Tờ Defensenews mới đây đăng tải một phần báo cáo liên quan đến Trung Quốc của Ủy ban điều trần An ninh Kinh tế Trung – Mỹ thuộc Quốc hội Mỹ cho biết: “vũ khí hạt nhân chiến lược trên biển của Trung Quốc sẽ lần đầu tiên bước vào giai đoạn IOC (có khả năng tác chiến ban đầu), đây là lần đầu tiên Trung Quốc có khả năng này”.
Theo đó, tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ tàu ngầm ngầm JL-2 của Trung Quốc sẽ bước vào giai đoạn IOC vào cuối năm nay. Tầm phóng của tên lửa JL-2 là 7.400 km, điều này giúp cho hải quân nước này lần đầu tiên có thể có được khả năng tiến hành đe dọa hạt nhân đối với lãnh thổ Mỹ. JL-2 sẽ được triển khai trên tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094 và dự kiến Trung Quốc sẽ có ít nhất 3 tàu ngầm Type 094 vào trước năm 2020.
|
Tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ tàu ngầm JL-2.
|
“Trung Quốc đang nghiên cứu phát triển 2 loại tàu ngầm hạt nhân kiểu mới gồm: tàu ngầm hạt nhân tấn công mang tên lửa hành trình Type 095 và tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 096. Trong đó, Type 096 được trang bị tên lửa đạn đạo phóng ngầm có tầm bắn xa, tăng cường sức mạnh đe dọa”, báo cáo cho biết.
Ngoài ra, báo cáo cho biết thêm rằng, trong tương lai, tàu ngầm hạt nhân Type 095 và tàu khu trục Lữ Dương-3 Type 052D của Hải quân Trung Quốc, rất có thể sẽ mang được tên lửa hành trình hải đối đất, nâng cao khả năng tấn công đối đất của Hải quân Trung Quốc tại Tây Thái Bình Dương, mục tiêu bao gồm cơ sở hạ tâng của Mỹ tại quần đảo Guam.
Tháng 6/2013, Không quân Trung Quốc đã tiếp nhận 15 máy bay ném bom thế hệ mới H-6K. Đây là biến thể cải tiến mới nhất dựa trên máy bay H-6. Ngoài việc được nâng cấp tầm bay, còn có thể mang được tên lửa hành trình đối đất tầm xa CJ-10.
“Máy bay ném bom mới này và tên lửa hành trình tầm xa sẽ giúp cho Không quân Trung Quốc có khả năng tấn công mục tiêu tại Tây Thái Bình Dương, mục tiêu đó có thể là đảo Guam”, báo cáo cho biết.
Trong báo cáo của phía Mỹ còn nhấn mạnh tầm phóng của tên lửa đạn đạo chống tàu DF-21D (hoặc gọi là Đông Phong-21D) lên tới 1.500 km. Điều này đủ để đe dọa tàu chiến của Hải quân Mỹ tại Tây Thái Bình Dương. Tuy nhiên vẫn không thể tấn công đến đảo Guam cách Trung Quốc hơn 3.000 km.
Báo cáo này còn đề cập đến dự án tàu sân bay của Hải quân Trung Quốc, cho rằng, tàu sân bay Liêu Ninh của Hải quân Trung Quốc sẽ tiếp tục tiến hành nhiệm vụ huấn luyện, đến giai đoạn 2015-2016, trung đoàn tiêm kích hạm J-15 đầu tiên của Trung Quốc chính thức có khả năng tác chiến.
|
Đến năm 2015, Trung Quốc có thể trở thành quốc gia sở hữu số lượng tàu chiến lớn thứ 2 thế giới.
|
Hải quân Trung Quốn còn đang đẩy mạnh việc phát triển tàu mặt nước. Giai đoạn 2012, Hải quân Trung Quốc hoàn thành 2 loại tàu kiểu mới là tàu khu trục lớp Lữ Dương-3 Type 052D và tàu hộ vệ lớp Giang Đảo Type 056. Đồng thời, tàu lớp Lữ Dương-2 Type 052C và Giang Khải II Type 054A cũng đang tiếp tục được đóng. Phần lớn những tàu chiến này sẽ được trang bị khả năng tác chiến vào năm 2015.
Đến năm 2015, về số lượng, kể từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh đến nay, Trung Quốc rất có thể trở thành nước lớn thứ 2 trên thế giới về phương diện đóng và biên chế phục vụ tàu chiến loại lớn.
Còn đến năm 2020, ngoại trừ sự “phục hưng” của Hải quân Mỹ, về phương diện số lượng tàu ngầm, tàu chiến mặt nước và tàu quân sự khác hàng năm, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia hàng đầu thế giới.
Cuối cùng báo cáo cho rằng, việc hiện đại hóa Quân đội Trung Quốc là đang thay đổi cán cân sức mạnh quân sự châu Á trong 5-10 năm nữa, là một thách thức đối với lực lượng quân sự Mỹ.
Bằng Hữu