tiếc, không rõ lý do vì sao sau cùng chương trình nâng cấp T-55M3 đã bị hủy bỏ.
Hiện nay, lực lượng xe tăng Việt Nam vẫn chỉ sử dụng các xe tăng T-54/55 nguyên bản. Dẫu vậy, đã có những thông tin cho thấy dường như chúng ta đang nỗ lực nâng cấp từng phần mẫu tăng này.
Theo bài đăng trên báo Quân đội Nhân dân mới đây, Viện Tự động hóa kỹ thuật quân sự (TĐHKTQS) thuộc Viện Khoa học và Công nghệ (KH-CN) quân sự, Bộ Quốc phòng đã nghiên cứu, thiết kế và lắp đặt thử nghiệm hệ thống điều khiển hỏa lực lên xe tăng T-54/55.
|
Đoàn công tác Bộ Tổng tham mưu kiểm tra hệ thống điều khiển hỏa lực trên xe tăng do Viện TĐHKTQS thiết kế, chế tạo. Ảnh: QĐND |
Hệ thống điều khiển lực (fire-control system - FCS) là tập hợp các thành phần làm việc cùng nhau, thường là máy tính dữ liệu pháo, máy ngắm và radar (có thể có trên xe tăng) được thiết kế để hỗ trợ hệ thống vũ khí tấn công mục tiêu. Với FCS, xe tăng sẽ có khả năng tính toán phần dữ liệu bắn, ngắm bắn nhanh hơn, chính xác hơn.
Trên các xe tăng T-54/55 mà Việt Nam sử dụng do Liên Xô sản xuất từ những năm 1950-1960 nên thường chỉ có kính ngắm ngày/đêm cho trưởng xe, pháo thủ để ngắm bắn. Chính vì vậy, việc trang bị FCS sẽ tăng đáng kể khả năng tác chiến của tăng trên chiến trường hiện đại.
Ngoài nâng cấp về hệ thống điều khiển hỏa lực, Việt Nam đang nghiên cứu giáp phản ứng nổ để nâng cấp giáp xe tăng T-54/55.
Cách đây không lâu, các cán bộ kỹ thuật thuộc Viện Thuốc phóng, thuốc nổ (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) đã nghiên cứu, chế tạo thành công một loại giáp trang bị cho xe tăng chống được sự tấn công của một số vũ khí, đặc biệt là tên lửa chống tăng B72 (AT-3) - loại vũ khí chống tăng hiệu quả, đang được rất nhiều nước trên thế giới sử dụng.
Miếng giáp phản ứng nổ gồm ba phần: Phần tử nổ, thân hộp giáp và cơ cấu gá, trong đó, phần tử nổ là bộ phận chính có chức năng cản xuyên, được thiết kế lượng nổ kẹp giữa hai tấm thép. Giáp phản ứng nổ tăng khả năng bảo vệ xe tăng trước các loại vũ khí chống tăng thông thường có chiều sâu xuyên thép ≤ 450mm.
Hi vọng rằng, trong tương lai gần, bằng khả năng của chính mình, Việt Nam sẽ hiện đại hóa hoàn chỉnh mẫu xe tăng T-54/55 trong điều kiện đất nước gặp nhiều khó khăn, chưa thể mua sắm tăng mới.
Hoàng Lê