Tạp chí quốc phòng Jane’s dẫn nguồn tin từ Mỹ và Hàn Quốc cho hay, Triều Tiên rất có thể đang phát triển chương trình tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân có khả năng được triển khai từ lực lượng tàu ngầm của nước này. Nếu điều này là sự thật thì Triều Tiên sẽ chính thức là quốc gia sở hữu bộ đôi răn đe hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Thông tin trên được các quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ tiết lộ với tờ Washington Free Beacon vào cuối tháng 8 năm nay, theo đó cơ quan tình báo quốc gia Mỹ đã phát hiện ra một tàu ngầm của Triều Tiên mang theo thiết bị phóng tên lửa trên thân. Vào hôm 14/9, Bộ quốc phòng Hàn Quốc cũng xác nhận thông tin trên, và thông báo rằng Triều Tiên có thể đang tiến hành phát triển chương trình tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) đầu tiên của nước này.
|
Tham vọng phát triển tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm SLBM của Triều Tiên, sẽ là mối đe dọa tới lợi ích của Mỹ và Hàn Quốc ở bán đảo Triều Tiên.
|
Trong một bản báo cáo mà Bộ quốc phòng Hàn Quốc gửi cho Quốc hội nước này đã cho biết, hiện tại vẫn chưa có thông tin tình báo chính thức về việc Triều Tiên đã sở hữu tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm hay không. Nhưng khả năng Triều Tiên đang thử nghiệm một hệ thống ống phóng tên lửa SLBM trên tàu ngầm là hoàn toàn có căn cứ.
Hiện tại cả Mỹ và Hàn Quốc đều không công bố bất kỳ thông tin gì về kích thước của tên lửa SLBM hay mẫu tàu ngầm được Triều Tiên sử dụng để thử nghiệm. Tuy nhiên cả hai quốc gia này đều đánh giá đây là mối đe dọa hạt nhân mới trên bán đảo Triều Tiên, một số nguồn tin còn tiết lộ với Jane’s rằng mẫu tên lửa trên có kích thước đủ lớn để mang đầu đạn hạt nhân.
Các chuyên gia quân sự đánh giá rất có thể Bình Nhưỡng đang phát triển công nghệ tên lửa SLBM từ hai nguồn sau:
- Một là từ tàu ngầm lớp Golf mang theo các tên lửa thông thường thuộc Project 629 của Hải quân Liên Xô, mà nước này mua lại từ Nga từ đầu những năm 1990 với giá phế liệu. Bên cạnh đó mẫu tên lửa đạn đạo phóng ngầm là R-27 (NATO định danh là SS-N-6) của
Liên Xô với tầm bắn tối đa là 2.400km, cũng đã được Triều Tiên sao chép và nâng cấp thành mẫu tên lửa BM-25 Musudan với tầm bắn lên tới 4.000km. Với công nghệ của R-27 sẽ giúp Bình Nhưỡng phát triển một mẫu tên lửa đạn đạo SLBM nội địa của riêng mình.
|
Mẫu tên lửa đạn đạo phóng đi từ tàu ngầm R-27 do Liên Xô phát triển.
|
- Thứ hai là Triều Tiên có thể phát triển tên lửa đạn đạo phóng ngầm dựa trên các hệ thống tên lửa đất đối không với hệ thống ống phóng thẳng đứng. Vào năm 2011 Triều Tiên cũng đã giới thiệu mẫu tên lửa phòng không Pon'gae-5 hoặc KN-06 có tầm bắn lên tới 150km sử dụng các ống phóng thẳng đứng và có kích thước tương tự như hệ thống tên lửa phòng không HQ-16A của Trung Quốc.
Tiếp theo, sau đó Bình Nhưỡng cũng phát triển mẫu tên lửa phòng không tầm xa Pon'gae-6 có kích thước tương tự như tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa
S-300 của Nga hay phiên bản sao chép do Trung Quốc phát triển là HQ-9.
Theo báo chí Hàn Quốc, Bình Nhưỡng có rất nhiều cách để phát triển các tên lửa đạn đạo phóng ngầm (SLBM) cho lực lượng tàu ngầm của nước này, và phương pháp hiệu quả nhất là dựa trên mẫu tên lửa đạn đạo tầm ngắn sử dụng nhiên liệu rắn có tên KN-02 - biến thể sao chép của mẫu tên lửa OTR-21 hay SS-21 Scarab do Liên Xô phát triển với phạm vi tấn công hiệu quả lên tới 220km.
|
Tổ hợp tên lửa đạn đạo tầm ngắn KN-02 của Triều Tiên
|
Còn về tàu ngầm mà Triều Tiên sử dụng để thử nghiệm tên lửa, thì có thể Bình Nhưỡng sẽ sử dụng lớp tàu ngầm Romeo thuộc Project 633 của Hải quân Liên Xô hay còn được biết tới với cái tên Type 033 do Trung Quốc sao chép. Tàu ngầm Type 033 được có lượng giãn nước khoảng 1.830 tấn và được Triều Tiên mua vào giai đoạn từ năm 1973-1994.
Trong năm 2011 và giữa năm 2014, Triều Tiên đã lần đầu tiên công bố các bức ảnh đầu tiên về các tàu ngầm lớp Type 033 của nước này và chúng vẫn đang trong tình trạng hoạt động tốt. Sự kiện này còn có sự tham gia của lãnh đạo cao nhất của Triều Tiên là Kim Jong Un. Ngoài ra Triều Tiên cũng có thể phát triển hệ thống ống phóng tên lửa nằm dọc theo tháp điều kiển của tàu ngầm và có thể phóng các tên lửa ngay sau khi đã nổi lên khỏi mặt nước.
Nhưng nếu với thiết kế như vậy, tàu ngầm Triều Tiên phải luôn đối mặt với điều kiện thời tiết xấu khi tác chiến trên biển và nguy cơ bị đối phương phát hiện sẽ rất lớn. Và chắc chắn Bình Nhưỡng sẽ tìm giải pháp để có thể triển khai các tên lửa của mình bên dưới mặt nước. Rất có thể Triều Tiên sẽ phát triển một mẫu tàu ngầm dựa trên nền tảng mẫu tàu ngầm sửa đổi lớp Whiskey thuộc Project 613-D4 của Liên Xô, và chỉ được trang bị một ống phóng tên lửa duy nhất.
|
Hình ảnh hiếm hoi về tàu ngầm diesel điện lớp Type 033 của Triều Tiên.
|
Mặt khác nếu Triều Tiên vẫn còn đang giữ nguyên mẫu tầu ngầm lớp Golf mua từ Nga, thì mẫu tên lửa đạn đạo BM-25 lại qua lớn sao với tên lửa R-27. Và nếu tàu ngầm trên vẫn còn có thể hoạt động thì Triều Tiên sẽ có thể triển khai nhiều nhất là hai tên lửa đạn đạo cùng một lúc.
Bình luận của Jane’s
Việc Triều Tiên theo đuổi chương trình phát triển tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, cho thấy quốc gia hạt nhân này đang quan tâm tới khả năng sống còn của lực lượng răn đe hạt nhân chiến lược của mình trước nguy cơ bị tấn công. Và việc sở hữu bộ đôi răn đe
hạt nhân là cần thiết. Điều này càng chứng tỏ quyết tâm của Bình Nhưỡng trong chương trình hạt nhân của mình, nhất là khi các phiên họp đàm phán sáu bên vẫn đi vào bế tắc.
Trong khi đó Nga và Trung Quốc có thể là chỗ dựa về mặt công nghệ cho Triều Tiên trong chương trình phát triển tên lửa SLBM, cũng như lực lượng tàu ngầm chiến lược của nước này. Cũng cần lưu ý rằng Hải quân Trung Quốc chỉ mới ngưng hoạt động của tàu ngầm lớp Golf vào năm 2013 và vẫn còn đang duy trì biên đội tàu ngầm Type 033.
Trà Khánh