Trung đoàn 923 là đơn vị Không quân tiêm kích đa năng thuộc Sư đoàn Không quân 371, Quân chủng Phòng không - Không quân. Từ năm 2011 đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp nhận, huấn luyện chuyển loại, khai thác sử dụng máy bay, trang bị khí tài hiện đại, chiến đấu cơ Su-30MK2. Với tinh thần nỗ lực quyết tâm, phát huy truyền thống, ý thức tự lực, tự cường, linh hoạt sáng tạo vươn lên chiếm lĩnh khoa học kỹ thuật hiện đại, đến nay 100% cán bộ phi công, nhân viên kỹ thuật của Trung đoàn đã làm chủ vững chắc trang bị khí tài mới; trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị từng bước được nâng cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Chúng tôi đến Trung đoàn 923 vào đầu giờ chiều một ngày cuối tháng 5, đỉnh điểm của đợt nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời có lúc lên đến 40 độ C, nắng như táp lửa xuống hệ thống đường băng, Trung tá Nguyễn Huy Tuấn, Chính ủy Trung đoàn 923 cùng đồng đội vừa kết thúc thành công ban bay cán bộ trở về, chia sẻ: Ban bay cán bộ như chúng tôi vừa hoàn thành được thực hiện vào từng thời điểm yêu cầu nhiệm vụ cụ thể theo chỉ thị của trên. Mục đích để đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm những vấn đề hạn chế, đồng thời cũng là dịp để truyền thụ kinh nghiệm và củng cố lòng tin đối với phi công trong các ban bay huấn luyện tiếp theo.
Su-30MK2 thuộc thế hệ máy bay với những tính năng hiện đại thế hệ mới, được trang bị vũ khí hiện đại có thể tác chiến độc lập. Để làm chủ được loại phương tiện, vũ khí, khí tài này đòi hỏi những yêu cầu cao hơn về năng lực của đội ngũ phi công và các thành phần bảo đảm khác. Vậy làm thế nào để đội ngũ phi công, cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật của đơn vị nhanh chóng làm chủ vững chắc trang bị khí tài, đảm nhiệm được nhiệm vụ bay huấn luyện và trực ban sẵn sàng chiến đấu?
|
Trao đổi trước giờ bay tập Su-30MK2. |
Đi tìm lời đáp cho câu hỏi này, chúng tôi được biết, thực hiện chủ trương của trên trước khi tiếp nhận trang bị khí tài mới, cùng với đội ngũ cán bộ được lựa chọn cử sang Liên bang Nga để đào tạo tập huấn, hàng trăm phi công, cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật của đơn vị cũng ngay lập tức được điều động vào Trung đoàn 935, Sư đoàn 370 để huấn luyện chuyển loại.
Nhận thức rõ yêu cầu nhiệm vụ cũng như vinh dự được khai thác sử dụng loại máy bay, trang bị khí tài hiện đại, toàn trung đoàn tưng bừng khí thế huấn luyện mới. Trên cơ sở những nội dung đã được tập huấn, cùng với những kinh nghiệm quý được truyền đạt từ chính những phi công dày dạn của Liên bang Nga, đội ngũ phi công, nhân viên chuyên môn kỹ thuật của Trung đoàn đã tiến hành huấn luyện chuyển loại theo đúng kế hoạch đã được đề ra. Bước sang năm 2012 Trung đoàn đã hoàn thành công tác huấn luyện chuyển loại. Qua kiểm tra, các lực lượng đều đã đáp ứng được yêu cầu giáo án đặt ra; năm 2013, từng bước đảm nhiệm được các nhiệm vụ trực ban chiến đấu ban ngày và ban đêm. Đội ngũ phi công, cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật và các thành phần bảo đảm đã nhanh chóng làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật. Qua các lần kiểm tra ném bom tập trung và phối hợp diễn tập cùng với các đơn vị đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; tổ chức diễn tập chỉ huy tham mưu hằng năm đều được đánh giá đạt loại giỏi.
Chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác huấn luyện nâng cao khả năng làm chủ phương tiện vũ khí khí tài của Trung đoàn 923, Đại tá Lê Đức Minh, Trung đoàn trưởng cho biết: Hằng năm, trên cơ sở chỉ lệnh huấn luyện của trên, trung đoàn đặc biệt chú trọng việc xây dựng kế hoạch huấn luyện đào tạo cán bộ chỉ huy bay. Riêng đối với đội ngũ phi công, căn cứ vào khả năng của từng người, đơn vị xác định ưu tiên đào tạo những phi công mũi nhọn. Từ những nhân tố này sẽ truyền đạt cho đội ngũ phi công trong toàn trung đoàn. Bên cạnh đó, trên cơ sở kế hoạch huấn luyện của trên, từng phi đội, biên đội cũng có kế hoạch cụ thể huấn luyện nhuần nhuyễn cho anh em các vấn đề về lý thuyết bay, kỹ thuật hàng không, công tác dẫn đường và ôn luyện những tình huống xử lý bất trắc...
Thiếu tá Phí Vinh Mạnh, Phi đội trưởng Phi đội 2 nêu kinh nghiệm, do nhiệm vụ đặc thù nên công tác huấn luyện của phi đội phải sát thực, gắn với công tác của người phi công khi vào buồng lái. Theo đó, cùng với việc giảng bình, đánh giá rút kinh nghiệm những điểm mạnh, điểm yếu cần khắc phục điều chỉnh sau mỗi ban bay thì công tác ôn luyện học tập mặt đất có ý nghĩ rất quan trọng. Yêu cầu đặt ra của công tác học tập mặt đất đối với mỗi phi công là phải thành thạo cách sử dụng buồng lái; cách mở, thử máy, cách thức xử trí một số tình huống trong quá trình cất, hạ cánh... Ở nội dung huấn luyện này, cán bộ huấn luyện cũng sẽ đưa ra một số tình huống bất trắc có thể xảy ra trong quá trình mở máy, triển khai bay, cất và hạ cánh, yêu cầu phi công trả lời và đưa ra phương án xử trí nhằm nâng cao khả năng nhạy bén trong các tình huống cho phi công.
Với phương châm “Không để hỏng hóc phát sinh”, “Không mang hỏng hóc lên không” và “Tất cả vì những chuyến bay an toàn”, những năm qua trung đoàn đã duy trì và thực hiện nghiêm ngặt các chế độ công tác bảo đảm cũng như thực hiện đúng các nguyên tắc, quy trình bay. Theo đó, trước mỗi ban bay, trên cơ sở chỉ thị của Trung đoàn trưởng về nội dung, số lượng ban bay và yêu cầu về công tác bảo đảm, đơn vị sẽ xây dựng kế hoạch; phi công và các bộ phận chuyên môn bắt tay vào làm công tác chuẩn bị.
Theo quy trình bay của Bộ đội không quân, trước mỗi ban bay sẽ có một chuyến bay trinh sát khí tượng do cán bộ từ Biên đội trưởng trở lên thực hành bay với mục đích kiểm tra các xu thế thời tiết khu vực sân bay, đường bay, khu sân bay dự bị; khả năng làm việc của các phương tiện ra đa và các yếu tố ảnh hưởng đến việc cất hạ cánh... Sau khi thực hành bay trinh sát xong, tất cả các thành phần sẽ tham dự hội nghị trước khi bay. Trên cơ sở báo cáo của phi công khí tượng, các thành phần bảo đảm... chỉ huy bay sẽ kết luận và ra chỉ thị các yêu cầu trong ban bay.
“Quy trình tiếp theo, chỉ huy bay giao nhiệm vụ cho các phi công thống nhất nguyên tắc thứ tự các bước mở máy, phương án xử trí bất trắc có thể xảy ra, công tác bảo đảm an toàn trên không và mặt đất, tiến hành cất cánh theo kế hoạch. Trong quá trình bay, căn cứ vào phương án chỉ huy, quy chế, điều lệnh bay; giáo trình huấn luyện chiến đấu, sơ đồ bài bay... chỉ huy bay tiến hành điều hành ban bay theo kế hoạch đã được phê chuẩn, bảo đảm sự khoa học, chặt chẽ...” Đại tá Lê Đức Minh dẫn giải.
“Kết thúc mỗi ban bay, một trong những khâu quan quan trọng luôn được Đảng ủy, Chỉ huy trung đoàn chú trọng chỉ đạo, đó là công tác giảng bình: Ở khâu này, người chỉ huy bay sẽ có những đánh giá, nhận xét tỉ mỉ về điểm mạnh, điểm yếu của từng chuyến bay; chất lượng thao tác xử trí tình huống các bài tập; công tác nắm bắt tình hình khí tượng và chất lượng cất, hạ cánh... Từ đó, có kết luận và điều chỉnh, rút kinh nghiệm cho những ban bay huấn luyện kế tiếp...” - Trung tá Nguyễn Huy Tuấn, Chính ủy Trung đoàn 923 khẳng định.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, lãnh đạo tốt công tác tư tưởng và thực hiện đúng nguyên tắc quy trình bay, đến nay Trung đoàn Không quân 923 đã đảm nhiệm tốt nhiệm vụ trực chiến cấp 2 ngày, đêm; tham gia các cuộc diễn tập do Quân chủng và Sư đoàn tổ chức đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Từ năm 2011 đến nay, đơn vị đã tiến hành bay được hơn 200 ban ngày; 58 ban đêm và 22 ban hỗn hợp, đồng thời tổ chức bay nhiệm vụ gần 200 lần bảo đảm an toàn. Với những thành tích trong huấn luyện và xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, từ năm 2010 đến năm 2013 đơn vị liên tục đạt danh hiệu đơn vị Quyết thắng; năm 2013 và năm 2014 được Quân chủng Phòng không-Không quân tặng Cờ đơn vị huấn luyện giỏi.
Theo báo Quân đội Nhân dân