Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu đã diễn ra trang trọng, hoành tráng tại sân vận động TP Điện Biên vào sáng ngày hôm nay.
Trong lễ kỷ niệm, có lẽ đây là một trong những lần diễu binh xuất hiện nhiều chủng loại vũ khí cá nhân nhất sử dụng trong các Lực lượng Vũ trang Việt Nam. Từ những vũ khí huyền thoại một thời như tiểu liên PPSh-41 cho đến những khẩu súng hiện đại hàng đầu đang được các lực lượng đặc biệt nhiều nước sử dụng như MP5. Đáng chú ý đây là lần đầu tiên xuất hiện thêm một đại diện đến từ Mỹ sau khi có sự xuất hiện của khẩu M18 kể từ lễ diễu binh mừng 1.000 Thăng Long, đó là khẩu M1 Carbine.
Dưới đây là thông tin các loại súng xuất hiện trong lễ diễu binh:
1. PPSh-41
PPSh-41 (Pistolet-Pulemyot Shpagina obrazet 1941 - Súng tiểu liên của Shpangin kiểu năm 1941) là súng tiểu liên được kỹ sư Georgi Shpagin (Liên Xô) thiết kế. Súng được chấp nhận trang bị năm 1941 và là súng tiểu liên tiêu chuẩn của Hồng quân Liên Xô trong Chiến tranh Thế giới thứ 2.
|
Khối các chiến sĩ Điện Biên khoác trên vai khẩu PPSh-41. Ảnh: báo QĐND
|
Cũng có thể coi đây là một phiên bản đơn giản hóa, tối ưu hóa của khẩu súng tiểu liên do Thiếu tướng - kỹ sư Vasily Degtyaryov thiết kế năm 1934 (cải tiến vào năm 1940 trở thành khẩu PPD-40).
PPSh-41 với thiết kế máy lùi, bắn khi khóa nòng hở, sử dụng đạn 7,62×25mm của súng ngắn Tokarev TT-33 đã trở thành súng tiểu liên tiêu chuẩn của Hồng quân Liên Xô khi đó.
Thông số kỹ thuật
Quốc gia: Liên Xô
Năm trang bị: 1941
Cỡ đạn: 7,62×25mm Tokarev
Khối lượng: 3,67 kg đầy đạn, 3,04 kg chưa đạn
Chiều dài: 843mm
Tốc độ bắn: 500-600 viên/phút
Băng đạn: 71 viên, 35 viên
Tầm hiệu quả: 200m
2. PPS-43
PPS (tiếng Nga: ППС, Пистолет-пулемётСудаева, Pistolet-pulemjot Sudaeva, Súng tiểu liên của Sudaev) là loại súng tiểu liên do nhà thiết kế Alexei Sudayev phát triển sử dụng loại đạn 7.62x25mm Tokarev. Đây là loại vũ khí được chế tạo với tiêu chí rẻ, dễ chế tạo và bền để viện trợ và trang bị cho các lực lượng trong các khu vực đồng minh, các tổ lái xe và lực lượng vận chuyển quân nhu.
|
Khối dân quân tự vệ khoác trên vai khẩu PPS-43.
|
Hai mẫu chính của loại súng này là PPS-42 và PPS-43 được sử dụng rất nhiều ở các đơn vị của Hồng quân trong suốt Chiến tranh Thế giới thứ 2. Sau đó, cùng với các phiên bản khác loại súng này được sử dụng rộng rãi trong tất cả các nước thuộc khối Warszawa cũng như nhiều nước châu Phi và châu Á (tất nhiên là gồm cả Việt Nam).
Tiểu liên PPS-43 (Pistolet-Pulemet Sudaeva, model of 1943 nghĩa là Tiểu liên Sudaev phiên bản năm 1943) được thiết kế nhằm đáp ứng cho yêu cầu tìm kiếm một loại vũ khí mới cơ động và gọn nhẹ hơn loại súng tiểu liên PPSh-41 cho Hồng quân Liên Xô. PPSh-41 trong một chừng mực nào đó là quá dài cho lính xe tăng, lính trinh sát hay lính dù, do đó cuối năm 1941 Hồng quân đã ra yêu cầu súng mới phải gọn nhẹ hơn.
Thông số kỹ thuật
Quốc gia: Liên Xô
Năm sản xuất:
Cỡ nòng: 7,62x25 mm TT
Khối lượng: 3,67 kg đầy đạn, 3,04 kg chưa đạn
Chiều dài (Báng gấp/mở): 615/831 mm
Chiều dài nòng: 250 mm
Tốc độ bắn: 500-600 viên/phút
Băng đạn: 35 viên
Tầm hiệu quả: 200m
3. M1 Carbine
Súng trường bán tự động M1 Carbine (hay còn được gọi ngắn gọn là Cạc bin ở Việt Nam) là một trong những khẩu súng trường bán tự động nhỏ, gọn, nhẹ và dễ sử dụng nhất thế giới. M1đã trở thành một trong những khẩu súng thông dụng nhất của quân đội Mỹ trong suốt Chiến tranh Thế giới thứ 2, Chiến tranh Triều Tiên. Nhưng đến năm 1965, M1 Carbine và M1 Garand đã dần được thay thế bằng súng trường M16 và AR-15.
|
Nữ dân quân tự vệ miền Nam với khẩu M1 Carbine.
|
Trong chiến tranh Đông Dương, lính dù và lính bộ binh Pháp cũng đã dùng khẩu M1 Carbine cùng với biến thể M1A1.
Sau khi đánh thắng Pháp, Quân đội nhân dân Việt Nam đã tịch thu và sử dụng lại để tiếp tục chiến đấu với quân đội Mỹ-VNCH trong Chiến tranh Việt Nam.
Thông số kỹ thuật
Quốc gia: Mỹ
Năm thiết kế: 1938
Cỡ nòng: 7,62x25 mm TT
Khối lượng: 3 kg đầy đạn, 2,5 kg chưa đạn
Chiều dài (Báng gấp/mở): 615/831 mm
Tốc độ bắn: 120 viên /phút
Băng đạn: 15 viên, 30 viên
Tầm hiệu quả: 300m
4. CKC
CKC (tên viết đầy đủ là Самозарядный карабин системы Симонова trong tiếng Nga, nghĩa là súng trường nạp đạn tự động cơ cấu Simonov) là loại súng trường bắn đạn cỡ 7,62x39 mm (chung cỡ đạn với súng AK-47 và RPD).
CKC được Sergei Gavrilovich Simonov (1894-1986) thiết kế và được thử nghiệm trên chiến trường trong giai đoạn cuối của Chiến tranh thế giới thứ 2, sau này được sử dụng rộng rãi trong Chiến tranh Triều Tiên và Chiến tranh Việt Nam.
|
Đội nghi lễ với khẩu CKC. Ảnh: báo Tiền Phong
|
Dù đã có tuổi đời rất cao, CKC vẫn được sử dụng trong quân đội nhiều nước. Tại Việt Nam, súng bắt đầu được viện trợ từ năm 1960 và hiện nay vẫn được trang bị cho dân quân tự vệ.
CKC là loại súng lên đạn tự động sử dụng nguyên tắc trích khí từ phát bắn trước nên được gọi là súng trường bán tự động (gần giống với súng M1 Garand của Mỹ). Khi xạ thủ bắn phát đầu tiên, viên đạn đi qua nòng súng kèm khí đẩy của thuốc phóng, sẽ có một bộ phận trích khí sử dụng khí thuốc đẩy lùi bệ khóa nòng giúp đưa viên đạn thứ 2 lên nòng, và chỉ cần nháy cò để thực hiện phát bắn tiếp theo, thay vì phải kéo bệ khóa nòng như các súng trường bắn phát một.
Thông số kỹ thuật
Quốc gia: Liên Xô
Năm thiết kế: 1938
Cỡ nòng: 7,62x39 mm
Khối lượng: 3 kg đầy đạn, 2,5 kg chưa đạn
Chiều dài: 615/831 mm
Tốc độ bắn: 40 viên /phút
Băng đạn: 10 viên
Tầm hiệu quả: 100-1000 m
5. M18
Vẫn còn nhiều bí ẩn xung quanh khẩu súng mà Việt Nam gọi là M18. Tuy nhiên qua những so sánh thực tế, có thể thấy rằng mẫu súng này chính là khẩu XM177E2 mà biệt kích Mỹ và VNCH dùng trong chiến tranh, bộ đội ta thu giữ được số lượng (không xác định) sau 1975.
|
Khối chiến sĩ đặc công với khẩu M18.
|
Khẩu Colt 629 Comando thuộc họ CAR 15 được thiết kế riêng với những cải tiến như rút ngắn độ dài, có thêm loa che lửa và nhẹ hơn so với M16 để phù hợp với lực lượng đặc nhiệm và biệt kích.
Sau khi thử nghiệm thành công, súng được đặt tên mới là XM177E2 và được đưa vào chiến trường Việt Nam năm 1966. Cùng với các chiến lợi phẩm chiến tranh khác, khẩu súng XM177E2 đã được ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam cải tiến và tái trang bị cho lực lượng đặc công và cảnh sát biển.
Với những ưu thế như nhẹ, bắn nhanh và chính xác, điều đó sẽ là lợi thế cho các chiến sĩ trong tình huống tác chiến trong không gian chật hẹp, và đòi hỏi tính linh hoạt cao của người lính.
Thông số kỹ thuật
Quốc gia: Mỹ
Năm trang bi: 1966
Cỡ nòng: 5,56 x45 mm
Khối lượng: 2,5 kg chưa lắp thêm phụ kiện
Chiều dài: 615/831 mm
Tốc độ bắn: 750 viên /phút
Băng đạn: 20 viên, 30 viên
Tầm hiệu quả: 300 m
6. MP5
MP5 là súng tiểu liên 9mm được thiết kế, phát triển vào thập niên 1960 bởi nhóm kỹ sư thuộc nhánh công xưởng Tây Đức của Heckler & Koch GmbH (H&K).
MP5 lần đầu tiên được giới thiệu năm 1966 với tên gọi là HK54. Tên MP5 xuất phát từ Maschinenpistole 5 (súng tiểu liên mẫu số 5). Do sự thành công của mẫu G3, công ty H&K quyết định phát triển 4 nhóm súng với cỡ đạn khác nhau (dựa trên thiết kế mẫu G3): 7,62x51mm NATO; 7,62x39mm M43; 5,56x45mm NATO; 9x19mm Parabellum. Khẩu MP5 là mẫu thứ tư, có tên ban đầu là HK54.
|
Khối cảnh sát cơ động khoác trên vai khẩu MP5.
|
MP5 là khẩu súng có uy lực bắn vừa phải nhưng bù lại nó có độ giật thấp khi bắn tốc độ bắn nhanh, nhỏ gọn, nhẹ tiện lợi và có thể lắp thêm phụ kiện như ống hãm thanh, kính ngắm laser... nên khẩu tiểu liên này rất được các đội đặc nhiệm nổi tiếng trên thế giới ưa dùng như đặc nhiệm Hải quân Mỹ Navy SEAL, đặc nhiệm SWAT (Mỹ), Hiến binh Pháp (GIGN), đặc nhiệm GSG-9 (Đức).
Việt Nam cũng không phải ngoại lệ, khi một số lực lượng cảnh sát đặc nhiệm cũng được trang bị mẫu MP5K (phiên bản rút gọn của MP5) và MP5A3.
Thông số kỹ thuật
Quốc gia: Đức
Năm trang bị: 1966
Cỡ nòng: 9 x 19 mm
Khối lượng: 2,54 kg
Chiều dài: 680 mm
Tốc độ bắn: 800 viên /phút
Băng đạn:30 viên
Tầm hiệu quả: 200 m
Việt Hùng