Thời gian gần đây, báo chí trong, ngoài nước đã đăng hình ảnh 2 chiếc tàu tên lửa Project 1241.8 Molniya đầu tiên được đóng tại Việt Nam có vẻ đã hoàn thành quá trình thử nghiệm khi được đánh số hiệu và sơn màu sơn của Hải quân Nhân dân Việt Nam. Đây là một tin đáng mừng đánh dấu quá trình phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng trong nước.
Các nguồn tin Nga cho biết, Việt Nam có kế hoạch đóng khoảng 8 tàu Molniya. Dù vậy, theo các quan chức Nga thì sau khi đóng và thử nghiệm hoàn tất 2 tàu đầu tiên, Việt Nam có thể thông qua đóng 4 tàu tiếp theo. Không loại trừ khả năng Việt Nam giảm số lượng đóng tàu Molniya.
|
Một trong 2 tàu tên lửa Molniya được Việt Nam đóng với sự hỗ trợ chuyển giao công nghệ từ Nga.
|
Nhìn vào thực tế thì thiết kế tàu tên lửa Molniya ra đời từ những năm 1970, đã bộc lộ nhiều mặt lạc hậu hiện nay (ví dụ như thiết kế không tán xạ radar - dễ bộc lộ trước radar đối phương, lượng giãn nước nhỏ, khả năng chịu sóng gió không quá tốt).
Vì vậy, trong tương lai, Việt Nam có thể cần những thiết kế tàu chiến mới hơn nhằm xây dựng lực lượng hải quân tinh nhuệ, hiện đại bảo vệ vững chắc biển, đảo Tổ quốc.
Theo nhận định giới chuyên gia quốc tế, tương lai, Việt Nam có thể có nhu cầu trang bị tàu hộ vệ tên lửa thế hệ mới, lượng giãn nước khoảng 1.000 tấn.
Những ứng viên tiềm năng cho kế hoạch tương lai này có thể gồm:
Tàu hộ vệ tên lửa Project 21631 Buyan-M
Tàu hộ vệ tên lửa lớp Buyan-M Project 21631 là biến thể của tàu pháo tuần tra Buyan Project 21630 được chế tạo tại Nhà máy đóng tàu Almaz, đặt trụ sở tại St Petersburg. Tàu có kích thước nhỏ, thiết kế góc cạnh và được phủ một lớp sơn hấp thụ sóng radar khiến tàu có khả năng tàng hình trước đối phương.
Mặc dù lượng giãn nước đầy tải chỉ 949 tấn nhưng Buyan-M được trang bị vũ khí đối hạm cực mạnh với 8 tên lửa chống tàu siêu thanh 3M54 Klub (NATO định danh là SS-N-27) đặt trong ống phóng thẳng đứng (VLS) phía sau tháp radar. Tên lửa có tầm bắn từ 220-300km, vận tốc từ Mach 0,8-2,9 mang theo đầu đạn bán xuyên giáp nặng 200-400kg (tùy phiên bản) có khả năng đánh chìm tàu chiến cỡ lớn. Pháo hạm của tàu là A-190E cỡ 100mm có tầm bắn hiệu quả 23km, tốc độ bắn của pháo đạt 80 phát/phút.
|
Biến thể tàu pháo tuần tra Project 21630 Buyan.
|
Hỏa lực phòng không của tàu gồm 2 bệ phóng tên lửa phòng không tầm thấp Igla-1M với 8 tên lửa cho khả năng tiêu diệt mục tiêu bay từ xa 5,2km, trần bay 3,5km. Để chống lại tên lửa đối hạm, Buyan-M được trang bị 1 pháo phòng không cao tốc AK-630M2 Duet nòng kép có tốc độ bắn 10.000 phát/phút, tầm bắn 5km.
Hệ thống điện tử của tàu gồm có radar trinh sát Pozitiv-ME1, radar hỏa lực MR-123 và radar hàng hải MR-231. Đặc biệt phiên bản xuất khẩu còn có thể trang bị thêm hệ thống định vị thủy âm Anapa-ME.
Thông số cơ bản của Buyan-M: dài 74,1m; rộng 11m; mớn nước 2,6m; tốc độ tối đa 25 hải lý/h; tầm hoạt động 1.500 hải lý; thủy thủ đoàn 29-36 người.
Với hỏa lực mạnh, thiết kế hiện đại và đã được mang sang giới thiệu cho Việt Nam, Buyan-M đang giữ vị trí ứng viên sáng giá nhất.
Tàu hộ vệ tên lửa Saar S-72
Ứng viên tiếp theo là tàu hộ vệ tên lửa tàng hình Saar S-72 của Israel. Được giới thiệu lần đầu tại triển lãm quốc tế về quốc phòng hàng hải IMDEX-2013, Saar S-72 là bước phát triển tiếp theo của thế hệ tàu hộ vệ tên lửa Saar 4.5 với nhiều tính năng ưu việt.
Tàu được đóng theo công nghệ module tiên tiến với không gian rộng rãi tiện nghi, có nhiều bề mặt nghiêng với hệ thống điện tử và vũ khí được bố trí hợp lý giúp tăng khả năng tàng hình. Hệ thống động lực của tàu gồm 2 động cơ diesel 16V1163M94 V16 7.939 mã lực.
|
Tàu hộ vệ tên lửa S-72 có thể mang được trực thăng.
|
Tuy lượng giãn nước đầy tải chỉ là 800 tấn nhưng tàu lại được thiết kế có hangar tương đối lớn cho phép mang theo 1 trực thăng hạng trung, đây là đặc điểm hiếm có ở tàu dưới 1.000 tấn.
Tàu được trang bị hệ thống điện tử tiên tiến, mức độ tự động hóa cao với radar mảng pha đa năng hoạt động theo từng giai đoạn Elta EL/M-2258 do tập đoàn công nghiệp hàng không vũ trụ Israel IAI chế tạo, thích hợp cho cả môi trường hoạt động xa bờ lẫn khu vực duyên hải.
Về hệ thống vũ khí, theo cấu hình gốc thì S-72 được trang bị 8 tên lửa đối hạm Harpoon hoặc Gabriel nhưng có thể tùy biến theo yêu cầu khách hàng. Nếu Việt Nam có ý định trang bị thì hoàn toàn có thể yêu cầu sửa đổi phần mềm để tích hợp tên lửa Kh-35E. Ngoài ra tàu còn được trang bị một pháo hạm Oto Melara 76,2mm tương tự như trên Sigma 9814.
Hỏa lực phòng không được được giá là điểm nổi bật nhất của tàu với 16 tên lửa phòng không Barak-8 đặt trong hệ thống phóng thẳng đứng phía đuôi. Tên lửa Barak-8 cung cấp khả năng đánh chặn tất cả các loại mục tiêu từ máy bay phản lực đến tên lửa hành trình ở cự ly tới 70km và độ cao 16km. Năng lực chống ngầm của S-72 cũng rất đáng gờm với 6 ngư lôi 324mm Mark46 có tầm bắn 11km, độ sâu hoạt động tối đa 365m.
Thông số cơ bản của S-72: dài 72m; rộng 10,25m, mớn nước<3m; tốc độ tối đa 30 hải lý/h; tầm hoạt động 3.000 hải lý; thủy thủ đoàn 50 người(+20 lính đặc nhiệm).
Có thể thấy rằng khi so sánh các thông số thì Saar S-72 toàn diện hơn Buyan-M thậm chí sức mạnh còn vượt qua cả Sigma 9814, nhưng đáng tiếc đây là mẫu tàu chiến mới chỉ ở giai đoạn phát triển, mọi thứ vẫn đang nằm trên giấy trong khi Việt Nam được cho là có thói quen mua sắm những loại vũ khí đã được chứng minh hiệu quả. Thêm vào đó, với sức mạnh toàn diện như vậy chắc chắn giá thành S-72 sẽ rất đắt, không phù hợp lắm khi đảm nhiệm vai trò của Molniya nên có lẽ Saar S-72 sẽ phải nằm ở vị trí thứ 2 trong lựa chọn.
Tàu đệm khí mang tên lửa Project 1239 Bora
Tàu tên lửa chạy trên đệm khí lớp Bora Project 1239 là sự lựa chọn tiếp theo mặc dù khả năng không được cao như 2 ứng viên trước.
Bora hoạt động trong Hải quân Nga từ năm 1997, có thiết kế 2 thân độc đáo, nhiệm vụ của tàu khá đa dạng từ tuần tra bảo vệ bờ biển đến tiêu diệt tất cả các loại tàu mặt nước của đối phương một cách độc lập hay như một kỳ hạm của biên đội tàu hải quân.
Tàu được trang bị hệ thống điện tử khá mạnh gồm radar trinh sát trên không và mặt biển Pozitiv-ME1, radar nhận dạng mục tiêu Monolit-K/Monument-E, radar kiểm soát hỏa lực 5P-10E. Các thiết bị tác chiến điện tử chủ động và thụ động được trang bị giúp tàu có khả năng tự bảo vệ hiệu quả trước các tên lửa đối hạm của địch.
|
Tàu đệm khí mang tên lửa Bora.
|
Về vũ khí trang bị, có thể lựa chọn lắp đặt 16 tên lửa đối hạm Uran hoặc 12 tên lửa Yakhont thay cho cấu hình gốc gồm 8 tên lửa Moskit. Hỏa lực phòng không của tàu gồm 2 pháo bắn nhanh AK-630 cùng 16 tên lửa Igla-1M. Pháo hạm của tàu là AK-176M cỡ 76,2mm.
Thông số cơ bản của Bora: dài 64m; rộng 18m, mớn nước 3m; lượng giãn nước đầy tải 1.030 tấn; tốc độ tối đa 55 hải lý/h; tầm hoạt động 2.500 hải lý khi chạy ở tốc độ 12 hải lý/h và 800 hải lý khi chạy ở tốc độ tối đa trên đệm khí; thủy thủ đoàn 68 người.
Vai trò của tàu đệm khí tên lửa Bora trong Hải quân Nga khá giống với Molniya trong Hải quân Việt Nam. Tàu có lượng giãn nước gần gấp đôi Molniya, phù hợp với yêu cầu của thế hệ tàu chiến mới tuy nhiên tàu cũng đã thuộc thế hệ cũ cộng thêm kết cấu 2 thân có khả năng chịu sóng gió không tốt, vận hành phức tạp và giá thành rất cao lên tới 200 triệu USD/chiếc nên có lẽ chỉ có thể mang ra để tham khảo đánh giá chứ khó có khả năng được lựa chọn để trang bị.
Tóm lại, qua đánh giá một số ứng viên tiềm năng thì khả năng tàu hộ vệ tên lửa tàng hình Buyan-M sẽ xuất hiện trong biên chế của Hải quân Nhân dân Việt Nam là khá cao tuy nhiên mọi thứ vẫn có thể thay đổi vào “giờ chót”.
Dương Phạm