Liên Xô học Việt Nam cách dùng súng máy trên xe tăng?

Google News

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Việt Nam sử dụng thành công súng máy 12,7mm trên xe tăng khiến Liên Xô phải suy nghĩ lại học thuyết của mình.

“CÓ” rồi “KHÔNG” và rồi “KHÔNG” lại “CÓ”
Súng cao xạ 12,7 mm là đại liên kiểu DShK 1938 (Дегтярёва Шпагина Крупнокалиберный, Degtyaryova - Shpagina Krupnokaliberny, Đại liên Degtyarov - Shpagin kiểu 1938), được đưa vào biên chế Hồng quân Liên Xô từ năm 1938.
Đây là loại đại liên có hỏa lực tương đối mạnh, tốc độ bắn cao - khoảng 600 phát/phút; sức xuyên phá tốt - ở 500 mét có thể xuyên được 15 mm thép, có tầm bắn lên đến 2000 mét…
Khi lắp lên xe tăng, đại liên DShK được trang bị thêm kính ngắm K10-T để đảm bảo chỉ cần 1 người cũng sử dụng được. Với những ưu điểm đó, DShK đã được chính thức đưa vào biên chế vũ khí cơ hữu của xe tăng T-54.
Khẩu đại liên 12,7 mm hiên ngang trên tháp pháo xe tăng đã trở thành hình ảnh rất quen thuộc đối với mọi người.
ĐẠI TÁ NGUYỄN KHẮC NGUYỆT
Nguyên Trưởng ban KH-CN-MT Trường Sĩ quan Tăng Thiết giáp, nguyên chiến sĩ lái xe tăng số 380 thuộc Đại đội 4, Lữ đoàn 203, cùng đơn vị với các xe tăng 390 và 843 húc đổ cổng Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975. Tác phẩm: Bão thép (4 tập), Bút ký lính tăng: Hành trình đến Dinh Độc Lập,...
Tuy nhiên, khi bước vào sản xuất T-55 (năm 1958) và sau đó là T-62 (năm 1961), dường như khẩu đại liên DShK 12,7 mm này đã không được đánh giá cao và bị loại khỏi biên chế vũ khí cơ hữu trên 2 dòng xe này.
Hình ảnh loạt xe này là một tháp pháo hình bán cầu khá tròn trịa, cánh cửa của pháo thủ số 2 cũng tròn và khi đậy vào thì khớp luôn với nóc tháp pháo vì không cần bệ quay súng cao xạ.
Song khi người ta vừa mới làm quen với hình ảnh này chưa lâu thì các nhà thiết kế xe tăng Xô Viết lại một lần nữa làm mọi người ngạc nhiên vì trong các loạt xe T-55, T-62 sản xuất từ đầu những năm 70 trở đi lại thấy xuất hiện khẩu cao xạ ấy sừng sững trên tháp pháo.
Tất nhiên là họ có lý do để đưa ra những thay đổi này.
Lien Xo hoc Viet Nam cach dung sung may tren xe tang?
 Xe tăng T-62 của Việt Nam không có súng cao xạ 12,7 mm.
Rốt cuộc là nên “CÓ”
Trong quân sự có một nguyên lý không thay đổi, đó là: “Kỹ thuật phải phục vụ cho chiến thuật”. Sự ra đời và phát triển của các loại vũ khí luôn luôn phải tuân theo học thuyết chiến tranh của các nhà lãnh đạo quân đội.
Những năm 60, thế giới bước vào cuộc chạy đua vũ trang giữa hai phe - trong đó Liên Xô đứng đầu phe XHCN. Với sự tiến bộ rất nhanh của khoa học công nghệ, các nhà quân sự Xô Viết cho rằng:
“Tác chiến trong chiến tranh tương lai nếu xảy ra sẽ là tác chiến quân binh chủng hợp thành với sự tham gia của nhiều quân binh chủng, nhiều loại vũ khí trang bị khác nhau, kể cả vũ khí hạt nhân".
Chính vì vậy, để phối hợp được một cách hiệu quả thì từng quân binh chủng phải đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Từ quan điểm đó dẫn đến ý kiến cho rằng: “nhiệm vụ của phòng không phải trả về cho lực lượng phòng không” và hệ quả cuối cùng là việc “bứt” khẩu cao xạ DShK 12,7 mm ra khỏi biên chế vũ khí cơ hữu của xe tăng.
Và đó chính là loạt T-54, T-62 được sản xuất trong khoảng 1958 - 1970. Bên cạnh đó, Liên Xô cũng đã rất chú trọng phát triển lực lượng phòng không lục quân.
Hàng loạt cao xạ tự hành và tên lửa phòng không đi cùng đã ra đời phục vụ cho học thuyết này mà điển hình là các xe ZSU-57-2, ZSU-23-4, tên lửa vác vai Strela-2 (bộ đội Việt Nam quen gọi là A-72)...
Song như người ta thường nói: “Mọi lý thuyết đều màu xám, còn cây đời mãi mãi xanh tươi”. Học thuyết quân sự Xô Viết không sai nhưng thực tế lại có những con đường khác, nhất là trong chiến tranh Việt Nam.
Có thể nói, trước khi Hiệp định Paris có hiệu lực thì ở chiến trường miền Nam, bầu trời hoàn toàn do không quân Mỹ làm chủ với đủ loại máy bay từ chiến lược đến chiến thuật, từ phản lực đến trực thăng…
Đặc biệt, chiến thuật “trực thăng vận” với sự có mặt của Sư đoàn “kỵ binh bay” số 1 đã gây rất nhiều tổn thất cho Quân Giải phóng. Trong khi đó, lực lượng phòng không đi cùng không phải lúc nào cũng có mặt để bảo vệ lực lượng mặt đất được.
Chính vì vậy, khi quyết định đưa Tiểu đoàn 198 - đơn vị xe tăng đầu tiên vào chiến trường miền Nam, Bộ tư lệnh Tăng - Thiết giáp lúc đó đã quyết định lắp thêm 1 khẩu DShK 12,7 mm trên tháp pháo (nguyên thủy xe PT-76 không có súng này).
Trong thực tế khẩu súng này đã phát huy tốt tác dụng tự vệ của mình. Đặc biệt, trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, khi số máy bay trực thăng tham gia đổ quân, hộ tống hành quân… “đông như ruồi” thì các khẩu cao xạ 12,7 mm lắp trên xe đã phát huy rất tốt.
Lien Xo hoc Viet Nam cach dung sung may tren xe tang?-Hinh-2
Lắp và không lắp súng cao xạ 12,7 mm trên xe tăng Việt Nam.
Chỉ riêng trong trận tiến công điểm cao 543 do Lữ đoàn dù 3 cố thủ, các xe của Đại đội 9, Tiểu đoàn 198 đã bắn rơi tại chỗ 1 máy bay F-4H và 1 trực thăng.
Có lẽ từ thực tế đó mà các nhà quân sự Xô Viết đã đánh giá lại tình hình và rút ra kết luận: “Nên “CÓ” súng cao xạ cơ hữu trên xe tăng”.
Kết quả là các loạt T-55, T-62 sản xuất từ đầu những năm 70 trở đi lại xuất hiện khẩu đại liên DShK 12,7 mm trên tháp pháo. Không chỉ vậy, tất cả các loại xe tăng sau này do Liên Xô và Nga sản xuất, kể cả Amarta T-14 đều biên chế súng cao xạ vào vũ khí cơ hữu của xe.
Tất nhiên, người ta cũng không ngừng cải tiến để nâng cao hiệu quả của nó, đồng thời bớt nguy hiểm cho người sử dụng như phương thức điều khiển bắn từ bên trong xe, giúp xạ thủ không phải lộ diện trước hỏa lực đối phương.
Theo Tri Thức Trẻ