Mới đây, tờ Defence News đăng tải thông tin gây sốc dẫn lời quan chức Hải quân Mỹ: "Hải quân sẽ giảm số lượng tàu sân bay từ 11 về 8 hoặc 9 chiếc. Quân số lực lượng Lính thủy đánh bộ giảm từ 182.000 xuống 150.000-175.000."
Nhưng ngay sau đó, hàng loạt quan chức quốc phòng cấp cao của Mĩ đã liên tục nhấn mạnh rằng, mọi việc vẫn chỉ đang ở trên bàn nghị sự. Việc cắt giảm số lượng tàu sân bay chỉ là một kiến nghị được đề xuất. Mọi việc vẫn chưa được quyết định.
Giảm số lượng tàu sân bay không hề đơn giản
Vấn đề của việc cắt giảm số lượng tàu sân bay ở đây không chỉ nằm ở các tàu mà đi kèm với đó là phi đội máy bay trên hạm cùng đội tàu hộ tống gồm một tàu tuần dương tên lửa và 3-4 tàu khu trục.
Theo tờ Defence News, việc giảm các biên đội tàu sân bay sẽ giúp tiết kiệm nhiều chi phí, phục vụ hiện đại hóa. Thay vì những máy bay F/A-18 Hornet chủ yếu là biến thể C, việc cắt giảm sẽ cho phép người Mĩ có một phi đội Super Hornet biến thể E và F hiện đại hơn. Song song với đó, trực thăng săn ngầm SH-60 cũng sẽ sớm về nghỉ hưu.
Nếu việc cắt giảm được phê duyệt, trong số 11 tàu Nimitz đang được sử dụng, các tàu USS Dwight D. Eisenhower, USS Carl Vinson và USS Theodore Roosevelt có thể sẽ thoát khỏi cảnh “về hưu”, vì chúng vừa tiếp “nhiên liệu” cho lò phản ứng. Còn Abraham Lincoln vừa mới bắt đầu đại tu tại nhà máy Newport News nên có lẽ vẫn còn nằm trong vòng an toàn.
Nằm trong “danh sách đen” là các tàu USS George Washington, phải đến năm 2015 mới tiến hành tiếp nhiên liệu. Có khả năng nó sẽ sớm “lên đường” cùng với 2 tàu USS John C. Stennis và USS Harry S. Truman.
|
Việc cắt giảm số lượng tàu sân bay không chỉ gây ảnh hưởng tới quân sự mà cả tới vấn đề kinh tế.
|
Tuy nhiên, việc cắt giảm số lượng tàu sân bay đối với Hải quân Mỹ không hề dễ dàng. Việc này kéo theo hệ lụy là hàng ngàn công nhân ở các doanh nghiệp, các căn cứ hậu cần cho biên đội tàu sân bay phải nghỉ việc.
Ngoài ra, chi phí xử lí, khử xạ cho các tàu sân bay cũng sẽ kéo dài nhiều năm. Tàu sân bay Enterprise có đến 8 lò phản ứng, và chi phí xử lí lên đến 1,1 tỉ USD. Tàu sân bay lớp Nimitz chỉ có 2 lò phản ứng, nhưng cũng sẽ rất tốn kém.
Người ta đang tính đến giải pháp duy trì hoạt động của các lò phản ứng ở mức tối thiểu, giữ nó như một căn cứ hải quân. Nếu như tắt hoàn toàn lò phản ứng, sẽ khó có thể tái sử dụng lại nó, ví dụ như trong ngành luyện kim chẳng hạn.
Nghỉ hưu hàng loạt tàu Aegis
Bên cạnh việc tính toán tới các phương án cắt giảm tàu sân bay, Mỹ cũng đang tính tới việc cho về hưu một số tàu tuần dương, khu trục Aegis.
Trong đó, 22 tàu tuần dương lớp Ticonderoga trang bị hệ thống chiến đấu Aegis của Hải quân Mỹ đang ở nửa sau của sự nghiệp phục vụ kéo dài 30-35 năm của chúng. Có thể trong tương lai gần, ít nhất có 7 chiếc được cho về hưu.
Về phần lớp tàu khu trục Arleigh Burke, chiếc đầu tiên đưa vào biên chế năm 1991 và cho tới hiện nay thì Hải quân Mỹ tiếp tục đóng thêm tàu mới. Lẽ dĩ nhiên việc cắt giảm có thể diễn ra nhưng sẽ nằm ở các tàu được đóng đầu tiên, điều đó sẽ giúp tiết kiệm ít nhiều kinh phí bảo dưỡng dồn ngân sách hiện đại hóa các tàu còn lại cũng như đóng thêm tàu mới cải tiến.
Bên cạnh đó, chương trình phát triển hệ thống radar phòng thủ tên lửa thế hệ mới cho biến thể Arleigh Burke Flight III cũng có thể bị đình lại.
|
Cùng với tàu sân bay, lớp tàu tuần dương và khu trục Aegis cũng sẽ bị cắt giảm, tất nhiên nếu kế hoạch "gây sốc" này được phê duyệt.
|
Đối với tàu chiến ven biển LCS kiểu mới, kế hoạch ban đầu dự định Hải quân Mỹ cần 52 chiếc loại này. Hiện con số được đóng đã đạt tới mức 24 tàu và bây giờ Hải quân Mỹ đang xem xét liệu có nên tiếp tục hay dừng lại?
Song song với việc Hải quân, lực lượng Lính thủy Đánh bộ Mỹ cũng sẽ bị cắt giảm. Một điều chắc chắn là lực lượng tàu đổ bộ tấn công sẽ bị nghỉ hưu vài chiếc.
Theo đó, các tàu đổ bộ lớp Peleilu có thể sẽ nghỉ hưu toàn bộ để thay thế bằng lớp America. Còn lớp Wasp do có kinh phí bảo dưỡng quá lớn lên tới 110 triệu USD/chiếc nên khó có thể tránh khỏi số phận “về vườn sớm”.
Lớp tàu San Antonio đang đóng chiếc thứ 11, nên sẽ khó bị cắt giảm. Nhưng số phận các tàu lớp Whidbey Island thì không khác gì “cá nằm trên thớt”.
Tàu ngầm cũng khó thoát cảnh “về vườn”
Người Mĩ đặc biệt ưu ái lực lượng tàu ngầm – quả đấm thép trên biển. Nhưng đương nhiên việc cắt giảm lực lượng không thể không ảnh hưởng đến “con cưng hải quân”.
Người Mĩ đang nghĩ đến việc lắp đặt module VPM với 4 ống phóng cho các tàu ngầm Virginia Block V, nhưng công việc có thể bị đình lại vì tiêu tốn 350 triệu USD cho mỗi tàu ngầm. Nhưng nếu không thực hiện, thì 4 tàu ngầm sẽ phải nghỉ hưu năm 2020 mà không có thay thế. Chương trình thiết kế tàu ngầm mới thay thế các lớp tàu Ohio cũng gặp khó khăn.
Tóm lại, Hạm đội Hải quân Mĩ sẽ bị giảm xuống còn 230-250 tàu, kéo theo đó là giảm nhu cầu hậu cần, sửa chữa, gây khó khăn cho các doanh nghiệp quốc phòng, và tất nhiên là cả lực lượng công nhân đông đảo. Điều này sẽ kéo theo nhiều hệ lụy trong xã hội Mỹ.
Lương Minh