* Bài viết có sử dụng một số tư liệu từ Lịch sử Không quân Nhân dân Việt Nam (1977-2005)
Lực lượng không quân trực thăng Việt Nam ra đời ngay từ những ngày đầu thành lập không quân. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, các trực thăng họ Mi (Mi-4, Mi-6, Mi-8T) chủ yếu phục vụ hoạt động vận tải chở hàng, bộ đội, phục vụ cán bộ Đảng – Chính phủ và đặc biệt là trực thăng Mi-6 đã thực hiện cẩu các máy bay tiêm kích MiG-17/21 đi cất giấu để tránh máy bay Mỹ đánh phá.
Phải cho tới cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam 1979 và đặc biệt là các chiến dịch truy quét tàn quân Khmer Đỏ những năm 1980 thì hoạt động chiến đấu (chi viện hỏa lực, chở quân, tải thương) của thiết kế trực thăng Mi-8T mới diễn ra với quy mô rộng hơn, lớn hơn.
Tính năng trực thăng Mi-8T
Trực thăng vận tải đa năng Mi-8T (NATO định danh là Hip-C) là biến thể sản xuất loạt đầu tiên của trực thăng Mi-8. Nó có chiều dài 18,17m, cao 5,65m, trọng lượng cất cánh tối đa 12 tấn.
Mi-8T được trang bị 2 động cơ tuốc bin trục Klimov TV3-117Mt cho tốc độ bay 260km/h, tầm bay 450km với lượng nhiên liệu 3.700 lít.
|
Trực thăng Mi-8T của Không quân Nhân dân Việt Nam.
|
Ngoài vai trò vận tải chở được tối đa 24 người hoặc 12 cáng cứu thương hoặc 3 tấn hàng hóa trong hoặc ngoài. Mi-8T có thể mang tối đa 4 bệ phóng rocket UV-16-57 (dùng rocket 57mm S-5) trên 4 điểm treo ở 2 cánh nhỏ hông máy bay và trang bị 1-2 súng máy PK 7,62mm để chi viện hỏa lực bộ binh hoặc tấn công mục tiêu mặt đất.
Bên cạnh Mi-8T, sau này (có thể từ những năm 2000), Việt Nam nhập khẩu thêm số lượng lớn trực thăng Mi-17 - biến thể cải tiến dựa hoàn toàn trên khung thân Mi-8, trang bị động cơ, rotor và bộ truyền động của Mi-14, cải tiến phần khung thân cho phép tăng tải trọng. Mi-17 có thể chở tới 30 lính hoặc 4 tấn hàng hóa hoặc 1,5 tấn vũ khí treo ngoài.
|
Trực thăng Mi-171 của Trung đoàn 916 diễn tập cứu hộ cứu nạn.
|
Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu thêm các biến thể hiện địa Mi-171/172 phục vụ các hoạt động khác nhau. Trong đó, mẫu Mi-171 – biến thể xuất khẩu mẫu Mi-8AMT sử dụng cho hoạt động vận tải (chở hàng, chở quân dù), tìm kiếm cứu hộ cứu nạn và có thể hỗ trợ chống khủng bố khi cần. Còn Mi-172 là biến thể dân sự của Mi-8MTV-3 được nhà máy Kazan chế tạo.
Chiếc trực thăng của Trung đoàn 916 (Sư đoàn 371) gặp nạn ngày hôm qua ở huyện Thạch Thất, Hà Nội khiến 18 cán bộ, chiến sĩ hi sinh và 3 chiến sĩ bị thương nặng là mẫu Mi-171 được đưa vào sử dụng chưa tới 10 năm.
Chiến đấu hiệu quả trên chiến trường
Trở lại với chiến công của Mi-8 trong quá khứ, theo Lịch sử Không quân Nhân dân Việt Nam (1977-2005), mùa mưa năm 1981, chiến sự trên chiến trường Campuchia diễn ra dai dẳng và quyết liệt, quân tình nguyện Việt Nam mở nhiều đợt truy quét tàn quân Khmer Đỏ ở vùng sông hồ và rừng núi. Nhu cầu vận chyển bộ đội, thương binh và vũ khí ngày càng tăng.
Trước tình hình đó, Bộ Tổng tham mưu đã giao nhiệm vụ cho Quân chủng Không quân sử dụng vận tải cơ An-26, trực thăng Mi-8 và UH-1 chi viện cho các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam đang truy quét tàn quân Khmer Đỏ. Lực lượng này đã thực hiện hơn 2.000 chuyến bay chiến đấu và phục vụ chiến đấu, chở gần 1 vạn bộ đội, 2.000 thương binh và 300 tấn vũ khí, lương thực.
|
Mi-8T mang được 4 bệ phóng rocket 57mm.
|
Theo dòng thời gian trong tài liệu thì có thể nói đây là lần đầu tiên trực thăng Mi-8 tham gia nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên chiến trường Campuchia.
Đầu tháng 6/1981, quân chủng sử dụng lực lượng trực thăng Mi-8 và máy bay trinh sát U-17 chi viện các đơn vị quân tình nguyện trong chiến dịch truy quét tàn quân Khmer Đỏ, khôi phục các tuyến giao thông và lập lại chính quyền ở một số xã bị địch chiếm. Chiến dịch truy quét kéo dài ba tháng, không quân hoạt động liên tục thực hiện 700 chuyến bay, chở hơn 3.400 bộ đội đi chiến dịch, đưa 600 thương binh về tuyến sau và chở hơn 60 tấn vũ khí, lương thực cho bộ đội ngoài mặt trận.
Tới đầu tháng 2/1984, chiến sự chiến trường Campuchia diễn ra rất quyết liệt, Khmer Đỏ tăng cường hoạt động, lấn chiếm thị xã Xiêm Riệp, Bát-tam-bang,... đánh vào các vị trí đóng quân của bộ đội cách mạng Campuchia. Chúng xây dựng một số căn cứ hậu cần, tổ chức đơn vị cấp sư đoàn chuẩn bị đánh lớn. Bộ chỉ huy mặt trận mở chiến dịch BH-184 vây quét căn cứ địch, giúp bạn củng cố chính quyền Tây Bắc. Quân chủng Không quân sử dụng lực lượng lớn chi viện quân tình nguyện ở 2 mặt trận 7704 và 579 chủ yếu ở khu vực Bát-tam-bang.
Từ ngày 4-10/3, Quân chủng Không quân liên tục sử dụng Mi-8T phối hợp với trinh sát cơ U-17 thực hiện nhiều đợt tấn công và chở bộ đội đánh vào căn cứ địch ở hướng Mặt trận 7704 và Mặt trận 579. Trong đợt chiến đấu này, không quân xuất kích 14 lần chiếc Mi-8T, đánh 3 đợt, 6 trận, phá hủy hoàn toàn 2 căn cứ cấp trung đoàn. Biên đội Mi-8 vận tải thực hiện 3 chuyến đổ bộ, 18 chuyến chở cán bộ, 7 chuyến chở hàng quân sự. Máy bay trinh sát thực hiện 14 chuyến quan sát, chỉ điểm mục tiêu.
Cuối tháng 3/1984, không quân tiếp tục tổ chức các đợt chiến đấu hiệp đồng với bộ binh ở khu vực Đông Bắc. Từ 26-28/3, các biên đội Mi-8T liên tục xuất kích đánh nhiều trận diệt gần hết thuyền chiến của địch ở các sông, hồ, phá tan sở chỉ huy Sư đoàn 612 Khmer Đỏ.
|
Mi-8T phóng rocket 57mm tấn công mục tiêu trong diễn tập bắn đạn thật. Ảnh: Tiền Phong
|
Bước sang năm 1985, các lực lượng không quân tham gia chiến đấu ở Campuchia với cường độ cao hơn và trên phạm vi rộng hơn. Quân chủng sử dụng lực lượng của Trung đoàn 916, 917, 918 huy động 4 loại máy bay gồm UH-1, Mi-8T, Mi-24 và An-26 tham gia chiến đấu 50 trận, xuất kích 197 lượt chuyến, bay 129 lượt chuyến phục vụ chiến đấu, đánh trúng mục tiêu, loại khỏi vòng chiến đấu 192 tên địch, đánh chìm, cháy 101 thuyền ca nô, 37 lá trại.
Sau nhiều năm hoạt động chi viện chiến đấu liên tục, kể từ năm 1985 tới cuối năm 1987 thì lực lượng Mi-8 tạm dừng các hoạt động trên chiến trường. Và phải tới giữa tháng 10/1987, Mi-8T mới lại xuất kích chi viện hỏa lực cho các đơn vị vây quét căn cứ địch ở Đông Bắc thị xã Xiêm Riệp.
Trong suốt 2 tháng 10-11/1987, các biên đội Mi-8T xuất kích chiến đấu với cường độ cao liên tục tấn công và căn cứ địch, truy quét tiêu diệt hàng trăm tên, phá hủy nhiều căn cứ cùng phương tiện chiến tranh.
Cụ thể, ngày 22/10/1987, đúng 8h30, biên đội Mi-8T cất cánh từ sân bay Pô Chen Tông, bay vào khu vực Đập Cao tìm mục tiêu để đánh phá. Từ 10h24 phút đến 11h10 phút, biên đội Mi-8T thay nhau đánh vào khu vực 3 tiểu đoàn BB KMĐ ẩn nấp.
Ngày 30/10/1987, các trực thăng Mi-8T xuất kích đánh 2 trận ở Bát-Tam-Băng. Ngày 1/11, biên đội Mi-8T đánh trận thứ 4, từ 7h50-10/22.
Tháng 11/1987, không quân đánh tiếp 6 trận, chi viện hỏa lực tích cực cho đơn vị quân tình nguyện đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, trận đánh ngày 15/11 đạt hiệu quả rất cao, biên đội Mi-8T phối hợp chặt chẽ với An-2 đánh trúng khu vực trú quân của Khmer Đỏ, diệt nhiều tên, phá hủy căn cứ, tạo điều kiện cho bộ binh làm chủ trận địa, bắt tù binh.
Hoàng Lê