Trong tình hình khó khăn đó, Trung úy, Kỹ sư Phạm Văn Thiệp, Trợ lý Ban Nghiên cứu Kỹ thuật, Phòng Kỹ thuật (sau này đồng chí Phạm Văn Thiệp là Đại tá, Trưởng Phòng Nghiên cứu Kỹ thuật, Cục Kỹ thuật) Bộ Tư lệnh Binh chủng Thiết giáp (năm 1994 đổi thành Binh chủng Tăng-Thiết giáp) đã đề xuất giải pháp cải biên moay ơ bánh tỳ xe PT-76 của Liên Xô cho phù hợp với trục cân bằng xe K-63 và xe K63-85 của Trung Quốc và trên cơ sở đó lắp lẫn đồng bộ xích, bánh tỳ của xe PT-76 cho xe K63 và xe K63-85. Giải pháp được đề xuất trên cơ sở nghiên cứu cụ thể, kỹ lưỡng kết cấu các cụm, các chi tiết của hệ thống vận hành, chế độ tải trọng và tính năng thông qua của 3 loại xe này.
Giải pháp đã được Bộ Tư lệnh phê duyệt và cho mở đề tài “Nghiên cứu cải biên lắp lẫn bánh tỳ - xích xe tăng PT-76 của Liên Xô cho xe thiết giáp K63 và xe tăng K63-85 của Trung Quốc”. Đề tài do đồng chí Trung úy, Kỹ sư Phạm Văn Thiệp làm chủ nhiệm.
|
Xe thiết giáp K-63 lắp bánh tỳ và xích xe PT-76. |
Do đòi hỏi của chiến trường, đề tài đã được triển khai thực hiện gấp rút. Từ tháng 1 đến tháng 3/1978: nghiên cứu tính toán, thiết kế cải biên; từ tháng 4 đến tháng 6/1978: phối hợp với Nhà máy Z153 (Tổng cục Kỹ thuật) thực hành gia công cải biên moay ơ bánh tỳ; phối hợp với Xưởng X32 (Bộ Tư lệnh Binh chủng Thiết giáp) gia công cải biên nắp bánh tỳ, cụm bít chắn mỡ, bánh dẫn xích, vú tống chốt xích và sản xuất bộ bu lông đệm cố định; tháng 7/1978: phối hợp với Kho Y (Bộ Tư lệnh Binh chủng Thiết giáp) lắp ráp và chạy thử nghiệm.
Ngày 12/7/1978, Bộ Tư lệnh Binh chủng Thiết giáp đã tổ chức nghiệm thu đánh giá thực tế sản phẩm của đề tài này. Trung tá Phí Văn Hải, Chủ nhiệm Kỹ thuật Binh chủng Thiết giáp chủ trì buổi nghiệm thu ngay tại bãi lái Tam Lộng của Bộ Tư lệnh Binh chủng Thiết giáp. Sau đó Tư lệnh Binh chủng Thiết giáp Đào Huy Vũ đã quyết định đưa đề tài này vào ứng dụng cải biên loạt lớn và đưa các sản phẩm cải biên vào mặt trận biên giới Tây Nam.
Cuối tháng 8/1978, đồng chí Phạm Văn Thiệp, chủ nhiệm đề tài được Bộ Tư lệnh giao nhiệm vụ phụ trách áp tải bằng tàu hỏa 600 chiếc bánh tỳ PT-76 đã cải biên cùng 120 dải xích và các vật tư kỹ thuật tăng-thiết giáp khác vào kho kỹ thuật của Bộ Tư lệnh Binh chủng Thiết giáp tiền phương để cung cấp kịp thời cho chiến trường. Đồng chí Thiệp đã trực tiếp tổ chức lắp mẫu sản phẩm cải biên vào xe K-63 và K63-85 của Trung đoàn Thiết giáp 26/Quân khu 7 và Trung đoàn Thiết giáp 24 (Quân khu 9) làm cơ sở cho các đơn vị tự lắp lẫn hàng loạt nhanh chóng sẵn sàng tham gia chiến đấu.
|
Xe tăng hạng nhẹ Type 63 (Việt Nam gọi là K63-85) do Trung Quốc sản xuất. Phần thân xe khá giống với PT-76 của Liên Xô nhưng dùng kiểu tháp pháo khác với pháo lớn hơn - 85mm.
|
Trong chiến dịch tiến công giải phóng nhân dân Cam-pu-chia khỏi ách diệt chủng, rạng sáng ngày 7/1/1979 các xe tăng K63-85 lắp xích - bánh tỳ PT-76 trong đội hình chiến đấu của Trung đoàn Thiết giáp 24 (Quân khu 9) đã tiến vào sân bay Pô-chen-tông thuộc Thủ đô Phnôm Pênh. Còn các xe thiết giáp K63 trong đội hình chiến đấu của Trung đoàn Thiết giáp 26 (Quân khu 7) đã có mặt tham chiến tại tỉnh Công-pông-chàm.
Tháng 9/1982, với kết quả nghiên cứu chế thử được đưa vào ứng dụng loạt lớn bảo đảm kịp thời trang bị chiến đấu cho chiến trường, đề tài đã được Bộ Quốc phòng cấp bằng khen. Thời gian sau này và cho đến nay giải pháp sáng tạo của đề tài vẫn tiếp tục được Nhà máy Z153 áp dụng gia công cải biên để cung cấp và lắp đặt cho xe K63 và K63-85 trong toàn quân.
Đề tài là một giải pháp kỹ thuật sáng tạo và táo bạo, gia công phức tạp bởi khi lắp vào xe K-63 và xe K63-85, mỗi bánh tỳ mới phải chịu tải thêm 500kg trong điều kiện moay ơ phải khoét mỏng để tăng đường kính lỗ lắp ổ bi từ Φ130 lên Φ140mm; theo đó phải dịch chỉnh tâm ổ bi theo chiều trục phải phay 2 rãnh bơm mỡ thay thế và khoan ren các lỗ bu lông cố định mới nhưng vẫn bảo đảm độ tin cậy và độ bền lâu trong chế độ tải trọng khắc nghiệt đối với hệ thống vận hành xe tăng.
Đề tài đã giải quyết thành công bài toán thiết kế cải biên phức tạp trong đó việc chọn chế độ lắp ghép là yếu tố quyết định đồng thời đã đưa ra quy trình công nghệ gia công đúng đắn trong thực hành cải biên nên bảo đảm được yêu cầu thiết kế đề ra.
Sự thành công của đề tài này là bài học về sự hợp tác và hiệp đồng chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Binh chủng Tăng-Thiết giáp trong công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Kết quả của đề tài đã được cấp trên nhanh chóng xem xét và cho ứng dụng kịp thời bảo đảm nhiệm vụ chiến đấu đặt ra, đạt hiệu quả kinh tế - kỹ thuật và quốc phòng cao.