HQND Việt Nam: Nỗ lực tiến lên hải quân nước lục (1)

Google News

(Kiến Thức) - Các chuyên gia của The Diplomat nhận định, Hải quân Nhân dân Việt Nam đang từng bước tiến lên trở thành "hải quân nước lục".

Trung tuần tháng 03/2016, tờ Diplomat đã cho đăng tải một bài viết của tác giả Collin Koh phân tích, đánh giá về quá trình hiện đại hóa Hải quân của Việt Nam. Báo điện tử Kiến thức xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:
Những hình ảnh về một chiếc tàu buồm không vũ trang, có vẻ vô hại đối lập là sự tương phản với những tàu mặt nước và tàu ngầm hiện đại mà Hải quân Nhân dân Việt Nam được trang bị trong những năm gần đây.
Tàu buồm số hiệu 286 mang tên Lê Quý Đôn, một nhà bác học lỗi lạc của Việt Nam trong thế kỉ 18, chính là chiếc tàu mới nhất gia nhập biên chế của lực lượng hải quân đang phát triển mạnh nhất Đông Nam Á.
Mặc dù không được báo chí đưa tin rầm rộ như các tàu ngầm lớp Kilo cải tiến, song tàu buồm Lê Quý Đôn chính là biểu hiện rõ ràng nhất cho việc rũ bỏ vị trí “hải quân nước nâu” của Việt Nam để tiến lên trở thành “hải quân nước lục”.
Hải quân nước lục - green water navy - là khái niệm không chính thức để chỉ những lực lượng hải quân hoạt động trong vùng biển ven bờ của quốc gia mình, nhưng có thể vươn ra các vùng biển xa lân cận. Hải quân nước lục có những tàu chiến biển xa, nhưng đồng thời vẫn dựa nhiều vào các lực lượng ven bờ để bảo vệ vùng biển của mình.
HQND Viet Nam: No luc tien len hai quan nuoc luc (1)
 Tàu buồm huấn luyện 286 Lê Quý Đôn
Được đóng tại Ba Lan, tàu buồm 286 Lê Quý Đôn dài 67m, nặng 857 tấn, biên chế thủy thủ đoàn 30 người. Tàu có thể mang theo đến 80 học viên sĩ quan hay thủy thủ. Con tàu được dự kiến sẽ thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ: Vừa huấn luyện dài ngày trên biển, vừa thực hiện nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng, viếng thăm các cảng thân thiện, tương tự như chiếc Tarangini của Ấn Độ.
Nhiều yêu cầu nhiệm vụ nặng nề
Dù có thể thấy được những điểm sáng hi vọng ở con tàu buồm Lê Quý Đôn, song điều đó cũng cho thấy Hải quân Nhân dân Việt Nam đang rất thiếu năng lực hoạt động tầm xa.
Trước hết, những nguồn lực đầu tư được phân chia giữa Hải quân nhân dân Việt Nam và các lực lượng dân sự khác như Cảnh sát biển Việt Nam (Vietnam Coast Guard - VCG) và Kiểm ngư Việt Nam (Vietnam Fisheries Resources Surveillance - VFRS). Với nguồn lực hạn chế cho các lực lượng, thì thứ tự ưu tiên mua sắm sẽ là việc đáng bàn.
Việt Nam càng đầu tư nhiều vào các đơn đặt hàng lớn cho hải quân như khinh hạm Gepard 3.9, tàu ngầm Kilo cải tiến và các tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya, thì gánh nặng tài chính sẽ càng khiến cho Việt Nam khó có thể mua sắm được những tàu chiến lớn hơn.
HQND Viet Nam: No luc tien len hai quan nuoc luc (1)-Hinh-2
 
Những hạn chế về tài chính này không chỉ là vấn đề với Hải quân Nhân dân Việt Nam, mà là cả với các lực lượng khác như VCG và VFRS. Cảnh sát biển và Kiểm ngư Việt Nam cũng đang nỗ lực để có thêm nhiều phương tiện tuần tra hơn nhằm đối phó với những thách thức hàng hải có thể dự đoán trước, mà nổi bật là những tranh chấp liên quan đến giàn khoan dầu HYSY 981 năm 2014.
Trong những năm gần đây, Hải quân Nhân dân Việt Nam đã thường xuyên xuất hiện trong các hoạt động thực hiện nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng, thường được gọi là “ngoại công”. Trong bối cảnh các lực lượng lục quân - vốn chiếm tỉ trọng lớn nhất trong Quân đội Nhân dân Việt Nam - đã bắt đầu tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế, thì không có lí do gì để Hải quân Nhân dân Việt Nam từ chối những nhiệm vụ “ngoại công” như vậy.
Trước những nhiệm vụ nặng nề của thời bình, Hải quân Nhân dân Việt Nam sẽ phải đối mặt với thực trạng về năng lực hiện có của mình. Những chiếc tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 đã thay thế những tàu hộ vệ săn ngầm Petya kiểu cũ từ thời Xô viết trong vai trò “cái đinh” của lực lượng tàu mặt nước hải quân.
Bên cạnh việc tuần tra thường xuyên trên Biển Đông, các tàu Gepard 3.9 cũng thường xuyên thực hiện nhiệm vụ đối ngoại quân sự, sang thăm cảng của các nước trong khu vực.
Đáng chú ý, gần đây Việt Nam vừa cử tàu HQ-011 Đinh Tiên Hoàng sang tham dự Duyệt binh hải quân quốc tế tại Ấn Độ (Hiện nay Việt Nam đã không còn dùng tiền tố HQ trong số hiệu tàu chiến cho phù hợp với thông lệ quốc tế, chỉ còn gọi là tàu 011 Đinh Tiên Hoàng).
HQND Viet Nam: No luc tien len hai quan nuoc luc (1)-Hinh-3
 Đại tá Lê Xuân Thủy, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân bắt tay chào tiễn cán bộ chiến sĩ tàu hộ vệ 011 Đinh Tiên Hoàng lên đường tham dự Duyệt binh Hải quân Quốc tế tại Ấn Độ - Ảnh: Tuổi Trẻ
Tuy nhiên, xét về lâu dài, có thể thấy rõ là hai tàu hộ vệ Gepard 3.9 đang là lực lượng tàu chiến "nước lục" duy nhất của Hải quân Nhân dân Việt Nam, và việc để các tàu này thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ sẽ không phải là giải pháp lâu dài.
Thực lực quân sự không nên bị chia sẻ giữa khả năng sẵn sàng chiến đấu để đối phó với những biến động trên biển Đông và nhiệm vụ ngoại giao quốc phòng. Dĩ nhiên, vấn đề này có thể được giải quyết nếu như Việt Nam mua thêm nhiều tàu chiến Gepard 3.9. Nhưng hiện nay, đôi tàu Gepard 3.9 thứ hai - được cho là tối ưu hóa cho nhiệm vụ tác chiến chống ngầm ASW - vẫn đang trong giai đoạn triển khai. Triển vọng mua sắm thêm các tàu chiến đi biển xa vẫn còn bỏ ngỏ.
Những khó khăn trong việc mua sắm
Việc mua sắm của Hải quân Nhân dân Việt Nam thường đặc trưng bởi thời gian dài và số lượng nhỏ - một hệ quả của những hạn chế trong kinh phí. Chương trình mua các tàu Gepard 3.9 không chỉ gặp khó khăn vì kinh phí, mà còn vì nhiều yếu tố khác cản trở quá trình xây dựng lực lượng tàu chiến của Hải quân Nhân dân Việt Nam.
Khi Hải quân Nhân dân Việt Nam đang bận rộn với việc đặt hàng cặp tàu Gepard 3.9 đầu tiên, đã có nhiều nỗ lực để gia tăng tiến độ đóng cặp tàu thứ hai. Chiếc đầu tiên của cặp tàu này đã hoàn thành giai đoạn đầu tại nhà máy đóng tàu Zelenodolsk vào tháng 12/2003, đặt ra khả năng giao hàng hai chiếc của cặp tàu này lần lượt vào năm 2016 và 2017.
Tuy nhiên, trục trặc đã xảy ra khi quan hệ giữa Nga và Ukraine đổ vỡ do cuộc khủng hoảng bán đảo Crimean. Kiev đã ngừng việc xuất khẩu các động cơ turbine khí cho tàu chiến của Moskva, gây ra khó khăn cho các dự án đóng tàu của nước này. Tuy vậy, vào tháng 11/2014, đại diện của nhà máy đóng tàu Zelenodolsk mang tên Gorky đã cam đoan rằng hai tàu Gepard 3.9 sẽ được bàn giao đúng hạn cho Việt Nam.
HQND Viet Nam: No luc tien len hai quan nuoc luc (1)-Hinh-4
 Đội hình tàu chiến đấu mặt nước của Hải quân Nhân dân Việt Nam
Tuy nhiên, đến tháng 3/2015 thì diễn biến của quá trình đóng tàu đã xấu đi đúng như dự đoán, do những ảnh hưởng của sự đổ vỡ trong quan hệ Nga - Ukraine. Vào tháng 5/2015, nhà máy đóng tàu Gorki thông báo hai tàu chiến Việt Nam đặt hàng đã chuyển sang giai đoạn lắp đặt các hệ thống khí tài. Nhưng đến tháng 6 thì nhà máy đã thừa nhận tiến độ giao hàng sẽ bị chậm - dời sang năm 2017 và 2018.
Phía nhà máy cũng thừa nhận việc đóng tàu được tiếp tục là thông qua những nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong việc tìm kiếm các động cơ cho cặp tàu chiến.
Đến tháng 3/2016, trong chuyến công du đến thủ đô Hà Nội, Ralf Brauksiepe, một quan chức của Bộ Quốc phòng Đức, cam kết rằng Đức sẽ hỗ trợ Việt Nam trong hợp tác đào tạo quân sự và công nghiệp quốc phòng. Điều thú vị là, phía Đức dự tính sẽ cung cấp các động cơ cho cặp tàu Gepard 3.9 thứ hai mà Việt Nam đang đặt hàng từ Nga.
Điều này sẽ cho phép Hà Nội đẩy nhanh tiến độ đóng tàu, tránh việc phụ thuộc vào nhà thầu phụ cung cấp động cơ. Đây cũng có thể là một kinh nghiệm cho Việt Nam, khi phụ thuộc nhiều vào Nga như là nguồn cung cấp trang bị khí tài duy nhất cho hải quân.
Tuy vậy, chương trình Gepard 3.9 không phải là vấn đề duy nhất của Hải quân Nhân dân Việt Nam. Sự đổ vỡ trong thỏa thuận về tàu hộ vệ SIGMA với công ty đóng tàu Damen của Hà Lan là một cơ hội đã bị bỏ lỡ trong đa dạng hóa nguồn thiết bị cho Hải quân Nhân dân Việt Nam.
Và như vậy, cho đến năm 2018, Hải quân Nhân dân Việt Nam sẽ chỉ có 4 tàu hộ vệ Gepard. Sẽ chỉ có 1 và nhiều nhất là 2 trong số này có thể thực hiện nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu trong một thời điểm nhất định. Lực lượng này là chưa đủ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nặng nề mà Hải quân Nhân dân Việt Nam đang gánh vác. Các tàu chiến và thủy thủ đoàn của nó sẽ phải căng ra thực hiện rất nhiều hoạt động khác nhau.
Với việc chỉ có một nguồn lực hạn chế và phạm vi nhiệm vụ rất rộng, thì tàu buồm Lê Quý Đôn cũng là một phần giải pháp cho Hải quân Nhân dân Việt Nam. Trước hết, con tàu sẽ là phương tiện huấn luyện đi biển xa cho các học viên sĩ quan hải quân, đồng thời vẫn là tàu ngoại giao quốc phòng. Tàu buồm Lê Quý Đôn sẽ cho phép các tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 tập trung hơn cho việc sẵn sàng chiến đấu trên biển Đông, mặc dù khi cần thiết chúng vẫn sẽ được sử dụng cho hoạt động đối ngoại quân sự.
Thanh Hoa