Để đào tạo được một phi công tiêm kích là cực kì tốn kém, người ta đã hạch toán vui rằng: “Giá đào tạo được tính bằng số kg vàng ròng tương đương với trọng lượng cơ thể phi công”. Tuy nhiên, sự so sánh này chỉ mang tính ước lệ, chứ sự thực kinh phí cho đào tạo một phi công tiêm kích phải lớn hơn thế nhiều.
Ngoài ra, còn chưa kể các khoản chi phí khổng lồ dành cho hao mòn máy bay, trang thiết bị, nhân lực phục vụ, cơ sở hạ tầng… gấp nhiều lần nhiên liệu. Vì thế phi công tiêm kích thực sự là tài sản quí của mỗi quốc gia, được ưu tiên bảo vệ, giữ gìn. Khi gặp bất trắc trên không, phi công luôn được yêu cầu thoát li khỏi máy bay...
Tuy nhiên, không phải lúc nào các phi công cũng thoát li dù có lệnh và phi công tiêm kích Việt Nam là những người như vậy.
|
Đôi cánh Su-30MK2 bay tuần tiễu Trường Sa.
|
Cứu nguy “hổ mang chúa” giữa Biển Đông
Để bảo vệ đất nước, Việt Nam đã mua dòng máy bay tiêm kích hiện đại nhất thế giới. Những phi công tiêm kích xuất sắc nhất được tuyển chọn để khai thác, sử dụng khối tài sản lớn này. Và những gì các phi công tiêm kích Việt Nam đang thể hiện đã không phụ lòng tin của nhân dân.
Ngày 9/4/2011, một biên đội Su-30MK2 của Trung đoàn 935 do Trung tá Phi đội trưởng Nguyễn Xuân Tuyến chỉ huy nhận nhiệm vụ bay tuần tiễu quần đảo Trường Sa. Khi hoàn thành nhiệm vụ trở về, cách đất liền 600km, đèn báo nguy trên máy bay do Nguyễn Xuân Tuyến điều khiển bật sáng. Ngay sau đó, đồng hồ báo áp suất dầu của động cơ trái đã tụt về 0 cùng lúc người bay phía sau thông báo có khói đen phụt ra từ động cơ. Bằng một phản xạ tức thời, phi công Nguyễn Xuân Tuyến tắt ngay động cơ trái.
|
Phi công Su-30MK2 Nguyễn Xuân Tuyến.
|
Giữa mùa gió chướng, lực gió cạnh rất mạnh xô chiếc tiêm kích chỉ còn một động cơ tròng trành nghiêng ngả. “Nhảy dù!”, lệnh gài sẵn ở bộ phận cảnh báo nguy hiểm trên máy bay phát ra. Khi gặp lệnh này, nếu phi công không có bản lĩnh rất dễ bị rối. Nhưng với Nguyễn Xuân Tuyến, người đã lái qua 8 loại máy bay thì khác, anh đã “chống lệnh nhảy dù” của máy báo tự động, vì tự tin rằng, tình huống vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Anh xin phép Sở chỉ huy được đổi hướng bay về sân bay dự bị cách 400km. Trong gió lớn, chiếc Su-30MK2 cùng người phi công dũng cảm vẫn ngoan cường bạt gió hướng về đất liền.
Cách sân bay Phan Rang 139km, phi công Nguyễn Xuân Tuyến đưa chiếc Sukhoi từ từ hạ độ cao. Việc hạ cánh bằng một động cơ cực kì nguy hiểm vì nguy cơ xóc nẩy, lệch đường băng, va chạm, nhưng với kinh nghiệm của người có trên 1.500 giờ bay, Nguyễn Xuân Tuyến đã bình tĩnh điều khiển chiếc tiêm kích có giá thành 60 triệu USD tiếp đất thành công.
Với thành tích này Trung tá Nguyễn Xuân Tuyến được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng 3, được bổ nhiệm chức Trung đoàn phó và hiện là Trung đoàn trưởng 935 với quân hàm Thượng tá.
Cú vọt mình trong lửa cháy
Sáng ngày 2/10/2007, phi công tiêm kích Su-27SK Đào Quốc Khánh nhận lệnh bay chuyến thứ 2 trong ngày. Tuy nhiên, khi vừa cất cánh khỏi đường băng khoảng 20m thì anh nhận thấy máy bay rung bần bật và ngoắt lệch sang phải với một lực níu ghê gớm, suýt nữa thì va vào chiếc Su-27 bay cùng.
|
Tiêm kích Su-27SK của Không quân Nhân dân Việt Nam.
|
Khi đó, trong tai nghe vang lên tiếng thông báo bằng tiếng Nga: “Cháy động cơ bên phải” và các loại đèn báo nguy đồng loạt bật sáng. Tức thì, phi công Đào Quốc Kháng tắt động cơ bên phải, ngắt đường dầu và ấn nút dập lửa. Đèn báo cháy vẫn sáng cùng với lệnh “Nhảy dù!”, nhưng thay vì ấn nút bung dù, anh lại ấn nút… tăng lực động cơ, cho máy bay vót lên độ cao 1.000m.
Theo các nhà thiết kế tính toán, sau 8-10 giây đèn báo cháy động cơ bật sáng, máy bay có thể bị nổ thùng chứa nhiên liệu. Điều này thì Đào Quốc Kháng đã thuộc lòng nên anh nhấn nút xả hết dầu cách sân bay 13km và dùng lực quán tính đưa máy bay quay lại.
Khi đó, chiếc Su-27 mang theo một đuôi lửa lướt xẹt về sân bay trong nỗi lo lắng đứng tim của hàng trăm người. Máy bay vừa tiếp đất, Đào Quốc Kháng bình tĩnh thả dù phanh, đưa máy bay cách xa khu vực đông người, đỗ lại, bật nắp buồng lái. Lúc này anh nghe rõ tiếng lửa cháy xèo xèo cùng tiếng còi hú rầm rĩ của xe cứu thương, xe chữa cháy. Anh tụt khỏi máy bay chạy ngay lại giằng chiếc vòi rồng trong tay chiến sĩ cứu hỏa để dập lửa.
|
Phi công Su-27 Đào Quốc Khánh.
|
Lửa tắt, chiếc Su-27 trị giá 30 triệu USD an toàn, những cánh tay lực lưỡng đã công kênh Đào Quốc Kháng lên cùng những lời hò reo vang rội dành cho người đã cứu khối tài sản trị giá hàng nghìn tỷ đồng khỏi tan tành trong chốc lát.
Với chiến công này, Đào Quốc Kháng được đề bạt thăng quân hàm trước niên hạn từ Trung tá lên Thượng tá, đồng thời được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng 3...
Theo VNQĐ