Mỹ nói gì về phương tiện siêu vượt âm của Trung Quốc

Google News

(Kiến Thức) - Trung Quốc được cho là đã thử nghiệm thành công phương tiện siêu vượt âm mang đầu đạn hạt nhân được định danh là WU-14. 

Bước tiến lớn của Trung Quốc
Theo tờ Washingtion Free Beacon, cuối tuần qua, Trung Quốc đã thử nghiệm phương tiện bay siêu vượt âm nhằm đưa các đầu đạn hạt nhân vượt qua hệ thống phòng thủ chống tên lửa chiến lược của Mỹ. Loại phương tiện này được Lầu Năm góc gọi là WU-14, đã được thử nghiệm hôm 9/1.
Việc phát triển phương tiện trở về siêu tốc này là một bước tiến lớn của Trung Quốc trong phát triển tên lửa chiến lược. Các tên lửa đạn đạo liên lục địa sẽ tung ra các phương tiện trở về độc lập mang đầu đạn con, có tốc độ lên đến Mach 10, nên rất khó đánh chặn.
Ảnh minh họa.
Một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc cũng khẳng định điều này, nhưng từ chối cung cấp thông tin chi tiết.
Trung tá Lính thủy Đánh bộ Jeffrey Pool nói với Washington Free Beacon: “Chúng tôi thường xuyên theo dõi các hoạt động quân sự nước ngoài và nhận thức được sự nguy hiểm của thử nghiệm này. Nhưng chúng tôi sẽ không đưa ra bình luận nào”.
Hiện nay, cả Nga, Trung Quốc và Ấn Độ đều đang tích cực phát triển các phương tiện trở về độc lập cho tên lửa chiến lược. Ấn Độ cũng đang phát triển một biến thể cho tên lửa hành trình Brahmos.
Sau khi được phóng đi từ các bệ phóng trên mặt đất, tàu ngầm hay máy bay ném bom chiến lược, các tên lửa đạn đạo liên lục địa sẽ tung ra các phương tiện trở về độc lập mang đầu đạn ở pha cuối, với vận tốc siêu thanh và số lượng áp đảo, sẽ rất khó để đánh chặn các đầu đạn này. Các loại tên lửa hành trình siêu thanh và UAV trinh sát cũng được đặt nhiều kì vọng. Tốc độ siêu thanh là từ Mach 5 đến Mach 10.
Các chuyên gia quân sự Trung Quốc cũng nhấn mạnh, việc thử nghiệm thành công các phương tiện trở về độc lập siêu thanh đã gia tăng sức mạnh của tên lửa Trung Quốc trên chiến trường. Đây là một phần trong giải pháp chiến tranh phi đối xứng của Trung Quốc với các siêu cường khác. Với công nghệ này, Trung Quốc có thể đánh bại các vũ khí hiện đại hơn của quân đội Mỹ.
 Tên lửa đạn đạo sẽ đưa phương tiện trở về lên không gian, sau đó nó sẽ tách và trở lại mặt đất với tốc độ siêu vượt âm.
Mark Stokes, một cựu sĩ quan Không quân Mỹ và là chuyên gia về hệ thống vũ khí chiến lược của Trung Quốc cho biết, Trung Quốc đang tiến hành song song hai chương trình phương tiện trở về độc lập siêu thanh cho vũ khí chiến lược tầm xa. Một phiên bản phương tiện trở về độc lập khác có thể được phóng đi từ các máy bay ném bom.
“Loại phương tiện trở về độc lập siêu thanh của Trung Quốc sẽ tách khỏi tên lửa khi đến gần mục tiêu của mình trên quĩ đạo, hoặc ở khoảng cách 99km trong bầu khí quyển trái đất. Phương tiện sẽ sử dụng radar để khóa mục tiêu tiến công với độ chính xác cao. Phương tiện trở về độc lập của Trung Quốc là sự pha trộn giữa tên lửa đạn đạo chiến lược và tên lửa hành trình”, Stokes nói
Stokes cũng dự đoán hiện các phương tiện trở về độc lập của Trung Quốc đã có thể đạt vận tốc từ Mach 8-12. Tốc độ cao như vậy thách thức lớn các hệ thống phòng thủ của Mỹ.
Lora Saalman - chuyên gia về hệ thống chiến lược của Trung Quốc tại Carnegie Endowment cho biết, phương tiện trở về độc lập siêu thanh của Trung Quốc chỉ là một phần của một chương trình phát triển tên lửa chính xác cao và các vũ khí tiên tiến khác.
“Trong 10-15 năm tới, Mỹ có thể phát triển hệ thống tiến công toàn cầu, cho phép sử dụng các vũ khí thông thường và vũ khí hạt nhân tấn công bất cứ mục tiêu nào trên Trái Đất chỉ trong 1 giờ. Khả năng phát triển vũ khí siêu thanh của Trung Quốc là điều dễ hiểu, giống như tên lửa đạn đạo chống tàu DF-21D, và phiên bản tên lửa đánh chặn riêng của Trung Quốc, sử dụng tốc độ cao để tiêu diệt mục tiêu”, Saalman nói và lưu ý Trung Quốc đã tinh giản quá trình phát triển vũ khí của mình.
 
Vũ khí siêu thanh và dẫn đường chính xác cao là hướng đi chính của Trung Quốc, và họ đang chứng tỏ mình rất thành công.
Rick Fisher, một chuyên gia về quân sự Trung Quốc, cho biết phương tiện trở về độc lập siêu thanh đại diện cho một bước tiến quân sự quan trọng đối với Bắc Kinh.
“Vẻ đẹp của phương tiện trở về độc lập là nó có thể thực hiện tấn công siêu thanh chính xác cao ở độ cao tương đối thấp và quỹ đạo khó đánh chặn, làm cho nó ít bị tổn thương trước các hệ thống phòng thủ chống tên lửa", ông Fisher - nhà phân tích tại Trung tâm Đánh giá Chiến lược Quốc tế cho biết.
“Trung Quốc đang xây dựng sức mạnh để thách thức Mỹ, họ muốn tung sức mạnh ra toàn cầu!” Fisher nói.
Báo cáo hàng năm mới nhất của Lầu Năm Góc về quân đội Trung Quốc cho biết tháng 5/2012, Trung Quốc đã mở một đường hầm siêu thanh JF12 lớn nhất thế giới, để thử nghiệm tốc độ bay Mach 5-9.
Một bài báo kỹ thuật Trung Quốc từ tháng 12/2012 tiết lộ rằng, nước này có kế hoạch sử dụng hệ thống dẫn đường chính xác cao bằng quán tính và định vị vệ tinh.
Một bài báo thứ hai kết luận rằng vũ khí siêu thanh gây ra “một mối đe dọa hàng không vũ trụ mới”. Điều này cho thấy Trung Quốc đã nghiên cứu về các thử nghiệm máy bay không gian X-37B của Không quân Mỹ, vũ khí “hiệu quả để theo dõi và đánh chặn” phương tiện trở về độc lập siêu thanh.
Nga lấp lửng việc nghiên cứu vũ khí siêu thanh
Các vũ khí siêu thanh rất khó theo dõi và đánh chặn, cả Mỹ và Nga cũng đang phát triển vũ khí siêu thanh. Nghiên cứu siêu thanh ở Mỹ đang được thực hiện bởi Lầu Năm Góc và Không quân, được gọi là chương trình FALCON.
 X-51 WaveRider.
Một số phương tiện đang được nghiên cứu bao gồm: Lockheed HTV-2 (Hypersonic Technology Vehicle-2); Boeing X-51 WaveRider; X-37B.
Nga cũng đang có những tiến bộ trong các loại vũ khí siêu thanh, bao gồm cả công nghệ cho cả các cuộc tấn công tốc độ cao tấn công và phòng ngự chống lại cuộc tấn công siêu thanh.
Trung tâm tình báo không gian vũ trụ Quốc gia Nga cho biết trong báo cáo hàng năm về tên lửa đã công bố rằng Nga đang thiết kế một loại phương tiện trở về độc lập mới đủ sức vô hiệu hóa mọi hệ thống phòng thủ chống tên lửa.
Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin so sánh sự phát triển của vũ khí siêu thanh với cuộc chạy đua sau sự xuất hiện của vũ khí nguyên tử vào những năm 1950. Ông cho biết quốc gia đầu tiên để làm chủ vũ khí siêu thanh sẽ khởi động một cuộc cách mạng mới trong quân sự.
Rogozin từ chối xác nhận Moscow đã tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang mới với Mỹ trong tháng Sáu. Tuy nhiên, ông đã xác nhận rằng Nga đang đẩy mạnh nghiên cứu vũ khí siêu thanh (tên lửa đạn đạo RS-26, tên lửa phòng không S-500).
Ian Easton – chuyên gia Viện Dự án 2049 cho biết: “Nếu có một cuộc chiến tranh giành quyền lực bùng nổ trong thế kỷ này, nó sẽ không bắt đầu với những âm thanh của vụ nổ trên mặt đất và trên bầu trời, mà đúng hơn là với sự bùng nổ của động năng và sự nhấp nháy của ánh sáng lade trong sự im lặng của không gian vũ trụ.
Lương Minh