Tuần báo Russian Military Messenger vừa đăng tải bài viết “Sau 20 năm nữa Trung Quốc mới có thể trở thành cường quốc trên biển” của Phó Chủ tịch Học viện các vấn đề địa chính trị, Tiến sĩ Khoa học Quân sự Konstantin Sivkov.
Theo bài viết, Hải quân Trung Quốc có khoảng 250.000 quân, có một tàu sân bay Liêu Ninh, 3 tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo, 5 tàu ngầm hạt nhân tấn công, khoảng 60 tàu ngầm phi hạt nhân, khoảng 60 tàu khu trục và tàu hộ vệ, hơn 160 tàu quét mìn và tàu đổ bộ, khoảng 300 tàu cao tốc các loại.
Bài viết cho rằng, phần lớn công nghệ tàu chiến của Hải quân Trung Quốc lạc hậu. Nhưng hiện nay tốc độ phát triển của Hải quân Trung quốc được xếp vào hàng đầu thế giới, một loạt các tàu chiến kiểu mới lần lượt được biên chế.
Tàu ngầm: đông nhưng chưa mạnh
Theo bài viết, tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo Type 094 là nền móng lực lượng trọng tâm của Hải quân Trung Quốc. Hiện nay Trung Quốc có 3 tàu ngầm Type 094 và 3 tàu đang được đóng.
Những tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể tiêu diệt được mục tiêu tại Mỹ, Nga và các nước châu Âu. Nhưng so với tiêu chuẩn hiện nay, tiếng ồn của loại tàu ngầm này quá lớn, chỉ có thể được triển khai tại khu vực nước nông, cũng không thể đảm bảo được nó có giải quyết được vấn đề nó có thể tránh được các cuộc tấn công chống tàu ngầm của đối phương. Xét đến khía cạnh thiết bị tìm kiếm tàu ngầm cố định và cơ động của Mỹ đã phát triển đến mức rất cao, Hải quân Trung Quốc rất khó giải quyết vấn đề này.
|
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094 của Trung Quốc.
|
Tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 093 thuộc tàu ngầm hạt nhân kiểu mới của Hải quân Trung Quốc. Và đã có 2 tàu được biên chế sử dụng, một tàu đang được đóng. Trung Quốc có kế hoạch đóng 5 tàu ngầm hạt nhân Type 095 – biến thể nâng cấp của Type 093 trước năm 2020.
Tàu ngầm phi hạt nhân do Trung Quốc sản xuất bao gồm lớp Type 041 và Type 039. Thông số kỹ thuật của tàu ngầm Type 041 và 039 đã đạt trình độ thế giới, có thể đối phó hiệu quả tàu ngầm hạt nhân Los Angeles của Mỹ và Project 971 Schuka-B của Nga.
Ngoài tàu ngầm được đóng từ trong nước, Hải quân Trung Quốc còn trang bị 12 tàu ngầm lớp Kilo Project 636 và Project 877EKM của Nga. Những tàu ngầm này có thể phối hợp với tàu chống ngầm và không quân hải quân để hoàn thành nhiệm vụ săn tàu ngầm tại khu vực ven biển Trung Quốc.
Tóm lại, sau một thời gian rất dài, khả năng của tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc khi tác chiến viễn dương vẫn còn hạn chế. Nhưng xét về số lượng tàu ngầm, nó vẫn có thể phối hợp với lực lượng lục quân và không quân hải quân để gây thiệt hại đáng kể cho đối phương.
Tàu sân bay Liêu Ninh: giá trị không lớn
Đối với các tàu chiến mặt nước kiểu mới của Trung Quốc, đầu tiên phải đề cập đến đó là tàu sân bay Liêu Ninh. Trang bị của nó cho thấy sức mạng tàu sân bay Trung Quốc bắt đầu được thiết lập.
Tàu Liêu Ninh vốn là tàu sân bay cũ Varyag do Liên Xô đóng, được mua từ Ukraine với giá rẻ nhất thế giới, 20 triệu USD. Trong quá trình cải tạo, thiết bị kỹ thuật chủ yếu của nó là do Trung Quốc tự nghiên cứu chế tạo. Về lý thuyết, tàu sân bay Liêu Ninh có thể mang được khoảng 60 máy bay, bao gồm 40 tiêm kích hạm J-15 và khoảng 20 trực thăng các loại.
|
Tàu sân bay Liêu Ninh hiện không có nhiều giá trị đáng để quan tâm.
|
Tuy nhiên, giới phân tích quốc tế bao gồm cả chuyên gia Mỹ cho rằng, ý nghĩa của tàu sân bay Liêu Ninh không lớn. Đầu tiên là về tính năng chủ yếu của J-15 như hệ thống điện tử, vũ khí trang bị kém hơn so với máy bay F/A-18E/F của Mỹ.
Tiếp theo, hiện nay tàu sân bay Liêu Ninh vẫn chưa được trang bị hệ thống radar dẫn đường và các loại vũ khí chiến đấu và trinh sát, khiến khả năng tác chiến của nó bị suy yếu lớn. Cuối cùng là tàu sân bay Liêu Ninh hầu như không có khả năng tự bảo vệ, chỉ có thể tấn công mục tiêu trên không bay ở tầm thấp. Và Trung Quốc có thể phải mất 1-2 năm nữa mới có thể đóng được một tàu sân bay giá trị thực sự.
Tàu chiến mặt nước tuy mạnh nhưng vẫn yếu thế
Bài viết chỉ ra, tàu khu trục hiện đại nhất của Hải quân Trung Quốc thuộc 2 lớp Type 051C và 6 chiếc Type 052C. So với 4 tàu khu trục hiện đại Project 956 do Nga chế tạo thì các tàu này được trang bị hệ thống tên lửa chống tàu, phòng không mạnh hơn hẳn.
Về phần lực lượng tàu hộ vệ, Trung Quốc có trong biên chế khá nhiều tàu hộ vệ Type 053 và Type 054. Tuy nhiên, Type 054A là loại hiện đại nhất được thiết kế tàng hình, vũ khí chống tàu và phòng không mạnh mẽ có thể đối phó hiệu quả các cuộc tấn công từ trên không.
Dựa vào lực lượng tàu chiến đấu mặt nước trên, Trung Quốc có thể tổ chức thành 6 đội tàu chiến, hoặc 1 đội tàu sân bay cộng thêm 23 tàu chiến. Dưới sự phối hợp của tàu ngầm và không quân hải quân, có thể tiêu diệt được một đội tàu sân bay của Mỹ.
|
Tuy lực lượng tàu chiến mặt nước Trung Quốc khá mạnh nhưng vẫn còn "khoảng cách lớn" khi so với Nga, Mỹ.
|
Tuy nhiên, lực lượng như vậy chưa phải là đủ để Hải quân Trung Quốc có thể đối kháng hiệu quả Hải quân Mỹ tại khu vực biển viễn dương. Thậm chí, ngay cả khi so với Hải quân Nga, Trung Quốc cũng có khoảng cách không nhỏ vì Nga có lợi thế rất lớn về tàu ngầm.
Trong phòng thủ vùng ven biển, tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056 thể hiện sự nổi trội trong lực lượng phòng vệ ven biển Trung Quốc. Nó được trang bị một loạt thiết bị phóng tên lửa chống tàu mặt nước Ưng Kích -83 và hệ thống phòng không FL-3000N. Hiện nay, Trung Quốc có khoảng 10 tàu hệ vệ kiểu này. Trung Quốc còn trang bị hơn 40 tàu cao tốc tên lửa tàng hình Type 022 lớp Hồ Bắc.
Số lượng tàu này có thể giúp Hải quân Trung Quốc tổ chức xây dựng 3 đội tìm kiếm và tấn công tàu ngầm đối phương tại khu vực ven biển hoặc nhiều nhất là 10 đội tàu chiến đấu trang bị tên lửa để đối phó với tàu mặt nước của đối phương.
Không quân hải quân
Trong Không quân Hải quân Trung Quốc, lực lượng tấn công (tức là máy bay tấn công tàu mặt nước) tương đối phát triển. Hải quân Trung Quốc hiện có 48 tiêm kích đa năng Su-30MK2 và J-16 (sao chép công nghệ Su-30MK), số lượng nhỏ tiêm kích nội địa J-10A, 54 máy bay cường kích JH-7A và 124 tiêm kích đánh chặn hạng nhẹ J-8II.
|
Tiêm kích hiện đại nhất Không quân Hải quân Trung Quốc, Su-30MK2.
|
Những máy bay chiến đấu này đủ để bảo vệ tàu hải quân tại khu vực ven biển tránh được các cuộc tấn công từ trên không của đối phương. Nó còn có thể phát động cuộc tấn công tập trung đối với tàu chiến đối phương ở vùng ven biển.
Bài viết chỉ ra, không ít chuyên gia quân sự khi so sánh lực lượng Hải quân Trung Quốc và Nga cho rằng, Hải quân Trung Quốc chiếm ưu thế áp đảo. Điều này không hoàn toàn đúng, hiện nay Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Nga đủ để đối kháng với Hải quân Trung Quốc.
Nếu Hải quân Trung Quốc và Nga đều duy trì đà phát triển như hiện nay, sau 7 hoặc 12 năm nữa Hải quân Trung Quốc mới có thể chiếm ưu thế tuyệt đối.
Bằng Hữu