Sau cách mạng Tháng Tám thành công, nhân dân các địa phương đã đứng lên làm chủ và thành lập chính quyền cách mạng lâm thời. Mặc dù vậy, ở một vài nơi khu vực miền Bắc, thình thoảng vẫn nổ ra hoạt động quân sự với quy mô không lớn. Các lực lượng vũ trang non trẻ luôn trong tư thế sẵn sàng bảo vệ chính quyền cách mạng. Trong thời gian này, chiến công bắt 2 tàu quân sự của Pháp ở vùng biển Hòn Gai là một chiến thắng lớn. Đây chính là chiến thắng đặt nền móng cho sự phát triển của lực lượng hải quân nước ta sau này.
Sau chiến thắng giải phóng Quảng Yên ngày 26/7/1945, khởi nghĩa Hải Phòng ngày 5/9/1945, Đại đội Kỳ Con được thành lập. Nguyễn Bình, Tư lệnh Chiến khu Duyên Hải giao cho đại đội nhiệm vụ cơ động, ra chi viện cho chính quyền cách mạng non trẻ ở thị xã Hòn Gai vì đang bị quân Pháp và bọn Đại Việt, thổ phỉ uy hiếp nặng.
|
Tàu pháo Hải quân Nhân dân Việt Nam trên vịnh Hạ Long. Ảnh: quansuvn.net.
|
Ngày 5/9/1945, Đại đội Kỳ Con đi đường biển ra thị xã Hòn Gai, nhưng chỉ có trung đội của Bùi Văn Sinh đi trước dưới sự chỉ huy của Lê Phú, Đại đội trưởng. 5h sáng ngày 6/9, nhận được tin có một tàu Pháp đang vào bến Hòn Gai, Đại đội trưởng Lê Phú cho xuất quân. Một tiểu đội lên tàu Bạch Đằng, một tiểu đội lên tàu Giao Chỉ. Lê Phú, Bùi Văn Sình cùng các chiến sĩ của tiểu đội còn lại đến mượn chiếc ca-nô chở khách ở bến để đi đánh tàu Pháp.
Khi đi đến chỗ tàu địch neo đậu thì xác định được đó là tàu Crayssac, một trong 4 chiếc tàu chủ lực của hải đội tàu Pháp gồm 3 chiếc: Frézoule, Audacieuse, Blue Bird - các tàu của địch được trang bị vũ khí rất mạnh. Trong đó, trên tàu Crayssac có trọng liên 12,7mm, tiểu pháo 37mm, đại liên Browning, đại liên Hốt-kít, ba-do-ca. Lúc này, thấy ca-nô và tàu của ta đi đến, binh lính, thủy thủ của Pháp ở trên tàu đã đứng ở các vị trí chiến đấu, sẵn sàng bóp cò.
Thời điểm đó, đồng chí Lê Phú lệnh cho ca-nô của ta chạy áp sát tàu địch. Khi ca-nô đến áp mạn thì một số tên địch dùng tay đẩy ca-nô của ta ra ngoài, ngăn cản không cho cán bộ, chiến sĩ Đại đội Kỳ Con leo lên tàu. Kiên trì, ca-nô của ta lượn một vòng nữa mới áp sát được vào mạn tàu, mặc dù địch ngăn cản, nhưng cả Lê Phú, Bùi Văn Sinh và một số chiến sĩ đã nhanh nhẹn bám vào lan can tàu địch và nhảy sang.
Từ phía sau bọn địch, Bùi Văn Sinh cầm tiểu liên Thomson băng tròn 50 viên hô bằng tiếng Pháp “Haut les mains!” (giơ tay lên!) khiến chúng hoảng loạng, không kịp trở tay hướng súng từ ngoài biển vào phía các chiến sĩ của ta. Ta bắt toàn bộ số thủy thủ Pháp đưa sang ca-nô, trong đó có tên Đại úy thuyền trưởng người Pháp và một Trung úy người Mỹ. Tiếp đó, ta mở hầm tàu và giải phóng cho 10 thủy thủ người Việt Nam bị chúng nhốt ở đó. Lý do là khi phát hiện tàu của ta, tên thuyền trưởng đã ra lệnh nhốt các thủy thủ Việt Nam lại vì sợ nổi loạn.
|
Tàu pháo Hải quân Nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: quansuvn.net
|
Sau khi đánh chiếm được chiếc tàu quân sự lớn, Lê Hai xuống buồng chỉ huy và phát hiện một bức điện vô tuyến ghi đại ý là “Chúng tôi bị các tàu kéo tiến công”. Báo cho tàu Frézoule đến cứu gửi về chỉ huy hải đội của chúng. Ngay sau đó, chỉ huy Đại đội Kỳ Con phán đoán, Pháp sẽ tiếp tục cho tàu đến ứng cứu và ra lệnh cho lực lượng trên tàu tích cực làm công tác chuẩn bị, huấn luyện sử dụng gấp các khí tài quân sự của địch ở trên tàu để sẵn sàng đánh địch. Nghe tin ta chiếm được tàu địch, Nguyễn Bình, Tư lệnh Chiến khu Duyên Hải quyết định đổi tên Crayssac thành tàu “Kỳ Con”.
Vào khoảng 9h ngày 11/9/1945, một thủy thủ trên tàu quan sát, phát hiện và thông báo: “Có tàu Audacieuse vào Vịnh Hạ Long”. Sau khi đã kiểm chứng chắc chắn thông tin, Bùi Văn Sinh liền lệnh cho tàu Kỳ Con tăng tốc độ và đuổi đánh. Tàu Audacieuse thấy hành động đáng ngờ thì quay mũi và bỏ chạy với tốc độ cao. Do tàu Audacieuse có tốc độ thấp và trang bị vũ khí nhỏ, kém hơn tàu Kỳ Con nên vài chục phút sau tàu Kỳ Con đã đuổi kịp và áp mạn, ép dừng tàu và bắt toàn bộ quân Pháp trên tàu. Tên thuyền trưởng La-va-lê của tàu Audacieuse khai nhận, thấy bị đuổi nên đã báo về chỉ huy hải đội và được lệnh đánh chìm tàu, nhưng do sợ quá nên không dám thực hiện mà chỉ vứt toàn bộ vũ khí, giấy tờ và trang bị xuống biển.
Như vậy, hải đội 4 chiếc tàu nổi tiếng của Pháp ở Biển Đông đã bị ta đánh chiếm mất hai chiếc. Từ đó, những chiếc còn lại của hải đội Pháp trốn biệt tăm, không dám quay vào vùng biển Hòn Gai. Sau khi chiếm được tàu Audacieuse, Nguyễn Bình, Tư lệnh Duyên Hải đã đặt tên tàu là Bùi Văn Sinh. Sau đó, hai chiếc tàu ta thu được của Pháp đã được Đại đội Kỳ Con sử dụng hiệu quả vào việc bảo vệ vùng biển Hòn Gai, chi viện cho lực lượng trên bờ đánh bọn Việt Cách và đối phó với bọn thổ phỉ, quân Tàu Tưởng vào giải giáp quân Nhật.
Phương Đông