Những năm gần đây, ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đã có bước tiến vượt bậc. Thành quả đáng kể nhất, nước này đã “hất cẳng” Anh Quốc ra khỏi vị trí thứ 5 trong top 5 nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới năm 2012 (tính theo giá trị).
Ngoài xuất khẩu, công nghiệp quốc phòng nội địa của Trung Quốc đã hoàn toàn làm chủ nhiều công nghệ để sản xuất vũ khí trang bị cho toàn quân.
Dù vậy, theo dữ liệu thống kê của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), năm 2012 Trung Quốc vẫn mua và nhận khá nhiều vũ khí, trang bị từ Nga. Chủ yếu các hợp đồng có liên quan tới “nút thắt” trong công nghiệp quốc phòng nước này (đó là động cơ hàng không, vũ khí chính xác cao, radar...).
Dưới đây là dữ liệu thống kê của SIPRI về một số hợp đồng và nhận giao hàng:
Không quân
Đối với trang bị Không quân, năm 2012, Trung Quốc ký hợp đồng mua 55 trực thăng vận tải đa năng Mi-171E. Thời hạn giao hàng của hợp đồng này không được tiết lộ.
Trước đó, năm 2005, Trung Quốc cũng đã ký với Nga hợp đồng mua 54 trực thăng Mi-171 và Mi-171E. Trong khoảng thời gian 5 năm từ năm 2007-2012, phía Nga đã hoàn thành hợp đồng này.
Giai đoạn 2008-2012, Trung Quốc cũng nhận từ Nga 125 tên lửa không đối hạm Kh-59MK theo hợp đồng được ký năm 2004. Dự kiến, tên lửa Kh-59MK sẽ được Trung Quốc sử dụng cho tiêm kích Su-30MKK/MK2.
|
Trung Quốc nhập khẩu số lượng lớn vũ khí chính xác cao. Ảnh minh họa |
Ngoài tên lửa không đối hạm Kh-59MK, Trung Quốc và Nga đã hợp tác sản xuất tên lửa không đối hạm Kh-31A1 từ năm 1997 (mang tên YJ-91). Giai đoạn 2001-2012, Trung Quốc đã sản xuất được 760 tên lửa loại này. Tên lửa Kh-31A1 (hay là YJ-91) sẽ được trang bị cho các máy bay chiến đấu như Su-30MKK/MKII, J-8M hay JH-7.
Cùng với công nghệ vũ khí chính xác cao, Trung Quốc vẫn tiếp tục nhập động cơ phản lực cho tiêm kích từ Nga. Trong suốt hàng chục năm nỗ lực, cho tới hôm nay nước này vẫn chưa thể có động cơ “ra trò” dùng cho tiêm kích thế hệ thứ 4 như J-10, J-11, J-15 hay tiêm kích thế hệ 5 J-20, J-31.
Giai đoạn 2009-2012, Trung Quốc đã nhận 122 động cơ tuốc bin phản lực AL-31FN (sử dụng cho tiêm kích J-10) và 55 động cơ phản lực D-30 (sử dụng cho máy bay ném bom H-6K) theo 2 hợp đồng được ký vào năm 2009.
Năm 2011, Trung Quốc ký hợp đồng mua thêm 123 động cơ AL-31FN (trang bị cho J-10) và 150 động cơ AL-31F (trang bị cho tiêm kích J-11B). Trong năm 2012, Nga đã chuyển cho Trung Quốc được 20 động cơ AL-31FN và 10 động cơ AL-31F.
|
Tiêm kích nội địa Trung Quốc cất cánh bằng động cơ ngoại nhập. |
Cùng năm đó, Trung Quốc mua 184 động cơ phản lực D-30KP-2 để trang bị cho máy bay ném bom H-6K, máy bay vận tải Y-20. Hiện Nga đã chuyển cho Trung Quốc 24 động cơ loại này. Dự kiến số còn lại sẽ được chuyển giao từ nay đến năm 2015.
Hải quân
Trong năm 2012, Trung Quốc cũng nhận nhiều pháo dành cho hải quân từ Nga theo hợp đồng ký từ những năm trước đó.
Giai đoạn 2004-2012, Trung Quốc đã nhập khẩu 86 pháo phòng không cao tốc AK-630 30mm trong tổng số hợp đồng mua 92 khẩu pháo loại này được ký năm 2002.
Số pháo này sẽ được trang bị cho khinh hạm Type 054 Giang Khải I, tàu cao tốc tên lửa Type 022,tàu đổ bộ Type 071 lớp Ngọc Châu, cũng như tàu đổ bộ đệm khí Zubr nhập khẩu từ Ukraine.
Gia đoạn 2008-2012, Nga cũng chuyển cho Trung Quốc 13 pháo hạm AK-176M 76mm trong hợp đồng mua 20 khẩu pháo cùng loại được 2 nước ký năm 2004. Dự kiến, 20 khẩu pháo này sẽ được trang bị cho 20 khinh hạm Type 054A Giang Khải II.
|
Thiết kế pháo hạm AK-176 được Trung Quốc khá ưa chuộng. |
Năm 2005, Trung Quốc cũng ký hợp đồng mua thêm 4 khẩu pháo AK-176M 76mm để trang bị cho tàu đổ bộ Type 071 lớp Ngọc Châu. Tính tới năm 2012, Trung Quốc đã nhận được 3 khẩu pháo loại này.
Cũng nhằm trang bị cho 20 khinh hạm Type 054A Giang Khải II, Trung Quốc đã ký hợp đồng mua 20 hệ thống radar trinh sát đường không Fregat của Nga vào năm 2004. Hiện nay, Nga đã bàn giao được 13 hệ thống.
Trước đó, 2 nước cũng ký hợp đồng mua 80 hệ thống radar điều khiển hỏa lực MR-90 vào năm 2004. Từ năm 2008 đến năm 2012, Trung Quốc đã nhận được 52 hệ thống này. Radar MR-90/Front Dome cũng sẽ được trang bị cho 20 khinh hạm Type-054A kết hợp hệ thống tên lửa tầm trung HHQ-16.
Năm 2009, Trung Quốc cũng đặt mua từ Nga 4 hệ thống radar điều khiển hỏa lực MR-123 để trang bị cho 4 tàu đổ bộ đệm khí Zubr. Trong năm 2012, phía Nga đã chuyển cho Trung Quốc hệ thống đầu tiên.
Lục quân
Trong nhập khẩu vũ khí trang bị lục quân, hầu như Trung Quốc đã tự lực hoàn toàn mà không cần dựa vào Nga. Kể từ đầu những năm 2000, chỉ duy nhất một hợp đồng được ký với Nga về việc hợp tác sản xuất tên lửa chống tăng AT-11 để trang bị cho xe tăng Type 98, Type 99.
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Nguyễn Hoàng (theo SIPRI)