Tạp chí Nga-Ấn RIR mới đây có một bài phân tích với nhan đề “Chính sách ngoại giao tiêm kích cơ Sukhoi Flanker: Nguyên nhân tất thắng của Ấn Độ ở châu Á”.
Thoạt đầu cho rằng chính sách trên nghe có vẻ mới lạ và hơi khó hiểu, song thực chất dụng ý là, với việc áp dụng nguyên tắc xuyên suốt và các yếu tố trong chính sách ngoại giao quân sự mới trong đó có hợp tác đào tạo, huấn luyện phi công cho không quân một số nước ở châu Á đang sở hữu máy bay tiêm kích Flanker (định danh của NATO cho Sukhoi Su-27 và các phiên bản phát triển từ Su-27 đến Su-30) đã giúp Ấn Độ đạt được vị thế, tầm ảnh hưởng cũng như giành được thắng lợi ở châu lục này. Bài phân tích cũng đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò hàng đầu trong hợp tác quân sự với Việt Nam, nhân tố quan trọng giúp Ấn Độ đạt được thành công ở châu Á.
|
Việc đào tạo huấn luyện phi công Su-27/30 là một trong những nhân tố giúp Ấn Độ tăng vị thế, tầm ảnh hưởng ở châu Á.
|
Bài phân tích dẫn chứng, từ trước đến nay Ấn Độ được biết đến là một trong những cái nôi đào tạo hàng đầu về chuyên môn kỹ thuật điều khiển, cung cấp dịch vụ hỗ trợ không quân và huấn luyện phi công quân sự, đặc biệt có thế mạnh riêng trong việc huấn luyện phi công điều khiển các máy bay chiến đấu tân tiến Sukhoi (Su-27/30 Flanker) do Nga sản xuất. Thương hiệu này đã giúp Ấn Độ nổi tiếng, thiết lập được nhiều quan hệ hợp tác với bạn bè và các quốc gia đối tác, đồng thời có được tầm ảnh hưởng nhất định đối với khu vực châu Á.
Hiện nay, không quân một số nước ở châu Á đã đẩy mạnh hiện đại hóa bằng việc hướng đến sở hữu nhiều hơn các máy bay tiêm kích hiện đại Sukhoi từ Su-27 đến Su-30 Flanker do đối tác Nga sản xuất. Điều này đang mở ra những cơ hội mới và bất ngờ cho Ấn Độ, trong đó có lợi nhuận doanh thu lớn từ các hợp đồng huấn luyện, đào tạo phi công. Tuy nhiên, bài phân tích chỉ ra rằng, lợi nhuận về kinh tế chỉ là một phần, còn lợi ích khác lớn hơn và quan trọng hơn mà nó mang lại đó là giúp tăng cường, củng cố mối quan hệ của New Delhi với các quốc gia trong khu vực.
|
Trong thời gian tới, Ấn Độ cũng sẽ giúp Việt Nam huấn luyện phi công lái Su-30MK2.
|
Hiện, Ấn Độ có quan hệ hợp tác về quốc phòng với một số quốc gia ở châu Á trong đó có Việt Nam - một đối tác chiến lược của Ấn Độ. Ngoài hợp tác đào tạo toàn diện phi công Su-30MK2 cho Không quân Nhân dân Việt Nam, thì lòng tin trong quan hệ Ấn Độ - Việt Nam còn được củng cố và chứng minh bằng sự quan tâm tin cậy của Việt Nam đối với tên lửa hành trình BrahMos (sản phẩm do Ấn Độ - Nga hợp tác sản xuất). Nếu thỏa thuận được thông qua, nó sẽ đánh dấu việc bán sản phẩm tên lửa hành trình BrahMos tấn tiến ra nước ngoài đầu tiên của Ấn Độ. Đồng thời giúp Quân đội Nhân dân Việt Nam tăng cường sức mạnh phòng thủ để bảo vệ đất nước.
Theo RIR, trong chuyến thăm Ấn Độ mới đây, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã chính thức yêu cầu Ấn Độ cung cấp cho Việt Nam tên lửa hành trình siêu âm BrahMos, cùng với việc cung cấp tàu chiến, huấn luyện thủy thủ tàu ngầm và phi công Su-30MK2 của Việt Nam. Có thể khẳng định rằng, hợp tác quân sự với Việt Nam là nhân tố quan trọng giúp Ấn Độ đạt được thành công ở châu Á.
Ngoài hợp tác quân sự với Việt Nam, Ấn Độ còn hợp tác đào tạo phi công cho các quốc gia khác như Malaysia, Indonesia.
- Với Malaysia: Ấn Độ cũng đóng một vai trò đặc biệt trong việc giúp đỡ huấn luyện, đào tạo phi công Su-30MKM cho Không quân Hoàng gia Malaysia (RMAF).
Việc huấn luyện, đào tạo được bắt đầu vào năm 2008, sau khi Ấn Độ chấp nhận lời đề nghị hỗ trợ đào tạo phi công Su-30MKM cho RMAF. Việc đào tạo kỹ thuật ban đầu cho phi công của RMAF được tiến hành ở Ấn Độ. Sau đó, phía Ấn Độ đã cử một nhóm chuyên gia tới căn cứ Gong Kedah ở Malaysia để huấn luyện thực tế thêm 2 năm cho phía RMAF.
|
Malaysia cũng đã ký thỏa thuận với Ấn Độ về việc huấn luyện phi công Su-30 từ lâu.
|
- Với Indonesia: Trong tháng 10/2013, nhân chuyến thăm Indonesia của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ, phía Indonesia đã đề nghị Ấn Độ đào tạo phi công máy bay chiến đấu Sukhoi Flanker cho không quân nước này và đã được Ấn Độ chấp thuận.
Theo thỏa thuận hai bên ký kết, Ấn Độ sẽ hỗ trợ huấn luyện, đào tạo về kỹ thuật, trang bị cho phi công của toàn bộ số máy bay chiến đấu Su-27, Su-30 trong biên chế và số máy bay mới tiếp nhận từ Nga hồi tháng 9/2013.
Trước đây Jakarta đã có một thỏa thuận với Trung Quốc để đào tạo phi công và hỗ trợ kỹ thuật cho các phi đội máy bay chiến đấu Sukhoi Flanker của Không quân Indonesia. Tuy nhiên, thỏa thuận trên đã bị Jakarta thay đổi và chuyển hướng sang hợp tác với Ấn Độ.
Bài phân tích chỉ ra rằng, thực chất quyết định của Indonesia không phải tìm cách quay lưng hay đối đầu với Trung Quốc, mà bởi vì chính những tuyên bố hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông đã đi ngược lại luật pháp quốc tế, động chạm đến lợi ích về tự do hàng hải ở khu vực, trong đó có lợi ích của cả Indonesia. Lý do này chứng minh phần nào Indonesia hướng tới hợp tác với Ấn Độ nhiều hơn là Trung Quốc.
|
Những tuyên bố hung hăng của Trung Quốc về Biển Đông đã khiến Indonesia hướng hợp tác nhiều hơn với Ấn Độ.
|
Mặc dù vậy, trong quan hệ hợp tác với Indonesia, Ấn Độ cũng đưa ra giới hạn nhất định. Bởi xét về góc độ lịch sử, trong chiến tranh Ấn Độ - Pakistan năm 1965, Indonesia đã cử tàu chiến tới hỗ trợ Pakistan để chống lại Ấn Độ. Trước thời điểm đó, dưới sự hậu thuẫn của Trung Quốc, giới lãnh đạo Indonesia khi đó bắt đầu lên tiếng tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ, thậm chí đòi đổi tên Ấn Độ Dương thành “Indonesia Dương”.
Hiện nay tiềm lực quân sự của Ấn Độ đã lớn mạnh hơn so với những năm 1950-1960 và chắc chắn Indonesia hay bất kỳ quốc gia đối đầu nào khác không có khả năng cũng như sự liều lĩnh sử dụng chính ngoại giao pháo hạm, thù địch. Do đó ngoại giao tiêm kích cơ Sukhoi Flanker của Ấn Độ là chính sách ngoại giao hòa bình hữu hiệu để thúc đẩy quan hệ quốc phòng với các nước ở châu Á và là nguyên nhân giúp Ấn Độ đạt được vị thế, tầm ảnh hưởng cũng như giành được thắng lợi ở châu lục này.
Su Nhi