Trung Quốc “phế truất” ngôi vua thị trường UAV Mỹ, Israel

Google News

(Kiến Thức) - Với giá cả phải chăng nhưng có tính năng mạnh mẽ, thiết kế UAV của Trung Quốc được cho là sẽ đánh bại Mỹ, Israel trong thị trường xuất khẩu UAV.

Tham quan mẫu máy bay không người lái (UAV) chiến đấu Dực Long (Wing Loong) được trưng bày tại triển lãm hàng không Paris 2013, không ai nghĩ rằng đây là lần đầu tiên Trung Quốc mang một mẫu máy bay chiến đấu không người lái ra triển lãm quân sự quốc tế.

Mẫu máy bay này có thể là bước đầu tiên cuả Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) để phá vỡ thế thống trị của phương Tây trên thị trường UAV thế giới.

Trung Quốc hút toàn bộ khách hàng của Mỹ, Israel

Chúng sẽ thu hút khách hàng bởi giá cả rất phải chăng và chất lượng không tồi cũng như không bị hạn chế bởi các lệnh cấm vận, trừng phạt hay các quy định ngặt nghèo như Mỹ. Trường hợp điển hình là các nước châu Phi và Trung Đông, nơi các công ty vũ khí Mỹ phải tuân thủ theo những quy định chặt chẽ, hoặc như Israel thậm chí từ chối xuất khẩu sang khu vực này, trong khi các công ty Trung Quốc thì hoàn toàn được tự do buôn bán vũ khí.

Trong một báo cáo mang tên “Ngành công nghiệp Máy bay quân sự không người lái của Trung Quốc”, chuyên gia phân tích An ninh - Chính trị Kimberly Hsu (Ủy ban quan hệ Mỹ-Trung) cảnh báo rằng, những UAV này không hề đắt mà còn đa chức năng của Trung Quốc sẵn sàng lấy đi các khác hàng quốc tế từ tay Mỹ và Israel.

Báo cáo của ông Hsu cũng chỉ ra rằng, Mỹ và Israel là hai nhà xuất khẩu UAV hàng đầu thế giới và những nước duy nhất thừa nhận đã xuất khẩu những UAV chiến lược. Ngoài ra, cả Washington và Tel Aviv đều đã là thành viên của 2 hiệp ước chính dành cho những nhà xuất khẩu UAV là Hiệp ước Kiểm soát kỹ thuật tên lửa (MTCR) quy định tính năng giới hạn của tên lửa xuất khẩu và Hiệp ước Wassenaar (thúc đẩy việc minh bạch hóa và quy trách nhiệm cho các nước xuất khẩu vũ khí, các sản phẩm lưỡng dụng).  

Trong khi đó, Trung Quốc thậm trí còn không phải là thành viên của cả hai hiệp ước trên, với MTCR họ có những cam kết mập mờ. Vì vậy “ trong trường hợp không có lựa sự cạnh tranh từ trình độ cao hơn của Mỹ hay Israel, thì Trung Quốc sẽ trở thành nhà cung cấp chính vì không bị ràng buộc bởi MTCR hay Wassenaar”.
UAV chiến đấu Dực Long của Trung Quốc có kiểu dáng giống UAV Mỹ nhưng giá rất rẻ và hỏa lực mạnh mẽ.

Chuyên gia nghiên cứu Ian Easton (thuộc Viện dự án 2049) bình luận, Washington nhận định rằng nếu nhìn về phía trước “sự phát triển của công nghệ đang xóa nhòa khoảng cách giữa các UAV và tên lửa tầm xa” . Điều này làm gia tăng mối lo ngại về sự phát triển chóng mặt của UAV Trung Quốc có thể là “một phần quan trọng trong tổ hợp do thám - tấn công sẽ duy trì thường xuyên các mối đe dọa tới các căn cứ không quân không được bảo vệ chặt chẽ, cũng như các cơ sở hạ tầng quan trọng nằm trong tầm hoạt động”.

Thêm vào đó là mối quan ngại khi Trung Quốc có “thói quen” thực hiện “các hành động xuất khẩu vô trách nhiệm”, đặc biệt là tới một số khách hàng bị phương Tây coi là “kẻ địch”, trong đó có các quốc gia đang đe dọa lợi ích an ninh của Mỹ.

Trong quá khứ, Trung Quốc đã thành công trong việc sản xuất và triển khai hàng loạt các UAV chiến thuật hoạt động ở độ cao trung bình và có tầm bay ngắn hoặc vừa. Theo ông Hsu, các hệ thống UAV chiến thuật chiếm tới 93% trong các dự án UAV của Trung Quốc, còn lại là các UAV cấp chiến lược. Tuy nhiên điều này sẽ thay đổi.

“Về lâu dài, Trung Quốc tiếp tục dồn tâm sức để phát triển hệ thống UAV chiến lược, chúng sẽ là yếu tố để đưa Trung Quốc trở thành “ông trùm” trên thị trường UAV cao cấp”, ông Hsu viết.

Tại sao UAV của Trung Quốc “siêu rẻ”?

Mẫu UAV Dực Long được trưng bày tại Paris lần này sau khi nó đã có những sự ra mắt đầu tiên dưới dạng một mô hình tĩnh trong triển lãm hàng không Chu Hải 2012.

Defense News đã có mặt tại buổi trình chiếu và có được những tài liệu quảng cáo của Trung Quốc, trong đó giới thiệu rằng nó có khả năng tấn công không đối đất có thể tiêu diệt các mục tiêu tĩnh và động.

Dực Long tại Chu Hải 2012 được trưng bày cùng với 4 loại vũ khí: tên lửa không đối đất BA-7; bom dẫn đường bằng laser YZ-212; bom chống bộ binh YZ-102A và bom có điều khiển LS-6 nặng 50kg.
Giá UAV Trung Quốc rẻ một phần vì chúng do chi phí nghiên cấp thấp?

Một chuyên gia về hàng không vũ trụ vẫn giữ thái độ bình tĩnh trước những màn trình diễn choáng ngợp của UAV Trung Quốc tại triển lãm hàng không.

“Dực Long là một bước đệm tuyệt vời, nhưng mức độ về sự tiến bộ của Bắc Kinh chưa rõ ràng cũng như mức độ tinh vi và khả năng tích hợp”, ông Douglas Barrie - chuyên gia quân sự cao cấp về hàng không vũ trụ (thuộc Viện nghiên cứu Chiến lược quốc tế) nói.

Ông lập luận rằng, khung thân và kiểu dáng là những vấn đề dễ dàng giải quyết nhất trong việc sản xuất UAV. Và do sự kém minh bạch thông tin, phía Trung Quốc cũng chỉ thường cung cấp những hình ảnh và mô hình thiết kế bên ngoài cho các chuyên gia.

Tuy nhiên chuyên gia Easton tin rằng, Trung Quốc đang trên con đường trở thành nhà cung cấp UAV hàng đầu thế giới.

“Trung Quốc đang phát triển một hệ thống không người lái tân tiến, bao gồm các UAV cho chiến lược tình báo, giám sát và trinh sát (ISR), có khả năng tấn công chính xác. Trong khi họ hầu như có các ưu thế xuất khẩu so với các quốc gia cạnh tranh,” ông Easton nói.

Như ông Hsu đã chỉ ra trong báo cáo của mình, một trong những nguyên nhân cho phép Trung Quốc tạo ra UAV với mức giá siêu rẻ (Dực Long chỉ có giá bằng 1/30 UAV MQ-1 Predator của Mỹ) là rất nhiều người phát triển chúng không làm việc trong các tập đoàn công nghiệp, họ nghiên cứu trong các cơ quan học viện.

Ví dụ như BZK-005 một UAV đa chức năng, bay tầm trung và có thời gian hoạt động dài đang phục vụ trong quân đội Trung Quốc. Đây là một sản phẩm của Đại học Hàng không vũ trụ Bắc Kinh.

Ngoài ra, Đại học Bách khoa Tây Bắc hay Tổ hợp Công nghiệp Tây An được biết đến là đơn vị nổi bật nhất và sung sức nhất trong việc thiết kế và phát triển các UAV, nắm giữ 90% thị trường UAV trong nước.

”Cho đến nay, cơ sở này đã cung cấp hơn 1.500 UAV cho quân đội Trung Quốc”, theo báo cáo của ông Hsu.




Anh Trần