Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ ông Manohar Parrikar bắt đầu chuyến thăm Singapore và Việt Nam từ đêm ngày 2/6, chuyến thăm được cho là nhắm vào hai mục tiêu khác nhau nhưng lại của cùng một chính sách "Hướng Đông" của Ấn Độ.
Tại Singapore từ ngày 3 đến 4/6, Bộ trưởng Parrikar sẽ tham dự Đối thoại Shangri-La. Bên lề hội nghị thượng đỉnh, ông có kế hoạch gặp những người đồng cấp đến từ các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Anh, Canada và Thụy Sĩ. Tại cuộc đối thoại, Parrikar dự kiến để giải quyết mối quan ngại của Ấn Độ về các vấn đề khác nhau ở châu Á.
|
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ. |
Từ ngày 5 đến 6/6, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ấn Độ cùng đoàn tháp tùng sẽ thực hiện chuyến thăm Việt Nam, một quốc gia đã có những thỏa thuận quốc phòng quan trọng, và hiện muốn mua hệ thống tên lửa hành trình BrahMos từ Ấn Độ.
Đi cùng Bộ trưởng ngoài đại diện của các công ty tư nhân và quốc doanh trong lĩnh vực quốc phòng, còn có người đứng đầu Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO), Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách vấn đề sản xuất trang bị vũ khí và đại diện Hạm đội Miền Đông Ấn Độ, cùng Chủ tịch Tham mưu trưởng kiêm Tư lệnh Không quân Ấn Độ.
Đây sẽ là chuyến thăm thứ hai của Bộ trưởng Parrikar đến một quốc gia đang có nhu cầu mua sắm tên lửa BrahMos. Vào ngày 22 và 23/5, ông đã có chuyến thăm và làm việc tại UAE, đây cũng quốc gia đang muốn có tên lửa BrahMos trong kho vũ khí của mình. Đến hôm nay, chưa có tiết lộ nào về việc New Delhi đã đồng ý bán tên lửa cho Việt Nam và UAE.
Việt Nam được gì khi mua tên lửa BrahMos?
Theo ý kiến của một số chuyên gia cho biết, hệ thống phòng thủ bờ biển Bastion-P hiện có của Việt Nam mua từ Nga sử dụng tên lửa Yakhont, đây là phiên bản xuất khẩu của tên lửa Onyx. Tên lửa BrahMos – sản phẩm hợp tác giữa Nga và Ấn Độ cũng là một phiên bản của Onyx. Do đó đặc thù hai tên lửa này có những điểm tương đối giống nhau, nhưng khi mua BrahMos, Việt Nam có thể có thêm một số lợi ích khác.
|
Dù đã có Yakhont, nhưng Việt Nam được cho là vẫn mong muốn có thêm BrahMos. |
Một số chuyên gia lưu ý rằng, Việt Nam có thể được Ấn Độ hỗ trợ tín dụng để mua tên lửa hành trình BrahMos. Một số ý kiến khác còn cho rằng, việc Nga bán các vũ khí như tên lửa chỉ mang tính kinh doanh thuần túy, trong khi đó Ấn Độ coi đó là một trong những ưu tiên của chính sách đối ngoại.
Hiện tại tên lửa BrahMos đã được phát triển cải tiến thành nhiều phiên bản khác nhau, có thể phóng từ mặt đất, từ tàu chiến, tàu ngầm và từ máy bay chiến đấu. Một điểm cần lưu ý là hiện Ấn Độ đang đào tạo các phi công máy bay chiến đấu giúp Việt Nam, rất có thể những chiếc máy bay Su-30MK2 của Việt Nam sẽ được nâng cấp để mang tên lửa BrahMos.
Việc Việt Nam muốn đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí cũng là một điểm cần lưu ý. Vừa qua Mỹ cũng đã dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, Mỹ có thể đứng vào hàng ngũ các quốc gia cung cấp trang bị vũ khí cho Việt Nam. Tuy nhiên, ngoài Nga thì Ấn Độ và vẫn là một trong những đối tác đáng tin cậy nhất của Việt Nam trong lĩnh vực vũ khí công nghệ cao.
Trung Nghĩa