Hãng thông tấn Itar-Tass dẫn lời phát ngôn viên nhà máy đóng tàu Vympel cho hay, đơn vị này sẽ chính thức chuyển giao cho Việt Nam hai tàu tên lửa Molniya Project 12418 (định danh NATO là Tarantul V) cuối cùng vào tháng 6/2016. Các tàu này đang được nhà máy Ba Son (TP HCM, Việt Nam) chế tạo với gói linh kiện, giám sát kỹ thuật từ Vympel.
|
Vào tháng 6 năm sau Hải quân Việt Nam sẽ tiếp nhận 2 tàu tên lửa lớp Molniya cuối cùng từ Nga. |
Trước đó, vào năm 2003, Việt Nam đã ký thỏa thuận mua hai tàu tên lửa Molniya từ Vympel, đi kèm với gói chuyển giao công nghệ chế tạo tại Việt Nam 10 chiếc nữa. Tuy nhiên, sau cùng Việt Nam chỉ lựa chọn chế tạo 6 chiếc Molniya với sự hỗ trợ kĩ thuật từ Vympel.
Các tàu Molniya đầu tiên được Nga giao cho Việt Nam vào năm 2007 và 2008, trong khi đó các tàu Molniya được đóng tại Nhà máy đóng tàu Ba Son được khởi đóng trong năm 2010.
|
HQ 377 là tàu tên lửa lớp Molniya đầu tiên do Việt Nam đóng mới.
|
Hai tàu tên lửa lớp Molniya đầu tiên do Việt Nam đóng mới mang số hiệu HQ-377 và HQ- 378 chính thức bàn giao cho Hải quân Việt Nam vào ngày 20/7/2014. Không lâu sau đó, hai chiếc tiếp theo HQ-379 và HQ-380 cũng được đưa vào trang bị vào 25/9/2015.
Bốn tàu Molniya này đều được trang bị tổ hợp tên lửa hành trình Kh-35 Uran-E có tầm bắn 130km, tốc độ cận âm.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây Giám đốc điều hành của Almaz - Alexander Shlyakhtenko cho biết, nhiều khả năng Nga có thể sẽ trang bị cho các tàu Molniya tiếp theo của Hải quân Việt Nam tên lửa hành trình tiên tiến hơn Uran-E.
"Việt Nam đang đóng mới các tàu tên lửa Molniya Project 12418 theo giấy phép của Nga. Tuy nhiên hiện tại Hà Nội muốn nâng cấp các tàu này, cụ thể là trang bị hệ thống vũ khí mới ví dụ tên lửa hành trình siêu âm BrahMos hoặc tên lửa hành chống hạm Yakhont”, Shlyakhtenko nói.
|
Tàu hộ vệ tên lửa lớp Buyan của Hải quân Nga chỉ có lượng giãn nước tương đương tàu tên lửa lớp Molniya nhưng nó lại được trang bị tên lửa trình Kalibr.
|
Ông này còn cho hay, nó cũng có thể là các tên lửa hành trình Klub-K - biến thể xuất khẩu của tên lửa hành trình Kalibr. Phía Almaz sẽ nhanh chóng giới thiệu các phương án thay thế hệ thống vũ khí của Project 12418 biến thể dành cho Việt Nam và việc sửa đổi này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thời gian đóng mới các tàu tên lửa lớp Molniya hiện tại.
Molniya Project 12418 được thiết kế để chống lại lực lượng tàu nổi của đối phương chúng có thể tác chiến theo biên đội hoặc độc lập trên biển. Tàu Molniya có lượng giãn nước tối đa là 510 tấn dài 56.9m và có tốc độ di chuyển khoảng 40 hải lý/giờ với phạm vi hoạt động hiệu quả hơn 3.700km. Hệ thống vũ khí chính của tàu tên lửa Molniya gồm hải pháo AK-176M 76mm, 16 tên lửa chống hạm Uran-E, tổ hợp pháo phòng không cao tốc AK-630M và tổ hợp tên lửa phòng không Igla.
Trà Khánh