Hải quân Indonesia hướng tới ngôi vị số 1 ĐNA

Google News

Nhằm bảo vệ vùng lãnh hải rộng lớn cùng hơn 13.000 hòn đảo lớn nhỏ, Indonesia đã xây dựng cho mình một lực lượng hải quân đông đảo, hùng hậu.

Đông nhất Đông Nam Á

Hải quân Indonesia được thành lập ngày 22/8/1945 với vai trò chính là bảo vệ chủ quyền lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, tuyến đường hàng hải chiến lược và chống lại mọi mối đe dọa trên biển.

Hiện nay, quân số thường trực của hải quân gồm 74.000 quân. Tổ chức hải quân gồm: Bộ chỉ huy đầu não ở Jakarta; Bộ tư lệnh Hạm đội phía Đông và Bộ tư lệnh Hạm đội phía Tây;  lực lượng Lính thủy đánh bộ; Không quân Hải quân và Bộ tư lệnh Hải vận.

Các đơn vị tàu được trang bị khoảng 150 chiếc các loại, trong đó số tàu chiến đấu khoảng 70 chiếc gồm: 6 khinh hạm, 23 tàu hộ tống, 2 tàu ngầm và hàng chục tàu pháo-tàu tên lửa cỡ nhỏ. Hầu hết các tàu chiến được Indonesia mua lại từ Hải quân Hà Lan và Đức.

Trong đó, 6 khinh hạm thuộc lớp Ahmad Yani do Hà Lan đóng từ những năm 1960. Giai đoạn 1986-1987, Indonesia đã mua lại 6 tàu và hiện đại hóa với trang bị vũ khí mới gồm: pháo hạm 76mm (thay cho pháo 113mm), tổ hợp tên lửa chống tàu C-802 (thay cho tên lửa Harpoon), tổ hợp tên lửa đối không Mistral (thay cho tên lửa Sea Cat), hệ thống chống ngầm.

Theo một số nguồn tin, gần đây Indonesia đã trang bị cho 1 tàu lớp Ahmad Yani hệ thống tên lửa chống hạm SS-N-26 Yankhont. Đây là loại tên lửa cực kỳ hiện đại của Nga, có tốc độ bay siêu âm, sức công phá mạnh, tầm bắn xa tới 300km.
Khinh hạm Ahmad Yani bắn thử tên lửa SS-N-26.

Về đội tàu hộ tống, có thể nói Indonesia là quốc gia sở hữu số lượng tàu hộ tống lớn nhất khu vực gồm nhiều chủng loại. Trong số đó, Indonesia sở hữu 16 tàu săn lớp Parchim mua của Đức năm 1992 với giá “rẻ như cho”.

Lực lượng tàu ngầm Indonesia đang sử dụng 2 chiếc lớp Cakra mua của hãng HDW Đức năm 1981.

Số tàu pháo, tàu tên lửa, tàu đổ bộ phần lớn được Indonesia mua lại từ Hàn Quốc, Hà Lan và một số tàu tự thiết kế đóng mới.

Lực lượng lính thủy đánh bộ biên chế 2 lữ đoàn và 300-400 xe tăng, xe bọc thép lội nước.

Không quân Hải quân biên chế 70 máy bay các loại chủ yếu dùng cho nhiêm vụ tuần tra, trinh sát biển.

Nhìn chung, Hải quân Indonesia rất đông đảo, hùng hậu nhưng các trang bị đều thuộc thế hệ cũ. Các tàu chiến chủ lực mua theo kiểu “hàng thanh lý” từ Hà Lan, Đức vốn dĩ chế tạo theo công nghệ những năm 1960-1970 nên đã khá lạc hậu. Mặc dù, Indonesia cũng tự nâng cấp nhưng tuổi thọ vũ khí khá lớn.

Trước tình hình đó, gần đây Indonesia tăng cường hiện đại hóa hải quân bằng mua sắm và “tự lực cánh sinh”. Nước này đang hướng tới mục tiêu trở thành hải quân tiên tiến nhất khu vực Đông Nam Á. Hai yếu tố “đông” và “hiện đại” sẽ đưa Hải quân Indonesia lên ngôi vị số 1 Đông Nam Á.

Hướng tới ngôi vị số 1

Để thực hiện mục tiêu sở hữu công nghệ tiên tiến nhất khu vực, Indonesia đi theo con đường mua sắm các loại tàu chiến mới của các nước tiên tiến.

Năm 2010, Bộ Quốc phòng Indonesia ký thỏa thuận với hãng Damen Hà Lan đóng mới khinh hạm tàng hình Sigma 10514 dài 105m. Tàu trang bị pháo hạm 76mm, tổ hợp tên lửa đối hạm MM-40 Exocet Block II, tổ hợp tên lửa đối không tầm trung MICA phóng thẳng đứng, tổ hợp pháo bắn nhanh, ngư lôi và hệ thống radar tiên tiến.

Tháng 12/2011, Indonesia ký thỏa thuận với hãng Daewoo Hàn Quốc đóng 3 tàu ngầm tấn công lớp Chang Bogo trị giá 1,07 tỷ USD. Dự kiến, việc chuyển giao diễn ra vào giai đoạn 2015-2018. Loại tàu ngầm này được đánh giá là lớn hơn, tiên tiến hơn rất nhiều so với tàu Cakra.
Tàu tên lửa tàng hình KRI Klewang 625 - niềm tự hào nền công nghiệp đóng tàu quân sự Indonesia.

Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở việc mua sắm, Indonesia còn tiến xa hơn thế. Trong bất kỳ hợp đồng nào, nước này còn yêu cầu các đối tác chuyển giao công nghệ chế tạo tàu. Qua những kinh nghiệm đúc kết từ việc này, Indonesia sẽ có “vốn liếng” đáng kể để tự thiết kế đóng mới các tàu chiến tiên tiến.

Đây là hướng đi mà Indonesia đã áp dụng từ trước đó và bước đầu đạt được những thành tựu đáng kể. Ngày 31/8, Indonesia đã hạ thủy tàu tên lửa tàng hình ba thân KRI Klewang 625 được đóng mới hoàn toàn bằng công nghệ trong nước.

Con tàu được thiết kế tối ưu cho khả năng tàng hình, giảm tín hiệu phản xạ sóng radar trên biển, tín hiệu hồng ngoại, âm thanh, từ tính. Tàu được trang bị hiện đại với hệ thống điện tử tinh vị, hỏa lực mạnh (8 tên lửa hành trình C-704, tổ hợp pháo 6 nòng).

Một số chuyên gia quốc tế đánh giá, KRI Klewang là chiến hạm tàng hình hiện đại nhất Đông Nam Á. Rất tiếc, chỉ ít ngày sau lễ hạ thủy, tàu Klewang đã “hóa tro” sau một vụ hỏa hoạn ngay tại bến đỗ.

Dẫu sao, việc đóng thành công KRI Klewang là minh chứng rõ ràng nhất cho những tiến bộ vượt bậc của công nghiệp đóng tàu quân sự Indonesia. Trước khi hạ thủy tàu Klewang, Indonesia đã đưa vào phục vụ 2 tàu cao tốc tên lửa KCR-40 tự đóng. Tương lai gần, hải quân nước này sẽ trang bị thêm khoảng 24 chiếc nữa.


Hoàng Lê (tổng hợp)