Quân đội Việt Nam sẵn sàng tham gia hoạt động quốc tế

Google News

Việt Nam đang tích cực công tác chuẩn bị tổ chức Diễn tập ứng phó thảm họa khẩn cấp khu vực ASEAN (ARDEX) năm 2013. 

Tháng trước, lần đầu tiên Việt Nam cử lực lượng tham gia Diễn tập Hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa kết hợp quân y (HADR và MM) tại Brunei. Sắp tới Việt Nam sẽ tổ chức Diễn tập ứng phó thảm họa khẩn cấp khu vực ASEAN (ARDEX) năm 2013. 

Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam Trung tướng Trần Quang Khuê đã có cuộc trả lời phóng vấn về các sự kiện trên:

- Đồng chí Trung tướng đánh giá thế nào về những đóng góp của đoàn Việt Nam vào thành công chung của cuộc Diễn tập HADR và MM tại Brunei?

Tháng 6 vừa qua, Quân đội nhân dân Việt Nam đã cử lực lượng tham gia cuộc diễn tập HADR và MM trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) tại Brunei. Đây là cuộc diễn tập có quy mô lớn với sự tham gia của hơn 3.000 người đến từ 18 quốc gia.

Đây là lần đầu tiên quân đội ta đưa lực lượng ra nước ngoài diễn tập, do vậy Thủ trưởng Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo rất sâu sát, cụ thể. Các cơ quan, đơn vị liên quan đã quán triệt sâu sắc, triển khai nghiêm túc, với trách nhiệm cao công tác chuẩn bị và tổ chức cho đoàn sang Brunei diễn tập. Cục Cứu hộ - cứu nạn đã phối hợp với Viện Quan hệ quốc tế về quốc phòng, Cục Đối ngoại, Cục Quân y, Bộ tư lệnh Công binh và các đơn vị có liên quan làm tốt công tác chuẩn bị, từ xây dựng ý định, kế hoạch diễn tập đến lựa chọn nhân sự, chỉ đạo huấn luyện, công tác bảo đảm.

Chiến sĩ công binh Việt Nam trong giai đoạn huấn luyện trong nước trước khi tham gia diễn tập quốc tế.
Trong giai đoạn tổ chức huấn luyện, thời tiết rất khắc nghiệt, nhưng các lực lượng tham gia huấn luyện chuẩn bị cho diễn tập đã nỗ lực khắc phục mọi khó khăn. Thành phần được tuyển chọn tham dự diễn tập đều là những người có sức khỏe, chuyên môn tốt, biết sử dụng tiếng Anh nên quá trình tham gia hợp luyện, diễn tập tại nước bạn đã hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Trong diễn tập vừa qua, Việt Nam tham gia với tư cách đồng chủ trì Nhóm chuyên gia về hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa (cùng với Trung Quốc). Chúng ta cũng là thành viên Ủy ban điều hành diễn tập (gồm 5 nước là Nhật Bản, Brunei, Trung Quốc, Singapore, Việt Nam). Về diễn tập thực binh, đoàn Việt Nam tham gia hai nội dung quan trọng là cứu sập đổ công trình và hỗ trợ về quân y.

Sau khi hoàn thành diễn tập tại Brunei trở về, đoàn đã tổ chức họp rút kinh nghiệm và báo cáo Thủ trưởng Bộ Quốc phòng. Ngoài việc hoàn thành tốt công tác chuẩn bị và đưa lực lượng tham gia diễn tập tại Brunei, chúng ta đạt được mục đích, yêu cầu đề ra, bảo đảm an toàn tuyệt đối, thể hiện tốt vị thế, uy tín của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tính kỷ luật, chính quy, hữu nghị và trình độ chuyên môn cao cũng được duy trì trong suốt quá trình diễn tập. Thông qua cuộc diễn tập, có thể khẳng định rằng, Quân đội nhân dân Việt Nam đã sẵn sàng tham gia các hoạt động mang tính quốc tế trong tương lai.

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng của Brunei đã đánh giá cao và cảm ơn những đóng góp của chúng ta, đồng thời khẳng định, sự tham gia của Việt Nam đã tạo nên thành công chung của cuộc diễn tập.

Sau cuộc diễn tập, các nước ASEAN và các nước đối tác cũng đã đề xuất sáng kiến tổ chức các đội ứng phó khẩn cấp ở mỗi nước, bảo đảm khi có tình huống bất ngờ xảy ra là có thể hoạt động được ngay.

Ảnh minh họa. 
- Chúng ta đã rút ra những kinh nghiệm gì để vận dụng vào các hoạt động tương tự trong tương lai, đặc biệt khi Việt Nam chuẩn bị tổ chức Diễn tập ARDEX vào tháng 10 năm nay, thưa đồng chí Trung tướng?

Việc tổ chức chuẩn bị và đưa lực lượng tới Brunei diễn tập có ý nghĩa thực tiễn rất quan trọng, bởi nó đem lại những kinh nghiệm quý báu khi Việt Nam chuẩn bị tổ chức lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố tại Đối thoại Shangri-La 12 ở Singapore vừa qua.

Có rất nhiều kinh nghiệm rút ra từ cuộc diễn tập tại Brunei, song có thể đề cập ba vấn đề quan trọng. Thứ nhất là sự phối hợp hiệp đồng chặt chẽ, khai thác tối đa tiềm năng của các nước thành viên tham gia diễn tập. Brunei là một nước nhỏ, nhưng họ đã biết hiệp đồng, tranh thủ năng lực của quân đội các nước tham gia. Đó là điều mà chúng ta cần học tập. Thứ hai, việc lựa chọn nội dung diễn tập, xây dựng kế hoạch diễn tập được Brunei tiến hành rất khoa học, chặt chẽ. Cuối cùng là công tác bảo đảm, từ cấp phép cho các lực lượng, phương tiện tập trung về Brunei tới bảo đảm thông tin liên lạc, ăn ở, đi lại, cũng được nước bạn làm rất tốt.

Những kinh nghiệm thiết thực đó sẽ được chúng ta nghiên cứu và áp dụng nhằm chuẩn bị tiến hành cuộc diễn tập ARDEX tại xã Thụy An, Ba Vì, Hà Nội vào tháng 10 tới.

- Đề nghị đồng chí cho biết thêm về mục đích, quy mô của Diễn tập ARDEX năm 2013?

Tháng 7/2005, tại Viêng Chăn (Lào), Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN đã ký kết Hiệp định về quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp khu vực ASEAN. Đây là cơ sở pháp lý để các nước ASEAN hợp tác, hỗ trợ nhau ứng phó với các thảm họa lớn có thể xảy ra tại một số nước trong khu vực. Để đưa hiệp định này vào thực tế, Ủy ban quản lý thảm họa của ASEAN đã xác định phải tiến hành diễn tập và đó là lý do diễn tập ARDEX ra đời. 

Diễn tập nhằm mục đích luyện tập, đánh giá khả năng, rà soát bổ sung các quy trình thủ tục chuẩn trong việc đưa lực lượng từ các nước ASEAN vào một nước bị nạn để thực hiện công tác ứng phó thảm họa. Làm tốt vấn đề này sẽ tạo điều kiện để nước bị nạn và các quốc gia thành viên ASEAN cũng như các cơ quan của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế, có thể hợp tác hiệu quả, thiết thực trong việc xử lý thảm họa lớn xảy ra.

Diễn tập ARDEX đã lần lượt được tổ chức tại Malaysia (2005), Cam-pu-chia (2006), Singapore (2007), Thái Lan (2008)… Năm nay, Việt Nam sẽ là nước đăng cai tổ chức cuộc diễn tập này.

Với tư cách là nước chủ nhà, Việt Nam đã có kế hoạch và sự chuẩn bị như thế nào để bảo đảm thành công cho cuộc diễn tập sắp tới, thưa Trung tướng?

Tham dự diễn tập ADREX năm 2013 dự kiến sẽ có 10 nước ASEAN và một số nước đối tác. Chính phủ đã giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm đầu mối quốc gia để tiến hành liên hệ với các nước trong khu vực và các nước mở rộng. Bộ Quốc phòng được giao chủ trì vấn đề thực binh. Tới nay, chúng ta đã xây dựng ý định diễn tập, kế hoạch chuẩn bị. Ý định diễn tập là một cơn bão cường độ lớn đổ bộ vào nước ta, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Bốn nội dung lớn được đưa vào để diễn tập bao gồm: Tìm kiếm cứu nạn nhân dân khu vực bị lũ lụt; cứu sập đổ công trình; ứng phó với hóa chất độc hại tràn ra từ một nhà máy hóa chất bị ảnh hưởng của cơn bão; hỗ trợ về y tế.

Diễn tập dự kiến sẽ chính thức diễn ra vào ngày 23/10 tới. Vừa qua, Việt Nam đã tổ chức hội thảo lần thứ nhất với sự tham dự của 10 nước ASEAN để giới thiệu kịch bản, ý định diễn tập, tham quan địa hình khu vực tổ chức diễn tập. Sau hội thảo vừa qua, các nước về nghiên cứu, đăng ký nội dung tham gia diễn tập và phương tiện, lực lượng sẽ đưa tới Việt Nam phục vụ diễn tập. Sắp tới sẽ còn hai hội thảo vào tháng 8 và tháng 9 nhằm thống nhất về nội dung diễn tập, kế hoạch kịch bản, lực lượng tham gia, trước khi diễn tập chính thức bắt đầu.

Hiện Thủ trưởng Bộ Quốc phòng đã giao cho các đơn vị làm công tác chuẩn bị, đặc biệt là Cục Cứu hộ-cứu nạn sẽ phối hợp với các cơ quan đơn vị chuẩn bị về thao trường, huấn luyện, cơ sở bảo đảm cho Ủy ban điều hành, Trung tâm đa quốc gia và cho lực lượng các nước tập kết.
Theo Quân đội Nhân dân