Thông tin Việt Nam mua máy bay thay MiG-21 vừa được tờ báo Mỹ Reuters tiết lộ trong một bài phân tích hôm 5/6.
Theo Reuters, cách đây không lâu, các thảo luận về việc mua các máy bay không xác định đã được tiến hành giữa Việt Nam với các nhà thầu như Saab của Thụy Điển, Eurofighter, Airbus Group của châu Âu, cùng các hãng Lockheed Martin Corp và Boeing của Mỹ.
Những tháng gần đây, các nhà thầu quốc phòng trên cũng đã tiến hành nhiều cuộc thăm làm việc với Việt Nam. Mặc dù các hợp đồng giao dịch không được tiết lộ chi tiết do những lý do nhạy cảm. Tuy nhiên, một số nguồn tin cho hay, các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra.
|
Máy bay tuần tra biển SC-130J Sea Hercules của Mỹ.
|
Một nhà thầu phương Tây cho biết, Việt Nam đã muốn hiện đại hóa và thay thế hơn 100 máy bay già cỗi MiG-21 Nga, và giảm sự phụ thuộc vào Moscow trong việc cung cấp vũ khí cho đội quân hùng hậu 480.000 binh sĩ.
Mặc dù trước đó Việt Nam được cho là đã đặt hàng chục chiếc chiến đấu cơ tiền tuyến Sukhoi Su-30 từ Nga để bổ sung cho phi đội Su-27 và Su-30 đời cũ hơn. Nhưng nhà thầu phương Tây cho rằng, họ đã nhận thấy “những dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào Nga. Cùng với đó là sự gia tăng quan hệ với Mỹ và châu Âu để thực hiện việc cung cấp vũ khí”, nhà thầu giấu tên cho biết trên Reuters.
Trước đó, trong chuyến thăm Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã cam kết cấp gói hỗ trợ 18 triệu USD để giúp Việt Nam mua các tàu tuần tra của Mỹ. Song điều đáng quan tâm ở chỗ, có thể sẽ có những hợp đồng đến từ phía Lockheed hoặc Boeing có thể được thực hiện kể từ khi chính quyền Washington gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam trong tháng 10/2014.
Hãng Boeing trong một email trả lời phỏng vấn của tờ Reuters cho hay, hãng này tin có khả năng cung cấp cho Việt Nam những nền tảng trinh sát, tình báo đáp ứng được các nhu cầu hiện đại hóa của Việt Nam. Nhưng đó là những nền tảng cụ thể nào thì Boeing không tiết lộ.
Phía Lockheed và Saab đã từ chối bình luận về những thông tin trên. Còn hãng Eurofighter và Airbus cũng không đưa ra bất cứ phản ứng nào đối với thông tin này.
|
Tiêm kích Gripen của Thụy Điển.
|
Về phía Việt Nam, khi được Reuters phỏng vấn, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết sẽ gửi các câu hỏi về những vấn đề thảo luận mua bán máy bay tới các cơ quan có thẩm quyền và không có chi tiết chính thức nào được tiết lộ.
Tuy nhiên, theo các nguồn tin riêng của Reuters dự đoán rằng, Việt Nam được tin đang thảo luận mua tiêm kích thế hệ thứ tư Gripen E, cũng như Saa 340 được thiết kế các hệ thống cảnh báo sớm trên không và thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên biển.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng được cho đã thảo luận mua các chiến đấu cơ Typhoon của Eurofighter, cũng như loại tiêm kích hạng nhẹ F/A-50 do Tập đoàn công nghiệp Hàng không Hàn Quốc và Lockheed, Mỹ cùng phát triển. Thậm chí, phía Lockheed đã tiến hành các cuộc thảo luận với Việt Nam về máy bay Sea Hercules, một phiên bản tuần tra trên biển của máy bay vận tải C-130.
Trong khi đó, phía Boeing cũng đã muốn bán các máy bay trinh sát hàng hải, bao gồm cả loại máy bay trinh sát đỉnh cao P-8 Poseidon, mặc dù nó có thể không được tích hợp các khả năng chống ngầm. Việt Nam cũng được cho đã tìm kiếm mua các máy bay trinh sát không người lái do phương Tây và châu Á sản xuất.
Thực tế trong những năm gần đây, Việt Nam đã mua các máy bay từ phương Tây. Cụ thể như những chiếc thủy phi cơ Twin Otter từ Canada và các máy bay tuần tra trên biển CASA C-212 cũng như các máy bay vận tải C-295 của Airbus. Thậm chí, Reuters dẫn từ một nguồn tin cho biết, Airbus cũng đang tiến hành các cuộc đàm phán cung cấp các hệ thống cảnh báo sớm và tuần tra trên biển cho cả C-295.
Các chuyên gia phân tích dự đoán, rất có thể Việt Nam sẽ tìm cách cân bằng xu hướng thiên về vũ khí phương Tây, bằng việc chọn mua cả tiêm kích Gripen E của Thụy Điển. Đây là loại máy bay có giá thành hợp lý và hiệu quả, có thể tích hợp cả hệ thống cảnh báo sớm và tuần tra trên biển.
Văn Biên