Gần đây, truyền thông Nga đã đưa tin về việc Cục thiết kế phương Bắc (SPKB, Nga) đang sửa chữa, đại tu và nâng cấp chiếc tàu tên lửa BPS-500 duy nhất mang số hiệu HQ-381 cho Hải quân nhân dân Việt Nam.
Câu hỏi được đặt ra là tại sao dự án BPS-500 bị chấm dứt sớm chỉ với 1 chiếc được đóng, tại sao với thời hạn phục vụ chưa lâu mà BPS-500 đã phải tiến hành nâng cấp sửa chữa lớn và sức mạnh của BPS-500 sau khi nâng cấp sẽ như thế nào?
Để trả lời những câu hỏi này, Kiến Thức xin giới thiệu một số thông tin thêm về quá trình thiết kế chế tạo BPS-500 dựa theo tài liệu nước ngoài:
Dùng công nghệ mới nhưng lại tạo ra nhược điểm
BPS-500 là dự án hợp tác đóng tàu quân sự giữa Nga và Việt Nam, trong đó đại diện phía Nga là Cục thiết kế phương Bắc (SPKB). Trong dự án này, SPKB đã tham gia thiết kế tàu hộ tống tên lửa BPS-500 theo yêu cầu của Hải quân Việt Nam.
|
Tàu tên lửa BPS-500 chạy thử nghiệm.
|
Chiếc tàu tên lửa BPS-500 đầu tiên được chế tạo tại nhà máy đóng tàu Ba Son với sự hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp trang thiết bị, linh kiện phụ tùng từ Nga. Tháng 3/1999, BPS-500 được đóng hoàn chỉnh, hạ thủy và trải qua quá trình thử nghiệm trên biển. Tàu được đóng theo công nghệ module tiên tiến với bề mặt góc cạnh nhằm tăng khả năng tán xạ radar. Điểm đặc biệt của tàu là không sử dụng chân vịt như truyền thống mà sử dụng hệ thống đẩy pump-jet cho khả năng vận hành tốt hơn ở vùng nước nông, khả năng cơ động cao hơn nhiều khi kết hợp với vòi phụt chỉnh hướng và độ ồn khi vận hành giảm đáng kể so với chân vịt thường.
Hệ thống vũ khí của tàu cũng khá mạnh với 8 tên lửa Kh-35 Uran-E, pháo hạm AK-176M và pháo phòng không cao tốc AK-630M.
|
Hệ thống đẩy pump-jet trên BPS-500.
|
Tuy nhiên, sau khi hoàn thành chiếc đầu tiên thì BPS-500 đã không được tiếp tục triển khai đóng thêm một chiếc nào nữa. Nguyên do được cho là nằm ở một số nhược điểm trong quá trình thiết kế chế tạo, điển hình là hệ thống động lực Pump-Jet khiến chi phí đóng tàu bị đẩy lên cao, chế tạo phức tạp hơn và vận hành thiếu ổn định, hiệu suất kém khi chạy tải thấp (chỉ nên chạy ở tốc độ cao). Bên cạnh đó kết cấu thân tàu cũng bị đánh giá là có khả năng chịu sóng gió không tốt, không thích hợp khi triển khai tại những vùng biển xa.
Đây thực chất không phải là lỗi của BPS-500 mà chỉ là hạn chế chung của việc sử dụng pump-jet thay vì chân vịt, những hạn chế tương tự cũng được ghi nhận trên tàu tên lửa cao tốc lớp Gumdoksuri của Hàn Quốc.
Hướng nâng cấp BPS-500
Vậy BPS-500 sau khi được nâng cấp sẽ có diện mạo như thế nào? Nhiều ý kiến hy vọng rằng tàu sau khi sửa chữa sẽ mang được vũ khí chống hạm mạnh hơn cùng hệ thống phòng không tiên tiến nhưng có lẽ đó chỉ là giấc mơ. Nếu Hải quân Việt Nam có ý định thực hiện việc này thì sẽ phải tiến hành trên 2 chiếc Molniya mới đóng, không phải để dành cho chiếc tàu khiếm khuyến.
|
Một hình đồ họa về gói nâng cấp BPS-500 với pháo hạm mới, tuy nhiên điều này khó có thể xảy ra.
|
Khả năng cao nhất có thể xảy ra là đi kèm với việc bảo dưỡng động cơ, thân vỏ, BPS-500 sẽ được nâng cấp hệ thống điện tử, radar cùng phần mềm điều khiển cho khả năng bắn tốt hơn khi đang chạy.
Nếu BPS-500 được nâng cấp, sửa chữa theo đúng dự đoán trên thì vẫn chưa thể so sánh với những chiếc Molniya đang phục vụ trong biên chế Hải quân nhân dân Việt Nam.
Tuy nhiên việc sửa chữa, nâng cấp là cần thiết để BPS-500 thực hiện được đúng chức năng của một chiếc chiến hạm như kỳ vọng ban đầu.
Dương Phạm