“Tàu ngầm động cơ diesel-điện thứ 3 thuộc Project 636 Varshavyanka mang tên HQ-184 Hải Phòng sẽ được đưa tới căn cứ Cam Ranh của
Hải quân Nhân dân Việt Nam vào cuối năm 2014”,
Interfax-AVN cho biết.
“Ở thời điểm hiện tại, trên chiếc thứ 3 của lô hàng xuất khẩu đang tiến hành hoàn thiện chương trình thực hành trên biển của thủy thủ đoàn bên đặt hàng (tức là thủy thủ Việt Nam). Đó đã là giai đoạn đào tạo trên biển thứ hai. Giai đoạn đầu đã diễn ra thành công từ ngày 1 đến 20/7 trong khu vực đảo Hogland. Trong giai đoạn đầu, tàu đã ở dưới lòng nước 57 giờ”, người đối thoại của hãng tin cho hay.
Theo ông này, ngày 20/8, tàu sẽ quay trở lại nhà máy và 10 ngày sau đó lại ra biển một lần nữa. “Tàu sẽ được chuyển giao cho khách hàng vào tháng 11”, ông nói.
|
Tàu ngầm HQ-182 Hà Nội trên mặt nước vịnh Cam Ranh.
|
Trước đó, vào tháng 3/2014,
tàu ngầm HQ-184 Hải Phòng đã được bàn giao kỹ thuật tại nhà máy Admiralty Verfi.
Cũng theo nguồn tin, chiếc tàu ngầm Kilo thứ 4 đóng cho Việt Nam gần đây vừa bắt đầu các cuộc thử nghiệm trên biển cấp nhà máy. Theo kế hoạch, thân của chiếc tàu thứ 5 và thứ 6 đang được xây dựng. “Việc hạ thủy chiếc thứ 6 của lô hàng này được lên kế hoạch thực hiện vào tháng 9/2015”, người đối thoại của hãng tin thông báo.
Hợp đồng cung cấp 6 tàu ngầm phi hạt nhân Project 636 Varshavyanka (NATO định danh là Kilo) được Nga và Việt Nam ký kết trong năm 2009, với tổng giá trị khoảng 2 tỷ USD. Trong đó bao gồm cả việc đào tạo thủy thủ đoàn và cung cấp các trang thiết bị cần thiết.
Project 636 Varshavyanka là biến thể cải tiến từ mẫu Project 877 Paltus (NATO định dung chinh là Kilo) với công nghệ mới tăng tính tàng hình, mở rộng tầm chiến đấu và khả năng tấn công mọi mục tiêu trên mặt đất, mặt nước và dưới mặt nước.
Tàu ngầm Project 636 có lượng giãn nước toàn tải 4.000 tấn, dài 74m, rộng 9,9m, thủy thủ đoàn 52 người. Lớp tàu xuất khẩu cho Việt Nam được tích hợp thêm một số công nghệ mới trong bảo đảm sự sống cho thủy thủ đoàn.
Project 636 thiết kế với 6 ống phóng ngư lôi cỡ 533mm cho phép phóng nhiều loại ngư lôi (cơ số tối đa 18 quả), thủy lôi (tối đa 24 quả) và đặc biệt nhất là
tên lửa hành trình tấn công đa năng Klub-S (với 4 kiểu loại đạn chống tàu mặt nước, đối đất và chống tàu ngầm).
Các tàu ngầm xuất khẩu cho Việt Nam cũng trang bị hệ thống điện tử rất hiện đại, ví dụ như hệ thống định vị thủy âm kỹ thuật số MGK-400EM có khả năng phát hiện ngư lôi, tàu ngầm, tàu mặt nước ở cự ly xa.
Hoàng Lê (Theo VOR)