Trong một số tài liệu sách, báo, người ta hay viết đơn giản là “tên lửa SAM-2 bắn hạ pháo đài bay B-52”. Cách viết như vậy khiến nhiều người lầm tưởng SAM-2 chỉ đơn thuần là tên một quả tên lửa.
Thực tế thì không phải như vậy, SAM-2 (tên của NATO, còn Liên Xô đặt là S-75 Dvina) là tên của hệ thống tên lửa phòng không gồm nhiều thành phần khác nhau như bệ phóng, radar điều khiển, radar trinh sát/giám sát, hệ thống chỉ huy thống nhất, các hệ thống hỗ trợ đi kèm. Ngoài ra, hệ thống tên lửa như vậy cũng sẽ được trang bị nhiều loại đạn tên lửa khác nhau có thể tiêu diệt mục tiêu ở các cự ly khác nhau.
Ngay từ các thế hệ tên lửa phòng không S-75 Dvina (NATO gọi là SA-2), S-125 Pechora (NATO gọi là SA-3) thì Liên Xô đã thiết kế cho các hệ thống nhiều loại đạn khác nhau, với cự ly bắn khác nhau để phù hợp trong điều kiện tác chiến đánh địch khác nhau. Đến đời S-300PMU1 cũng vậy, hệ thống được thiết kế để bắn nhiều loại đạn tên lửa từ tầm gần tới tầm xa.
|
Các xe điều khiển, radar, bệ phóng hệ thống S-300PMU1 thuộc Tiểu đoàn tên lửa 64 hành quân.
|
S-300PMU1 (NATO định danh là SA-20 Gargoyle) do Nga thiết kế phát triển từ thế hệ S-300P dùng cho mục đích xuất khẩu, giới thiệu lần đầu năm 1999. Đầu những năm 2000, Việt Nam đã ký hợp đồng trị giá gần 300 triệu USD để mua về 2 tiểu đoàn S-300PMU1, mỗi tiểu đoàn được biên chế một hệ thống tên lửa.
Hệ thống S-300PMU-1 được xuất khẩu cho Việt Nam có thể trang bị tới 3 loại đạn gồm: 5V55R, 48N6E và 48N6E2. Trong đó, đạn tên lửa phòng không 5V55R ra mắt năm 1978, dài 7m, đường kính thân 450m, nặng tối đa 1,45 tấn, lắp đầu nổ nặng 133kg, tầm bắn xa 90km, tốc độ hành trình 1.700m/s. Đạn tên lửa lắp đầu tự dẫn radar bán chủ động.
Đạn 48N6E ra mắt năm 1992, dài 7,5m, đường kính thân 500mm, nặng tối đa 1,78 tấn, lắp đầu nổ nặng 150kg, đạt tầm bắn xa đến 150km, tốc độ độ hành trình 2.000m/s. Còn đạn 48N6E2 có kích thước tương đương nhưng nặng hơn một chút 1,8 tấn, tầm bắn tăng lên 195km.
Hai loại đạn này dùng kiểu dẫn đường TVM (track-via-missile) hoạt động như sau: Radar của đạn tên lửa bắt bám mục tiêu ở pha cuối bằng cách thu sóng dội từ mục tiêu bị đài mặt đất chiếu xạ, rồi truyền phần tử mục tiêu về đài điều khiển mặt đất, đài kiểm soát bắn mặt đất sẽ tính toán và hiệu chỉnh các tham số về mục tiêu và truyền lệnh điều khiển vô tuyến đến tên lửa.
|
Bệ phóng S-300PMU1.
|
Theo một số nguồn tin thì S-300PMU-1 có thể sử dụng 2 loại tên lửa mới là: 9M96E (tầm bắn 40km) và 9M96E2 (tầm bắn 120km). Hai loại đạn này đều có kích thước, trọng lượng nhỏ, lắp đầu nổ nặng 24kg, nhưng dùng công nghệ đầu tự dẫn radar chủ động tiên tiến (ở cự ly nhất định, radar tên lửa sẽ tự quét, tìm và khóa mục tiêu mà không cần có sự can thiệp từ đài điều khiển).
Tuy thông số là như vậy, nhưng việc S-300PMU-1 xuất khẩu cho Việt Nam có trang bị đầy đủ các loại đạn trên không còn phụ thuộc vào Việt Nam. Theo thông tin mà báo Quân đội Nhân dân công bố thì nhiều khả năng Việt Nam chỉ trang bị cho S-300PMU-1 đạn tên lửa đối không 48N6E đạt tầm bắn xa đến 150km, cũng có thể là có cả 5V55R.
Hoàng Lê