Hải quân đánh bộ (thủy quân lục chiến) là một lực lượng tinh nhuệ của Hải quân nhân dân Việt Nam. Đây sẽ là lực lượng tiên phong có vai trò quyết định đánh bật kẻ địch, chiếm lại đảo và giữ đảo trong trường hợp đảo bị đánh chiếm.
Trung tá Dương Chí Nguyện (chính trị viên tiểu đoàn hải quân đánh bộ 863 - lữ đoàn hải quân đánh bộ 101) cho biết: “Một người lính hải quân đánh bộ phải giỏi nhiều kỹ năng: sử dụng thành thạo các loại vũ khí trang bị, bơi giỏi, chịu được sóng gió (có thể lên đến cấp 6), am hiểu thời tiết biển, thể lực tốt. Khi đổ bộ vào bờ, hải quân đánh bộ phải tác chiến ngay. Họ chiến đấu như bộ binh nên phải giỏi kỹ thuật đánh gần nhưng yêu cầu kỹ năng chiến đấu phải cao hơn bộ binh”.
|
Lực lượng hải quân đánh bộ trong lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam - Ảnh: TIẾN THÀNH |
Rất “ngầu” và “chất”
Vừa trở về sau gần 20 ngày diễn tập, đi qua hơn 60km và phải mang vác gần 40kg cả súng, đạn, quân tư trang..., trung sĩ Nguyễn Văn Bích (24 tuổi, quê Vũng Tàu) vẫn cười tươi rói: “Rất vất vả nhưng khi đã vượt qua, cảm giác như mình vừa vượt qua được cái gì đó ghê gớm lắm, cảm thấy tự hào và tự tin hơn”.
Lần đầu tiên được mang trên mình áo giáp chống đạn, mũ chống đạn, bao tay, giày, túi đựng bộ tiếp đạn và lựu đạn, súng trường tấn công đặc chủng của riêng hải quân đánh bộ..., chàng trung sĩ 9X cười tự nhận mình rất “ngầu” và “chất” - đúng ngôn ngữ mà dân 9X
hay dùng.
Tốt nghiệp ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM, Nguyễn Văn Bích quyết định đi theo đam mê của mình là trở thành người lính với khát vọng rất tuổi trẻ: được trực tiếp cầm súng bảo vệ Tổ quốc. Sau thời gian tân binh, anh chàng tình nguyện xin được về lực lượng hải quân đánh bộ.
Để được tuyển chọn vào đơn vị tinh nhuệ hàng đầu này của hải quân, Bích phải trải qua những vòng tuyển chọn về thể lực rất gắt.
Sinh ra ở Vũng Tàu, quen với môi trường sóng gió cũng là một lợi thế của chàng trai trẻ. Sau hai tháng huấn luyện tân binh, khi về lữ đoàn Bích cũng như các chiến sĩ khác phải trải qua ít nhất sáu tháng huấn luyện mới đáp ứng được yêu cầu về trình độ, kỹ năng, kỹ chiến thuật và thể lực của một người lính hải quân đánh bộ. Bơi giỏi là một trong những yêu cầu của người lính hải quân đánh bộ.
Thế nhưng không ít chiến sĩ mới về còn chưa biết bơi trong khi yêu cầu tân binh phải bơi được 3km. Những người bơi yếu sẽ được cán bộ sĩ quan rèn luyện riêng, tập kèm thêm
ngoài giờ.
“Chúng tôi tập ngày tập đêm, tập thêm cả trong giờ nghỉ, tập cả ngày chủ nhật vì không muốn một mình mình mà ảnh hưởng đến đồng đội” - trung sĩ Huỳnh Mai Bảo Dương, 25 tuổi (Phú Yên), chia sẻ.
Trung sĩ cho hay lúc đầu anh chàng bơi trên biển rất tệ, mà lại phải tập bơi theo đội hình trong sóng, gió nên càng khó.
“Bơi của hải quân đánh bộ không như kiểu bơi bình thường mà phải bơi theo đúng đội hình chiến đấu. Kiểu bơi này rất khó vì phải phân phối sức đều và giữ được đội hình chiến đấu trong khi sóng gió tác động, không đơn giản như khi bơi sông, môi trường nước ngọt” - Dương cho biết.
Dùng ý chí để vượt qua khổ luyện
Thao trường của hải quân đánh bộ là biển, là đồi cát không cây cối, chỉ có nắng gió. “Trời nắng ra đồi cát, chỉ ngồi không một ngày đã không chịu nổi rồi. Khi ra biển huấn luyện thì mặt trời trên đầu, dưới là nước biển bốc lên.
Có nhiều đợt huấn luyện đổ bộ dài ngày về da anh em chiến sĩ ai cũng bóc từng mảng, mặt mũi đen nhẻm, da với râu đồng màu hết” - trung tá Dương Chí Nguyện cười nói.
Điều khá đặc biệt là thời gian huấn luyện của lữ đoàn sớm hơn 30 phút so với các lực lượng khác: bắt đầu từ 6g30.
“Trước đây thời gian huấn luyện bắt đầu từ 7g nhưng những năm gần đây nắng nóng quá” - trung tá Dương Chí Nguyện giải thích. Nhiều lúc nhiệt độ ở thao trường lên đến 40 - 41 độ.
“Huấn luyện không thể đứng trong gốc cây được, phải ra nắng - trung tá Dương Chí Nguyện nói - Nhiều chiến sĩ mới về chưa quen, chỉ ngồi nghe giảng chiến thuật thôi đã chảy máu cam, có người bị ngất. Đi hành quân mang vác mới có 3km đã xỉu. Chúng tôi luôn có xe trạm xá đi theo để cấp cứu các chiến sĩ yếu sức. Vậy mà sau 5 - 6 tháng thì đi 15 - 20km là bình thường. Cường độ huấn luyện ở đây rất cao”.
Với những bài huấn luyện như thế, sức khỏe loại A thôi chưa đủ. Nói như thượng úy Nguyễn Văn Dương (đại đội trưởng đại đội hỏa lực) thì: “Quan trọng là ý chí và phải dám vượt qua chính mình”.
Trải qua những tháng ngày khổ luyện, giây phút chờ đợi nhất với mỗi chiến sĩ mới là lúc được tuyên thệ trước quân kỳ và trân trọng đón nhận vũ khí từ chỉ huy đơn vị trao, chính thức trở thành người chiến sĩ hải quân đánh bộ, chính thức ghi tên mình vào lực lượng tinh nhuệ của một lữ đoàn hai lần được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Khi tham gia chiến đấu, ngoài balô nặng 25kg gồm quân tư trang, mỗi người lính hải quân đánh bộ được trang bị rất nhiều vũ khí trang thiết bị hiện đại như: đồng hồ định vị vệ tinh, áo giáp chống đạn (nặng 13kg), mũ chống đạn, súng trường tấn công hiện đại được mua từ nước ngoài gần đây...
Lần diễn tập vừa rồi, đi liên tục chín tiếng mới vào đến trận địa mà mỗi người còn phải mang vác 40kg, hành quân qua mọi địa hình.
Hành quân chưa vào đến nơi chân đã phồng rộp, đi hình chữ bát. Nhiều lúc tưởng như không thể đi thêm một bước nữa, chân như đeo đá. Lúc đó sức khỏe không quyết định được, chỉ có ý chí mới vượt qua.
Theo Tuổi Trẻ