Nga: VN chiếm vị trí hàng đầu trong hợp tác KTQS

Google News

(Kiến Thức) - Tờ VOR nhận định, trong toàn bộ hợp tác kỹ thuật quân sự của Nga với các nước ngoài, Việt Nam vững vàng chiếm một vị trí ở hàng đầu.

Mới đây, công ty đóng tàu của Nga đã chuyển giao cho lực lượng Hải quân Việt Nam chiếc tàu ngầm phi hạt nhân tấn công kế tiếp thuộc Project 636MV Varshavyanka (NATO định danh là Kilo) mang phiên hiệu HQ-184 Hải Phòng. Trước đó, Nga đã hoàn tất bàn giao các tàu ngầm HQ-182 Hà Nội và HQ-183 TP HCM cho Hải quân Nhân dân Việt Nam.
Tại nhà máy đóng tàu ở Saint-Peterburg đang triển khai công việc với ba chiếc tàu ngầm khác. Như vậy, đơn đặt hàng của Việt Nam - sáu tàu ngầm - sẽ được hoàn thành đúng thời hạn. Những chiếc tàu ngầm loại này còn được mệnh danh là “hố đen trong đại dương" bởi đặc tính tiếng ồn cực thấp, giảm thiểu khả năng bị đối phương phát hiện.
 Tàu ngầm Kilo HQ-182 trên vịnh Cam Ranh.
Quan sát viên Aleksei Lensov cho biết, hợp tác quân sự-kỹ thuật giữa hai nước đã khởi đầu ngay sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao. Cho đến trước khi Liên Xô tan rã, các thiết bị quân sự được cung cấp trên cơ sở viện trợ không hoàn lại và phần nhiều phát huy tác dụng đảm bảo chiến thắng của QĐND Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp và Mỹ cũng như khi giáng trả cuộc tấn công của Trung Quốc năm 1979. Kể từ năm 1992 trở đi, hợp tác quân sự-kỹ thuật được xúc tiến trên cơ sở thương mại.
Từ thời điểm đó đến nay, danh sách đặt hàng của Việt Nam mua vũ khí Nga khá rộng lớn. Đó là các máy bay Su-30MK2 và hệ thống tên lửa phòng không Tor, Buk và S-300, vượt trội đáng kể so với tổ hợp S-75 Dvina mà Liên Xô cung cấp cho Việt Nam trong thời gian cuộc kháng chiến chống Mỹ và đã ghi công bắn hạ 1.300 máy bay Mỹ. Trực thăng Nga loại tiên tiến Mi-8 đã có vai trò hệ trọng trong cơ số máy bay trực thăng của Bộ Quốc phòng Việt Nam.
Nga cũng đã cung cấp cho Việt Nam 2 tàu hộ vệ tối tân Gepard 3.9 có lượng giãn nước 2.100 tấn, được thiết kế để tìm kiếm phát hiện và tiêu diệt các mục tiêu trên bề mặt, ngầm dưới nước và trên không. Trang bị trên tàu gồm có 8 tên lửa diệt hạm Uran-E, 2 giàn phóng tên lửa chống tàu ngầm, trực thăng săn ngầm, pháo 76,2mm và tổ hợp pháo – tên lửa phòng không Palma. Theo đúng hạn trong hợp đồng, Hải quân Việt Nam sẽ nhận thêm cặp tàu thứ hai thuộc loại này vào năm 2016-2017.
 Biên đội tàu hộ vệ HQ-011 và HQ-012 thuộc Gepard 3.9 trên đường làm nhiệm vụ.
Ngoài ra, Việt Nam đã nhập khẩu nhiều tàu tuần tra hiện đại Project 10412 Svetlyak có chức năng bảo vệ biên giới biển trong khu vực 200 dặm ven bờ. Với lượng giãn nước 375 tấn, chiều dài 50 mét, tàu đạt tốc độ tối đa là 30 hải lý.
Còn sau khi xem xét mẫu tàu tên lửa cao tốc Molnya của Nga, Việt Nam đã nêu đề xuất ký kết thỏa thuận liên chính phủ để triển khai sản xuất tại Việt Nam hơn chục chiếc tàu loại này với giấy phép của Nga. Thỏa thuận đang được thực thi thành công tại hãng đóng tàu "Ba Son" ở thành phố Hồ Chí Minh, - như xác nhận của Thủ tướng Việt Nam trong chuyến thị sát mới đây tới cơ sở này.
Hiện diện tại Việt Nam còn có các tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển Bastion. Thành phần chiến đấu của mỗi tổ hợp bao gồm đến 36 tên lửa hành trình Yakhont. Đó là các tên lửa tự dẫn hướng chống hạm siêu thanh với đầu đạn nặng hơn 200 kg. Vũ khí này đủ sức triệt hạ mục tiêu ở khoảng cách đến 300 km. Mỗi tổ hợp có thể bao quát bảo vệ hơn sáu trăm cây số bờ biển và kiểm soát vùng nước diện tích 200.000 km vuông. Theo quan điểm của các chuyên viên Nga, hiện tại không một lực lượng hải quân nào trên thế giới có được phương tiện hữu hiệu để chống tên lửa "Bastion".
 Tên lửa Bastion của Việt Nam.
Quan sát viên Aleksei Lensov nhận xét tiếp: “Trong quan hệ hợp tác quân sự-kỹ thuật quốc tế có sự tham gia của nhiều nước, quan tâm để đảm bảo cung cấp cho quân đội của nước mình những loại vũ khí này hay trang bị khác, được sản xuất ở các nước khác. Luôn có việc ký kết các hợp đồng tương ứng, mở rộng liên hệ đối tác. Và ở đây tính chất chắc chắn đáng tin cậy của bạn hàng là yếu tố đặc biệt quan trọng. Chẳng hạn, Paris đã vi phạm trách nhiệm của mình theo hợp đồng ký kết với Moscow, liên quan đến việc Pháp cần bàn giao cho Nga vào ngày 14/11 chiếc tàu chở trực thăng đầu tiên loại "Mistral", trong số hai chiếc mà Moscow đặt chế tạo”.
Trong lịch sử hợp tác quân sự - kỹ thuật, Nga-Việt nam tuyệt nhiên không có những sự vụ tương tự. Tổng biên tập báo Quân đội nhân dân, Trung tướng Lê Phúc Nguyên cho biết: “Ngay từ thời Liên Xô, 2 nước đã là đối tác truyền thống. Những năm gần đây, hợp tác của hai nước chúng ta trên bình diện này đã đạt qui mô mới, nhờ đó Việt Nam có cơ hội tốt đẹp để củng cố nền quốc phòng của mình. Tất cả các hợp đồng và thỏa thuận về cung cấp vũ khí cho Việt Nam đều được phía Nga thực hiện chuẩn xác về thời hạn và khối lượng. Nga luôn luôn là đối tác tin cậy của Việt Nam”.
Trong toàn bộ hợp tác kỹ thuật quân sự của Nga với các nước ngoài, Việt Nam vững vàng chiếm một vị trí ở hàng đầu.
HL (theo VOR)

BÌNH LUẬN CỦA ĐỘC GIẢ

Vien Tuong -

Người Nga luôn có trách nhiệm đối với những cam kết của mình

nguyễn văn phúc -

Nga nên chuyển giao công nghệ tên lửa S4OO cho Việt Nan để tăng tầm xa- khả năng phòng thủ biển đảo, chứng tỏ là mình có tầm nhìn chiến lược

Việt Nam đứng vững cũng góp phần bảo vệ Nga ở phía đông nam

Hiển thị thêm bình luận