Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, không quân trực thăng Việt Nam chủ yếu làm nhiệm vụ vận tải, chở khách, phục vụ lãnh đạo Đảng và Nhà nước đi công tác, hoạt động di tản vũ khí khí tài chiến đấu chống máy bay Mỹ. Phải đến cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát họa diệt chủng giai đoạn 1978-1979 thì lực lượng trực thăng mới thực sự tham gia hoạt động chi viện, yểm trợ hỏa lực cho các đơn vị mặt đất tiến công địch.
Mà trực thăng UH-1 có thể xem là trực thăng đầu tiên của Không quân Nhân dân Việt Nam trực tiếp tham gia hoạt động chiến đấu tấn công quân địch trên chiến trường.
Nguồn gốc trực thăng UH-1 của Việt Nam
UH-1 là trực thăng đa năng do hãng Bell Helicopter (Mỹ) nghiên cứu thiết kế từ cuối những năm 1950 cho các lực lượng Quân đội Mỹ. Không quân Nhân dân Việt Nam có được số lượng lớn UH-1 sau tháng 4/1975, chúng là những vũ khí chiến lợi phẩm ta thu được từ kho vũ khí khổng lồ mà Mỹ cung cấp cho VNCH.
Theo cuốn Lịch sử Không quân Nhân dân Việt Nam, ở thời điểm cao nhất, Không quân VNCH sở hữu tới 594 chiếc trực thăng UH-1. Tính tới tháng 5/1975, bộ đội ta thu giữ được khoảng 50 chiếc UH-1 trong tình trạng tốt nhất, sử dụng được ngay.
|
Trực thăng UH-1 cất cánh từ Tân Sơn Nhất.
|
Các máy bay trực thăng UH-1 này sau đó được biên chế vào cho Trung đoàn trinh sát – vận tải 917 (thành lập ngày 20/7/1975, khi đó thuộc biên chế Sư đoàn 372, nay thuộc Sư đoàn 370) cùng trực thăng CH-47, trinh sát cơ L-19, U-17 thu được của Mỹ. Đoàn 917 có nhiệm vụ yểm trợ hỏa lực, trinh sát đường không, chỉ thị mục tiêu, đổ bộ vận chuyển/vận tải đường không, cấp cứu.
Trực thăng UH-1 được thiết kế tham gia nhiều loại nhiệm vụ gồm: vận tải, chở khách, cứu thương, tìm kiếm cứu nạn, trinh sát, huấn luyện và chiến đấu. Máy bay có trọng lượng rỗng 2,36 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa 4,3 tấn, có khả năng chở tối đa 14 binh sĩ hoặc 6 cáng cứu thương.
Trong nhiệm vụ chiến đấu, trực thăng UH-1 được trang bị các loại súng máy M60 hoặc GAU-17A (6 nòng) cùng cỡ 7,62mm ở 2 bên hông máy bay cùng 2 cụm rocket 7 nòng với đạn 70mm. Với hỏa lực này, UH-1 trở thành một trong những trực thăng có khả năng tấn công mặt đất cực kỳ hiệu quả, đặc biệt nguy hiểm với bộ binh.
Chiến công của trực thăng UH-1
Mặc dù các phi công Không quân Nhân dân Việt Nam trước 1975 chủ yếu vận hành trực thăng có nguồn gốc từ Liên Xô, trong khi UH-1 là trực thăng Mỹ có nhiều điểm khác biệt. Tuy nhiên, với tinh thần ham học hỏi, sáng tạo, các phi công Việt Nam chỉ trong vài năm đã làm chủ được trực thăng Mỹ huyền thoại này và nhanh chóng đưa vào sử dụng hiệu quả trong các chiến dịch bảo vệ tuyến biên giới Tây Nam.
|
Vũ khí tấn công của trực thăng UH-1.
|
Từ đầu năm 1977, quân Khơ Me đỏ đã nhiều lần ngang ngược đưa quân xâm lấn các xã biên giới nước ta, tàn bạo hơn chúng còn giết hại, đốt cháy nhà cửa vườn tược của nhân dân Việt Nam. Trước các hành động ngày càng nguy hiểm của Khơ Me đỏ, Đảng ta chủ trương chủ động phòng thủ bảo vệ biên giới một cách vững chắc, toàn diện, kết hợp trước mắt với lâu dài, kiên quyết bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, tính mạng của nhân dân. Các lực lượng không quân, hải quân, quân khu 7/9/5 được lệnh đánh trả quân xâm lược.
Đầu tháng 5/1977, Sư đoàn 330 (Quân khu 9) và lực lượng vũ trang địa phương bắt đầu chiến dịch phản kích quân xâm lược Khơ Me đỏ, Sư đoàn 372 đã sử dụng các máy bay chiến đấu A-37, trực thăng UH-1, CH-47, vận tải C-130, C-119 trực tiếp chi viện, yểm trợ hỏa lực cho đơn vị mặt đất tiến công địch. Đây được xem là hoạt động chiến đấu đầu tiên của trực thăng UH-1 thuộc biên chế Không quân Nhân dân Việt Nam.
Cụ thể, trong ngày 7/5, 5 trực thăng UH-1 mang rocket và súng máy liên tục công kích địch dọc chiến tuyến, diệt 2 ổ đề kháng. Tới 8/5, UH-1 tiếp tục yểm trợ hỏa lực trực tiếp, tiêu diệt bộ binh địch ở tuyến giao thông hào, diệt một ổ đại liên. Ngày 13/7, 16 lần chiếc UH-1 đã xuất kích chi viện hỏa lực cho bộ binh ta phản kích diệt địch lấn chiếm đoạn Giang Thành đến Bảy Núi. Từ đó tới tháng 12/1977, trực thăng UH-1 của Không quân Nhân dân Việt Nam đã liên tục xuất kích tấn công tiêu diệt nhiều quân xâm lược.
Sang năm 1978, Quân chủng Không quân đã tham gia chiến đấu hàng trăm trận, xuất kích hàng nghìn lần chiếc máy bay, gồm cả trực thăng UH-1 loại khỏi vòng chiến đấu hàng nghìn tên địch, phá hủy hàng loạt vũ khí. Theo đánh giá của Bộ chỉ huy mặt trận, không quân đã chi viện hỏa lực tích cực, có hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu tác chiến của quân khu, quân đoàn, hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng thủ biên giới.
|
Kiểm tra kỹ thuật trực thăng UH-1 trước giờ bay.
|
Cũng trong thời gian này, do thiếu phụ tùng, linh kiện thay thế khiến các máy bay chiến lợi phẩm gặp nhiều khó khăn trong hoạt động đảm bảo chiến đấu, gồm cả trực thăng UH-1. Mặc dù vậy, với tinh thần quyết tâm, cán bộ công nhân nhà máy A-42 đã khắc phục, bảo đảm đủ cơ số trực thăng vũ trang UH-1 phục vụ chiến dịch phản công và tiến công chiến lược giải phóng Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng (từ 23/12/1978 đến 17/1/1979).
Trong thời gian diễn ra chiến dịch, các máy bay trực thăng UH-1 cùng các máy bay tiêm kích F-5E, cường kích A-37, máy bay vận tải hạng trung mang bom C-130, C-119 và trinh sát U-17, RC-47…đã tiến hành nhiều đợt oanh kích mạnh mẽ vào căn cứ quân Khơ Me đỏ, chi viện hỏa lực cho bộ binh ta tiến công tiêu diệt địch, góp phần làm nên chiến thắng ngày 7/1/1979.
Sau giai đoạn này, các máy bay hệ 2 (chỉ chiến lợi phẩm thu được sau 1975) gặp nhiều khó khăn trong hoạt động do thiếu phụ tùng, linh kiện thay thế nên đã lần lượt ngừng hoạt động, gồm cả trực thăng UH-1.
Phải tới đầu những năm 1990, nhà máy A42 mới thực hiện việc khôi phục số lượng nhỏ UH-1 tiếp tục phục vụ cho tới ngày nay. Chiếc trực thăng UH-1 bị rơi sáng hôm qua (28/1) nằm trong số các máy bay do nhà máy A42 phục hồi sau nhiều năm ngừng bay.
Hiện nay, lực lượng trực thăng UH-1 vẫn thuộc biên chế Trung đoàn không quân 917 chuyên thực hiện nhiệm vụ vận tải, huấn luyện, tải thương, tìm kiếm cứu nạn và tham gia chiến đấu khi cần.
Hoàng Lê