Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công và Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, thì nền độc lập của nước nhà đã ngay lập tức bị đe dọa bởi họa ngoại xâm. Trong bối cảnh đó, việc thống nhất tổ chức biên chế quân đội quốc gia là yêu cầu cấp bách được đặt ra.
Ngày 22/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kí sắc lệnh số 71-SL, qui định cụ thể biên chế lục quân của Quân đội Quốc gia Việt Nam (đến năm 1950 đổi tên thành Quân đội Nhân dân Việt Nam).
|
Một đơn vị bộ đội Nam tiến. |
Căn cứ theo sắc lệnh này, thì lục quân của Quân đội Quốc gia Việt Nam được tổ chức biên chế theo các cấp từ nhỏ đến lớn: tiểu đội - trung đội - đại đội - tiểu đoàn - trung đoàn - đại đoàn - sư đoàn - liên đoàn - tập đoàn.
Biên chế mỗi cấp đơn vị gồm:
- Cấp thấp nhất là tiểu đội gồm 12 chiến sĩ: 1 tiểu đội trưởng, 1 tiểu đội phó, 1 chiến sĩ bắn súng máy, 1 nạp đạn, 3 tiếp đạn, 4 chiến sĩ xung phong và 1 phòng lựu đạn (nơi thiếu súng máy thì thay bằng súng trường).
- Cấp trung đội gồm 3 tiểu đội chiến đấu, có biên chế 42 người và đã có chính trị viên.
- Cấp đại đội biên chế 178 người, gồm 3 trung đội chiến đấu, ban chỉ huy đại đội (52 người), chưa kể hai đơn vị trợ chiến là tiểu đội súng máy liên thanh hạng nặng (27 người) và tiểu đội súng cối 60mm (13 người). Một điểm đặc biệt là sắc lệnh 71-SL qui định chi tiết mỗi đại đội có một thợ cắt tóc và hai thợ giày, nằm trong biên chế tiểu ban quản lí thuộc đại đội bộ.
Cấp đại đội cũng được biên chế 10 ngựa và 8 xe ngựa, có 3 chiến sĩ thông hiệu bằng kèn. Ban quân y đại đội gồm 1 y tá, 5 cứu thương và 2 tải thương.
|
Một đơn vị Vệ quốc đoàn tại Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 02/09/1945 |
Tiểu đội súng máy liên thanh hạng nặng trợ chiến cho đại đội bộ binh được trang bị hai khẩu súng máy hạng nặng, và có đến 11 ngựa (2 ngựa chở súng, 6 ngựa chở đạn và 3 ngựa chở vật liệu, phụ tùng). Tiểu đội súng cối 60mm có một súng cối, và cũng được biên chế 6 ngựa chở súng đạn và vật liệu. Tại bất cứ đơn vị nào sử dụng ngựa đều có biên chế 1 giám mã đi cùng.
|
Súng cối 60mm kiểu 1935 của Pháp - được trang bị khá phổ biến trong QĐNDVN |
- Cấp tiểu đoàn được biên chế đến 676 người, gồm 3 đại đội chiến đấu, tiểu đoàn bộ (100 người). Ngoài ra còn có thêm ba đơn vị trợ chiến là tiểu đội súng máy liên thanh hạng nặng, tiểu đội súng cối 81mm (19 người) và tiểu đội pháo 25mm hoặc pháo 37mm (13 người).
Trong biên chế của tiểu đoàn kết hợp nhiều hình thức thông tin liên lạc như: điện thoại hữu tuyến (7 người), vô tuyến điện (4 người), thông hiệu kèn (3 người), hỏa pháo (2 người), tín hiệu cờ (8 người)… cùng một tiểu đội trinh sát 12 người.
Cấp tiểu đoàn cũng có 2 thợ giấy và thợ da, cùng 3 thợ rèn và đóng móng cho ngựa. Về phương tiện di chuyển, bên cạnh 12 ngựa và 8 xe ngựa, cấp tiểu đoàn cũng 3 xe ô tô với 6 tài xế và 1 giám xa. Ban quân y tiểu đoàn được biên chế 1 y sĩ, 2 y tá, 4 cứu thương và 4 tải thương. Cấp tiểu đoàn cũng có một trung đội công binh 42 người.
|
Lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định thời kì đầu chống Pháp |
Tiểu đội súng cối 81mm trợ chiến cho tiểu đoàn bộ binh có một súng cối, và có nhiều ngựa hơn so với tiểu đội súng cối 60mm: 10 ngựa. Tiểu đội pháo 25mm hay pháo 37mm đều có một pháo, và được biên chế 4 ngựa (2 ngựa kéo pháo, 1 ngựa chở đạn và 1 ngựa chở vật liệu).
|
Pháo Hotchkiss 25mm của Pháp |
- Cấp trung đoàn được biên chế 2.289 người, gồm 3 tiểu đoàn chiến đấu, trung đoàn bộ (219 người). Chưa kể các đơn vị trợ chiến gồm: 1 tiểu đội súng máy liên thanh hạng nặng, 2 tiểu đội súng cối 81mm, 3 tiểu đội pháo 25mm hoặc 37mm và 1 trung đội sơn pháo 75mm hoặc lựu pháo 105mm (39-42 người).
Cấp trung đoàn cũng có một trung đội công binh, có tiểu ban thông tin - tình báo với hệ thống liên lạc điện thoại hữu tuyến (22 người), vô tuyến điện (19 người) và giao liên cơ giới (1 xe mô-tô). Tiểu ban quản lí của trung đoàn cũng có một xưởng quân trang nhỏ (20 người) và một xưởng quân giới nhỏ (10 người). Tiểu ban vận tải có 12 ngựa và 10 xe ngựa, 8 xe ô tô và 16 tài xế, cùng 6 thợ sửa xe. Tiểu ban âm nhạc của trung đoàn có một trung đội 42 người (khi ra trận sẽ đảm nhiệm việc tải thương).
|
Đội Cảm tử quân Hà Nội tham gia trận chiến "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" cuối tháng 12/1946 |
Với trung đội sơn pháo 75mm trợ chiến cho trung đoàn, phải biên chế đến 12 con lừa hoặc ngựa để phục vụ cho một khẩu pháo. Con số này là 14 ngựa đối với trung đội lựu pháo 105mm. Sắc lệnh 71 cũng ghi chú rất rõ: Nếu là lừa thì có thể tháo pháo ra nhiều bộ phận để vận chuyển trên lưng, còn với ngựa thì phải dùng 2-3 con để kéo đi (dựa trên kinh nghiệm thực tế: “thân lừa ưa nặng”).
|
Sơn pháo 75mm kiểu 41 của Nhật |
Ngoài ra, sắc lệnh số 71 cũng đã đưa ra qui định về biên chế về lực lượng trinh sát cơ giới trợ chiến cho các đơn vị chiến đấu, mà cụ thể là “trung đội cơ giới thám thính” biên chế 23 người với 4 mô tô đơn và 10 mô tô thùng (xe sidecar ba bánh).
- Cấp đại đoàn được biên chế 7.115 người cùng các đơn vị trợ chiến khác, bao gồm 3 trung đoàn chiến đấu, đại đoàn bộ (70 người) và đại đội cận vệ (178 người). Biên chế của đại đoàn bộ gồm có ban chỉ huy (6 người), văn phòng (5 người), phòng tham mưu (21 người), phòng chính trị (7 người), phòng quân nhu (7 người), phòng giao thông vận tải (14 người), phòng công binh (5 người), phòng quân y (3 người).
|
Lễ duyệt binh chung giữa Quân đội Quốc gia VN và Quân đội Pháp |
Ngoài ra, tùy theo điều kiện thực tiễn, bộ đội còn có thể được tổ chức thành sư đoàn (gồm 2-3 đại đoàn và các đơn vị phối thuộc khác như pháo binh, chiến xa, không quân … qui mô chừng 15-25.000 quân), liên đoàn (gồm 2-3 sư đoàn và các đơn vị phối thuộc, qui mô chừng 30-80.000 quân) và tập đoàn (gồm 2-3 liên đoàn và các đơn vị phối thuộc, qui mô chừng 60-250.000 quân).
|
Súng máy hạng nặng Hotchkiss cỡ 13,2mm |
Tuy nhiên, trên thực tế khác xa rất nhiều so với qui định của sắc lệnh 71. Trong những ngày đầu gian khó, vũ khí trang bị của quân đội ta cực kì thiếu thốn, đặc biệt là súng đạn và pháo lớn. Việc vận chuyển số khí tài hạng nặng ít ỏi này cũng ít khi sử dụng lừa ngựa, và càng không có ô tô, mà chủ yếu là bằng đôi vai chiến sĩ.
Do vậy, sắc lệnh số 71 cũng phải “chua” thêm một dòng ở lời mở đầu: “Sự biên chế bộ đội căn cứ vào nhiều điều kiện, cách điều động các đơn vị, số võ khí và cách điều khiển các võ khí, những dụng cụ và cách giao thông vận tải ở mỗi địa phương, v.v... Biên chế quân đội sẽ dần dần tuỳ theo những điều kiện kể trên mà tổ chức theo những đơn vị sau đây:”
|
Các chiến sĩ Khu 9 bên khẩu pháo 105mm chiến lợi phẩm trong trận Tầm Vu năm 1948 |
Trên thực tế, dù qui định biên chế đơn vị cao nhất của quân đội là tập đoàn (giống như quân đội các siêu cường thời Chiến tranh thế giới thứ hai), nhưng thời kì 1946 Quân đội Quốc gia Việt Nam chỉ mới tổ chức đến cấp Đại đoàn, mà cụ thể là các Đại đoàn 1 và 2 ở Bắc Bộ, Đại đoàn 23, 27 và 31 ở Trung Bộ.
Tuy nhiên, do thiếu thốn trang bị cũng như trình độ tổ chức còn yếu kém, nên các đơn vị này nhanh chóng bị giải thể. Ngày 1/5/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh kí sắc lệnh 47-SL thành lập Đại đoàn Độc lập như một đơn vị chiến lược, xong cũng phải giải thể để thực hiện sách lược “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Dần dần, theo thời gian trường chinh kháng chiến, cùng với sự phát triển về kinh nghiệm chiến trường và nghệ thuật quân sự, về vũ khí trang bị và về nhân sự con người, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã xây dựng được các đại đoàn chủ lực đầu tiên, rồi phát triển đủ các quân binh chủng, thành lập những quân đoàn cơ động chiến lược, để có được sức mạnh chiến đấu như hôm nay.
Thanh Hoa