Hỏi trung đoàn trưởng - đại tá Trần Văn Dũng, anh cho biết: nét mới trong công tác đào tạo phi công Su-30MK2 là trung đoàn đã tiếp nhận, đào tạo các phi công vừa tốt nghiệp qua thẳng Su-30MK2 chứ không phải học chuyển loại như trước đây.
“Ngôi sao” thế hệ 8X
Sinh năm 1988, cao 1,79m, Trần Thanh Luân đã tốt nghiệp thủ khoa Học viện Phòng không không quân với số điểm “khủng” (8.6 - cao nhất từ ngày thành lập học viện).
Khi Luân ra trường, khóa của cậu là khóa tốt nghiệp đầu tiên được Bộ Quốc phòng chọn và tuyển thẳng từ máy bay L-39 lên Su-30MK2, thay vì tuyển chọn những phi công đã có kinh nghiệm, trải qua ít nhất 3 - 4 loại máy bay như trước đây.
Luân là 1 trong 6 phi công xuất sắc được chọn cho khóa đầu tiên này và được gửi về đào tạo tại trung đoàn 935 - nơi hội tụ những phi công hàng đầu về Su-30MK2.
Đến nay, trung đoàn đang đào tạo lứa phi công thứ ba thẳng từ L-39 lên. “Cũng vì khóa tôi bay tốt nên Bộ Quốc phòng mới tiếp tục. Giờ đã có khóa 2 và khóa 3” - Luân cho hay.
Người thầy đầu tiên của Luân ở trung đoàn 935 là đại tá Nguyễn Xuân Tuyến - khi đó đang là trung đoàn trưởng.
|
Nụ cười tỏa nắng của phi công trẻ Trần Thanh Luân. |
Đại tá Nguyễn Xuân Tuyến là một trong những phi công chiến đấu hàng đầu của Không quân Việt Nam. Thầy nào, trò nấy. Luân tiếp thu rất nhanh. Những bài bay phức tạp, những khoa mục quan trọng bước đầu đều được Luân chinh phục, vượt qua.
“Đam mê thì không có gì khó. Hơn nữa ở đây tôi may mắn được học với những phi công kiệt xuất. Thầy giỏi chắc chắn trò không dốt được. Bao nhiêu kinh nghiệm trong cả đời bay thầy truyền hết cho tôi. Về đây, tôi đã trưởng thành và bản lĩnh hơn” - Luân tự tin nói.
Còn rất trẻ, với 150 giờ bay tích lũy trên Su-30MK2 nhưng Luân đã được phép tham gia bay đêm.
Chàng trai quê Hà Tĩnh chia sẻ: “Mỗi chuyến bay tôi luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Có những bài bay, ngoáy một cái đang ở độ cao 6.000m đã xuống 2.000m, nếu không rèn luyện thể lực tốt là nôn ngay. Có người phải xin dừng bay. Tôi chưa bị nôn lần nào.
Mỗi một chuyến bay tiêu tốn rất nhiều tiền của, cả quân chủng theo dõi, hàng ngàn con người phục vụ một ban bay. Trách nhiệm rất nặng nề, sẽ không hoàn thành nếu không có sức khỏe. Tôi luôn cố gắng rèn luyện để khi Tổ quốc cần thì sẵn sàng lên đường, bay được tất cả các nhiệm vụ”.
Điều khá thú vị là sau khi hoàn thành xuất sắc khóa đào tạo tại trung đoàn 935, đã được đưa về trung đoàn bay khác nhưng Luân xin được quay lại nơi này.
“Ở đây tôi được bay nhiều, sẽ trưởng thành và bản lĩnh hơn. Ngày nào không được bay, tôi thấy rất nhớ bầu trời, nhớ máy bay” - Luân giải thích.
Chàng trai này chưa phải là phi công trẻ nhất ở căn cứ của “Hổ mang chúa” Su-30MK2. Những phi công ở khóa thứ 2, thứ 3 đều là dân 9X. Người trẻ nhất mới 22 tuổi.
Giấc mơ bầu trời
Hôm chúng tôi đến, trung úy Bùi Văn Lập (24 tuổi) được thầy Phan Xuân Tình kèm bay biên đội thực hiện bài “biên đội công kích mục tiêu trên không”.
Đây là lần đầu tiên Lập thực hiện bài bay này. Lập là một trong những phi công 9X được đánh giá tốt: tiếp thu rất nhanh, bản lĩnh khi ở trên không. Cũng như nhiều phi công học viên khác, trong những bài thực hành bay, Lập luôn luôn có thầy bay kèm.
Thầy ngồi ghế sau, sẵn sàng can thiệp vào tất cả hành động của học viên để đảm bảo an toàn nếu như học viên có những xử lý chưa chuẩn xác.
Còn phi công Hoàng Đình Trung (22 tuổi) thì mới được thầy Trần Văn Dũng (trung đoàn trưởng) bay kèm dạy bài số 2 (bay vòng kín, tập cất hạ cánh). Kỹ thuật cất hạ cánh là khoa mục thực hành lái khó nhất, động tác phải xử lý gần như bằng cảm giác.
Với tốc độ hạ cánh khoảng 300 km/giờ, đòi hỏi phi công phải đưa được máy bay tiếp đất êm nhất có thể. Nhiều phi công đã được bay hàng chục lần trên không nhưng trầy trật mãi vẫn không qua được khoa mục này.
Trong số hàng chục phi công 9X, trung úy Hà Văn Minh là một trường hợp khá đặc biệt. Gia cảnh khó khăn, tốt nghiệp cấp III xong, cậu học trò người Quảng Bình không thi đại học mà đi nghĩa vụ quân sự (năm 2007). Năm 2009, Minh thi vào Trường Sĩ quan không quân (Nha Trang).
Hai năm sau, cậu được chuyển từ YAK-52 sang L-39. Học được một năm, dựa vào trình độ, khả năng, Minh được chọn đi học lái tiêm kích Su-30.
Giấc mơ được ngồi trên buồng lái chiến đấu cơ hiện đại nhất quân chủng đã được chạm vào. Minh kể hồi còn ở sân bay Phù Cát, lúc đó cậu chỉ là một chiến sĩ cảnh vệ, đi gác đường băng. Mỗi lần nhìn máy bay Su-27 cất cánh, Minh cứ ao ước một ngày mình sẽ trở thành phi công tiêm kích.
“Tôi thích tốc độ lớn và ước sau này có thể bay các loại máy bay tiêm kích, nên khi biết mình được chọn học điều khiển Su-30MK2, tôi vui lắm” - Minh tâm sự.
|
Đại tá Phan Xuân Tình (phải) hướng dẫn một số thao tác quan trọng trong bài bay cho học trò - phi công 9X Bùi Văn Lập - trước khi lên máy bay. |
Nhưng giấc mơ ấy đã có lúc tưởng chừng như sụp đổ khi kết quả khám sức khỏe cho thấy Minh không đủ điều kiện để tiếp tục học bay trên Su-30MK2. “Men gan của tôi cao” - Minh giải thích.
Cậu uống thuốc tại Viện Y học hàng không và lao vào tập thể thao hàng không rồi những môn thể thao tự do như chạy dài, bóng rổ để hi vọng có thể thay đổi được...
Hơn một năm sau, kết quả cho thấy Minh đủ điều kiện về sức khỏe để học bay tiếp. Nhưng lúc này cậu phải học lại toàn bộ lý thuyết từ đầu như một học viên mới.
Hai tháng sau, vượt qua vòng kiểm tra mặt đất, Minh được phép lên buồng tập, buồng lái. Những chuyến không có tên trong danh sách bay, Minh vẫn xin được đi theo các thầy để học. Cậu còn mày mò học tiếng Nga vì thông báo hàng không trên máy bay toàn bằng tiếng Nga.
Ngày 21/10/2015, Minh đã được tham gia chuyến bay đầu tiên trên Su-30MK2 với thầy Phan Xuân Tình. Minh thú thật:
“Gần hai năm mới được bay lại nên đêm đó tôi lo lắm. Tôi chưa bay thực tế trên Su-30MK2 lần nào. Su-30MK2 có hai động cơ nên vận tốc lao lên nhanh hơn L-39 nhiều lần, đòi hỏi phi công phải điều khiển thật chính xác và sự tập trung, khả năng phản xạ cũng nhanh hơn. Tôi không muốn mình sai sót một động tác nào” - Minh nói.
Chuyến bay đầu tiên Minh được thầy kèm bay bài 1: xem địa hình và làm quen thiết bị buồng lái, tập quan sát địa tiêu trong khu vực sân bay, cách điều khiển máy bay. Nhớ lại chuyến bay đó, Minh bảo:
“Chuyến bay đầu tiên trên Su-30MK2 theo tôi cả cuộc đời. Ngày đầu tiên được bước chân lên Su-30MK2, được bay trên bầu trời Tổ quốc trên loại máy bay hiện đại nhất của đất nước, tôi thấy sướng lắm, thiêng liêng lắm”.
“Phi công trẻ như chúng tôi ở đây được chăm chút rất nhiều - trung úy Nguyễn Thái Dương (25 tuổi) cho biết - Có bạn về mấy tháng đã có hàng trăm giờ bay, bằng người ta bay cả năm.
Ở trung đoàn 935, tác phong làm việc khác hoàn toàn ở nhà trường. Ở đây, ngoài thời gian lên lớp, tinh thần tự giác học tập, tự nghiên cứu rất cao”.
Việc kiểm tra luôn được các giáo viên phi công thực hiện thường xuyên. Chưa kể mỗi lần chuẩn bị bay, không chỉ có thầy mà chỉ huy phi đội, trung đoàn trưởng cũng kiểm tra.
Nếu học viên không đạt sẽ bị học lại, nặng hơn thì dừng bay. Điểm lý thuyết từ 7 điểm trở lên, đạt khá giỏi mới được bay. Trung đoàn trưởng Trần Văn Dũng cho biết:
“Chúng tôi chọn những phi công giáo viên có kinh nghiệm để kèm các học viên, đảm bảo an toàn bay và để giúp các em tiến bộ nhanh nhất. Hiện đơn vị đang cố gắng để một thầy kèm một trò từ đầu đến cuối nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo. Các em đã làm được những điều chúng tôi mong muốn”.
Theo Tuổi Trẻ