Trong chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông Barack Obama trong buổi họp báo cùng Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Trần Đại Quang đã đưa ra tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam. Điều này tạo cơ hội cho Việt Nam tiếp cận các công nghệ vũ khí tiên tiến của Mỹ.
Theo nguồn tin tạp chí The Diplomat, phía Việt Nam đang quan tâm tới nhiều loại nền tảng thiết bị, vũ khí được quân đội Mỹ sử dụng, bao gồm các chiến đấu cơ F-16 A/B, máy bay tuần tra biển P-3C Orion được tân trang lại với trang bị ngư lôi, và các phương tiện hàng không không người lái (UAV) không mang vũ trang để sử dụng vào mục đích giám sát các vùng lãnh hải thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam và trinh sát vùng biển Đông rộng lớn.
|
P-3C Orion được tân trang lại, mang theo ngư lôi sẽ tăng khả năng răn đe, tuần tra trên biển. Ảnh: Armyrecognition.
|
Đáng chú ý, theo tờ Armyrecognition, bất kỳ
vũ khí nào được Mỹ bán cho Việt Nam sẽ được thực hiện theo Chương trình vũ khí thặng dư. Đó là chương trình cho phép Mỹ bán các thiết bị vũ khí đã qua sử dụng cho các đối tác với giá giảm và sẽ do Lầu Năm Góc chủ trì. Hiện Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đang trong quá trình mua 6 tàu tuần tra cao tốc Metal Shark Defiant 75 do Mỹ sản xuất với khoản hỗ trợ 18 triệu USD từ Mỹ.
Điểm đáng nói nếu mua máy bay P-3C Orion được tân trang sẽ có trang bị các ngư lôi sẽ giúp cho Không quân Việt Nam tăng đáng kể khả năng răn đe trong lĩnh vực tuần tra trên biển. Cụ thể, máy bay P-3C Orion sẽ thúc đẩy khả năng tác chiến trên mặt biển và khả năng chống ngầm cho quân đội Việt Nam, đặc biệt khi phối kết hợp với đội 6 tàu ngầm Type 636 lớp Kilo nặng 4.000 tấn do Nga đóng.
Cũng theo nguồn tin trên, Việt Nam được cho là đã đặt mua một số lượng các tên lửa hành trình chống tàu và tấn công các mục tiêu trên đất liền, bao gồm có cả loại tên lửa hành trình siêu âm 3M-14E Klub có tầm tác chiến cực xa sẽ giúp cho Việt Nam có thêm sức mạnh răn đe hơn.
Hơn nữa Việt Nam cũng đang tiến hành nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa, mua sắm các tên lửa phòng thủ bờ biển loại K-300P Bastion của Nga vào năm 2011 và các hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa S-300 MPU-2 vào năm 2012, đồng thời còn tiến hành nâng cấp các hệ thống radar trinh sát bờ biển.
Không những thế, Việt Nam còn đang vận hành 32 chiến đấu cơ Su-30MK2V có khả năng tùy chỉnh để thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ hải quân và trang bị các tên lửa chống tàu Kh-31A (AS-17 Kryton). Không quân Việt Nam cũng đang muốn thiết lập một phi đội máy bay chiến đấu đa năng 2 động cơ Sukhoi Su-35S. Có lẽ đây là loại máy bay phù hợp hơn với nhiệm vụ tuần tra biển so với máy bay chiến đấu một động cơ F-16.
Trang Armyrecognition nhận định, về tổng thể việc tích hợp và huấn luyện thành công các nền tảng thiết bị vũ khí mới của Mỹ sẽ chắc chắn tăng khả năng chiến đấu của Không quân Việt Nam. Như thế sẽ tạo ra sức mạnh răn đe và bảo vệ không phận, lãnh hải tốt hơn nữa.
Tuy nhiên, một khi biên chế thêm các chiến đấu cơ F-16, P-3C Orion, UAV, hệ thống trinh sát và do thám biển vẫn chưa đủ để làm thay đổi đột phá căn bản về sức mạnh quân sự của Việt Nam.
Văn Biên